Điều dưỡng lấy người bệnh làm trung tâm, chăm sóc toàn diện

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, dịch vụ do điều dưỡng cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế. Họ là lực lượng cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên và liên tục nhất cho người bệnh.

Ngày 8/5, BV Đa khoa Nông nghiệp đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Điều dưỡng Quốc tế (12/5) với nhiều hoạt động như phát động tuần lễ Điều dưỡng quốc tế tri ân người bệnh (bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo…), tổ chức trình diễn thời trang y tế…

Cắt tóc cho bệnh nhân điều trị tại BVĐK Nông nghiệp.

PGS.TS.TTND Hà Hữu Tùng – Giám đốc BVĐK Nông nghiệp cho biết, đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện luôn hướng tới mục tiêu đem lại cho người bệnh sự hài lòng nhất, chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm, chăm sóc toàn diện, liên tục, chất lượng và an toàn. Đồng thời, điều dưỡng của BV tuân thủ nghiêm các quy định theo Thông tư 07 của Bộ Y tế về Hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện, nâng cao năng lực, chuẩn hóa các quy trình chăm sóc.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, dịch vụ do điều dưỡng cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế. Họ là lực lượng cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên và liên tục nhất cho người bệnh. Người điều dưỡng chuyên nghiệp thực hiện hoạt động chuyên môn không chỉ thuần túy là làm đúng quy trình mà còn phải tạo cảm xúc tích cực để tạo niềm tin cho người bệnh. Điều dưỡng là công việc của trái tim.

Trình diễn thời trang y tế tại BVĐK Nông nghiệp.

Do đó, người điều dưỡng ngoài việc tuân thủ quy trình kỹ thuật chuyên môn phải đặc biệt quan tâm tới cảm xúc của người bệnh để động viện họ an tâm điều trị. Những công việc chuyên môn thường quy như cho người bệnh uống thuốc, tiêm thuốc, thay băng của điều dưỡng cho người bệnh hằng ngày có thể người bệnh không nhớ nhưng nếu điều dưỡng viên tạo cảm xúc tích cực cho người bệnh, giúp người bệnh giảm nhẹ đau đớn và lo lắng có thể họ sẽ không bao giờ quên.

Từ thực tế công tác khám chữa bệnh tại Việt Nam cho thấy dịch vụ do người điều dưỡng, nữ hộ sinh chăm sóc ngày càng đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Quá trình phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại không thể không nhắc tới Florence Nightingale. Để ghi nhớ công lao của bà Florence, hội điều dưỡng thế giới đã lấy ngày sinh của bà 12/5 làm Ngày Điều Dưỡng quốc tế.

Cây đèn chính là biểu tượng của ngành điều dưỡng thế giới. Ý nghĩa của biểu tượng này cũng xuất phát từ câu chuyện về Florence Nightingale. Florence làm việc nhiều giờ, bao gồm cả ban đêm. Vì vậy bà luôn mang theo một chiếc đèn để bà có thể săn sóc và thăm nom những người lính. Từ đó, ngọn đèn được sử dụng như là sự tôn kính dành cho bà. Đồng thời biểu tượng cho sự cống hiến thầm lặng của tất cả những người trong ngành điều dưỡng trên toàn thế giới.

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc tế Điều dưỡng, toàn thể điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh hãy dành ít nhất một ngày nghỉ bù để tham gia các hoạt động hướng đến người bệnh như:

- Chăm sóc người bệnh: Cắt tóc, tắm gội, giúp đỡ người bệnh tập đi, hỗ trợ di chuyển, xoa bóp hỗ trợ, hỗ trợ cho ăn uống...

- Dành nhiều thời gian bên người bệnh: Nói chuyện thân thiện như người thân trong gia đình để hiểu thêm tâm tư nguyện vọng và động viên người bệnh yên tâm điều trị. Hướng dẫn cách chăm sóc và phòng bệnh, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người nhà người bệnh. Có thể kể chuyện, hát, hướng dẫn tập Yoga cười ... để người bệnh vui cười, giảm stress...

- Hướng dẫn tận tình người bệnh đến khám chữa bệnh: Phối hợp cùng đoàn thanh niên hướng dẫn người bệnh đến khám chữa bệnh, đưa người bệnh đi làm xét nghiệm, lấy kết quả xét nghiệm giúp người bệnh...

-Tuyệt đối không cáu gắt với người bệnh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không để người bệnh còn phàn nàn, bực bội khi ra viên; kịp thời giải quyết ngay các bức xúc của người bệnh, nếu vượt quá khả năng thì báo ngay cho lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện để giải quyết.

D.Hải

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dieu-duong-lay-nguoi-benh-lam-trung-tam-cham-soc-toan-dien-n144022.html