'Điều đáng ngại là các doanh nghiệp vẫn tiếp tục rút khỏi thị trường'

Một con số đáng chú ý, quý III/2018 số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao đột ngột, tăng tới 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: PV

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Những cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chưa mang được hiệu ứng tích cực.

Trong thời đại cả thế giới chuyển động nhanh như vậy mà Việt Nam vài năm trời vẫn tranh cãi là điều kiện kinh doanh bỏ cái gì, không bỏ cái gì thì làm sao mà cạnh tranh được với thế giới?”.

Con số 1 triệu DN năm 2020 còn xa vời

Tính tới hết tháng 9, có 96.611 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Quý III tiếp tục chứng kiến lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nhiều bất thường so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý III/2018 có tổng số 24.501 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng tới 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bình luận về điều này, bà Phạm Chi Lan cho biết: “Chúng ta luôn nói đến cải thiện môi trường kinh doanh, ngay cả Thủ tướng từ khi nhậm chức đã tập trung nhiều vào cải thiện môi trường kinh doanh. Năm nay là năm thứ 5 đưa ra Nghị quyết 19, và là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết 35. Tuy nhiên, những cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chưa mang được hiệu ứng tích cực”.

Theo phân tích của bà Phạm Chi Lan, nếu thực sự cải thiện được môi trường kinh doanh, thì năm 2020, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo công bố của Tổng cục Thống kê, đến nay Việt Nam mới có hơn 500 nghìn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh được.

“Như vậy còn rất xa so với con số 1 triệu doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2020, nếu số DN ngưng hoạt động vẫn tiếp tục tăng cao so với DN hoạt động thì đây thực sự là điều đáng ngại”, bà Phạm Chi Lan nói.

Nguyên nhân nào khiến DN rút khỏi thị trường?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Thứ nhất, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện như mong muốn doanh nghiệp.

“Ví dụ về cơ chế một cửa, các DN cho biết muốn thông qua một cửa đó, thì trước đó phải bôi trơn các cửa ngách thì đến cửa cuối cùng mới thông qua được. Các bộ, ngành nói cải thiện, bỏ bớt điều kiện kinh doanh nhưng thực tế thì phiền nhiễu vẫn còn nhiều lắm”, bà Phạm Chi Lan nói.

Thêm vào đó, chi phí tuân thủ quá cao, doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Điều này tạo nên tâm lý lo ngại cho các DN. Hôm trước tuyên bố dỡ bỏ điều kiện kinh doanh này nhưng hôm sau lại thêm công cụ mới, thậm chí còn tệ hơn cái đã bị bỏ đi.

Thứ hai, tâm trạng lo lắng của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh cạnh tranh trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự hội nhập của Việt Nam. CMCN 4.0 về nguyên tắc tạo cơ hội cho các nước nhưng liệu Việt Nam có nắm được cơ hội đó không là câu hỏi rất lớn. Bản thân các doanh nghiệp khi muốn đổi mới công nghệ đều vấp phải khó khăn trong tiếp cận vốn. Nếu vốn quá cao không cho phép họ đầu tư vào công nghệ.

Thứ ba, tâm lý lo ngại của các doanh nghiệp chưa thể kịp với tốc độ phát triển của đối thủ. Ví dụ, trong khi doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình mua công nghệ thì đối thủ khác đã nhanh tay đi trước và chiếm lĩnh thị trường nhờ công nghệ mới của họ.

Thêm vào đó là các yếu tố như kỹ năng lao động, quan hệ lao động cải thiện chậm trễ là rào cản cải thiện môi trường cạnh tranh.

“Việt Nam hiện đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Nhưng dường như các các cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do được các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt nhiều hơn các doanh nghiệp trong nước. Xuất của khối FDI vẫn là 72% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đây là nghịch lý lớn ở Việt Nam khi sẵn sàng mở cửa tự do hóa cho người nước ngoài nhưng không sẵn sàng tự do hóa cho doanh nghiệp Việt”, bà Phạm Chi Lan cho biết.

Lan Hương (ghi)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/dieu-dang-ngai-la-cac-doanh-nghiep-van-tiep-tuc-rut-khoi-thi-truong-636040.ldo