Điều dân bản địa phải cắn răng chịu sau khi TQ 'ném' tiền vào Kenya

Người Kenya nói các khoản đầu tư kếch xù kéo theo người Trung Quốc đến sống ở đất nước châu Phi này đem đến cả sự phân biệt đối xử.

Ochieng từng rất sốc khi bị quản lý Trung Quốc so sánh với khỉ.

Richard Ochieng, 26 tuổi, bị sốc khi trải qua cảnh phân biệt đối xử ngay tại quê nhà. Điều mà anh chưa từng nghĩ đến.

Ochieng lớn lên tại ngôi làng mà ai cũng là người da đen. Anh theo học đại học và có một cuộc sống bình thường, cho đến khi đến Ruiru, thị trấn nằm bên rìa thủ đô Nairobi và làm việc cho một công ty xe máy do người Trung Quốc đầu tư.

Ông chủ người Trung Quốc ở đây thường xuyên lăng mạ, so sánh Ochieng với khỉ. Một lần nọ, khi cả hai ngồi trên xe, người chủ nhìn thấy một con khỉ và nói: “Người anh em của anh kìa, chia nhau chuối đi”.

Đỉnh điểm, người chủ còn so sánh toàn bộ người Kenya với khỉ. Điều này khiến Obieng cảm thấy tức giận và quyết định ghi lại những hành vi và lời nói thô lỗ của cấp trên. Video lan truyền trên mạng xã hội đã khiến chính quyền Kenya vào cuộc, trục xuất sếp của Ochieng về nước.

Tuyến đường sắt dài gần 500km mà Trung Quốc xây dựng ở Kenya.

Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, làn sóng đầu tư vào quốc gia châu Phi này từ Trung Quốc ngày càng tăng.

Nhiều người dân bản địa đặt ra câu hỏi rằng, liệu Kenya có đúng khi chào đón dòng người nước ngoài. Họ là những người mang lại tương lai nhưng đồng thời cũng mang đến phân biệt chủng tộc.

Đây là điều mà người Kenya không hề lường trước, đặc biệt là những người trẻ chào đời ở thế kỷ 21.

Thế hệ đi trước ở Kenya hiểu rõ về nạn phân biệt chủng tộc. Bởi quốc gia này từng là thuộc địa của Anh, phải đeo giấy xác minh nhân thân trên cổ, cho đến khi đất nước giành độc lập năm 1963.

Những người trẻ ở Kenya nói phân biệt chủng tộc là một hiện tượng mà họ biết một cách gián tiếp thông qua các bài học lịch sử và tin tức từ nước ngoài. Tuy nhiên, hành vi phân biệt đối xử của người Trung Quốc ngày càng tăng trong khu vực đã khiến nhiều người Kenya nghĩ về quá khứ.

Quán phở nổi tiếng của Trung Quốc ở thủ đô Nairobi, Kenya.

"Họ đem vốn đầu tư đến đây. Chúng tôi muốn tiền của họ nhưng không muốn họ đối xử với chúng tôi theo một cách không phải đối với con người, ngay tại nước của chúng tôi," David Kinyua, 30 tuổi, nói.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho vay và xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp châu Phi. Nhiều nước châu Phi đã vay tiền từ Trung Quốc hoặc đánh đổi bằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ.

Đó là lúc người Kenya ở Nairobi bàn luận về sự phân biệt đối xử của các ông chủ Trung Quốc. Các công nhân ở độ tuổi 20-30 là người thường trải qua tình trạng này nhất.

Một người cho biết, cô đã nhìn thấy nữ quản lý Trung Quốc đã tát vào mặt công nhân Kenya chỉ vì một sai lầm nhỏ.

Các công nhân Kenya khác cho biết, sự phân biệt còn được thể hiện ngay cả ở cách thiết kế phòng vệ sinh, bao gồm phòng vệ sinh riêng cho nhân viên Trung Quốc.

Tổng thống Kenya khởi hành trên tuyến đường sắt Trung Quốc xây dựng ở Kenya.

Ước tính có khoảng 40.000 người Trung Quốc đang sống và làm việc ở Kenya. Họ sống trong những khu nhà lớn, đi làm bằng xe bus riêng nên ít khi tương tác với người bản địa.

"Vì sự cô lập và thiếu sự hội nhập, họ không biết nhiều về tình hình địa phương", Huang Yuxiang, người từng sống ở Nairobi nói. Theo Huang, nhiều người Trung Quốc đến châu Phi, mang theo quan niệm phân biệt chủng tộc, khi coi người bản địa là "lớp đáy của xã hội".

Nạn phân biệt chủng tộc còn xảy ra ở dự án tầm cỡ quốc gia. Đó là tuyến đường sắt dài 500km mà công ty Trung Quốc xây dựng ở Kenya. Tuyến đường sắt này được coi là biểu tượng trong quan hệ hợp tác Trung Quốc-Kenya, dù chi phí đội lên tới 4 tỷ USD.

Hồi tháng 7, tờ The Standard của Kenya mô tả bầu không khí "tân thực dân" của các công nhân đường sắt Kenya dưới sự quản lý của người Trung Quốc. Một số người Kenya đã bị xúc phạm và quản lý Trung Quốc không cho phép các kỹ sư Kenya lái tàu, trừ khi có sự hiện diện của phóng viên.

Nhân viên Trung Quốc hướng dẫn khách bản địa tại ga tàu ở Nairobi.

Một kỹ sư đường sắt tên Fred Ndubi đã tức giận bỏ việc vì bị quản lý người Trung Quốc so sánh với khỉ, dù gia đình đã phải bỏ nhiều tiền để Ndubi học lái tàu.

Đối với Ochieng, anh thường bị phạt tiền bởi những quy định rất khó hiểu như “không được phép cười” và “mỗi phút đến muộn đều bị phạt rất nặng”.

Khi được hỏi về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đó chỉ là phản ánh một chiều từ truyền thông phương Tây, nhằm làm tổn hại “quan hệ Trung Quốc và các nước châu Phi”.

Có thể nói, việc người Trung Quốc đổ bộ vào Kenya với các khoản đầu tư kếch xù, tạo nên thách thức chưa từng có.

Tổng thống Kenya, Uhuru Kenyatta, mới đây đã có chuyến thăm đến Bắc Kinh, cho thấy mong muốn của chính phủ trong việc tăng cường hợp tác và siết chặt quan hệ ngoại giao hai nước.

Đăng Nguyễn - New York Times

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/dieu-dan-ban-dia-phai-can-rang-chiu-sau-khi-tq-nem-tien-vao-kenya-924378.html