Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu: Cần tính đến đặc thù kinh tế - xã hội

Như LĐTĐ từng phản ánh, do lo ngại tình trạng mất cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu đang được đề cập trong sửa đổi Bộ luật Lao động tới đây.

Tuy nhiên, có nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hay không, nếu tăng thì tăng bao nhiêu, lộ trình tăng ra sao để đảm bảo việc làm và ổn định xã hội đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Đóng - hưởng BHXH đang mất cân đối

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu đối với nam là đủ 60 tuổi và đối với nữ là đủ 55 tuổi, nhưng theo BHXH Việt Nam, trên thực tế, tuổi nghỉ hưu hiện nay ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó tuổi nghỉ của nam là 55,61 tuổi và nữ là 52,56 tuổi; tỉ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định chiếm tỉ lệ cao (trên 50%).

Có điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hay không cần tính tới việc làm của sinh viên mới tốt nghiệp.

TS.Nguyễn Thị Minh- Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, một số quy định về đóng-hưởng BHXH hiện nay còn chưa phù hợp như: Mức đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất chưa tương xứng với mức hưởng lương hưu (tỉ lệ đóng là 22% tiền lương tháng, trong khi tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH). Tỉ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho 1 năm đóng, của nữ là 3% cho 1 năm đóng là quá cao so với bình quân các nước trên thế giới (là 1,7%).

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: Thực tế, chúng ta đang đóng ít, hưởng nhiều. Với mức chi trả lương hưu như hiện nay đang lớn hơn mức đóng, khiến kết dư quỹ đang giảm dần. Nếu không nâng tuổi hưu thì đến năm 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi.

Ông Lợi phân tích, theo công thức được áp dụng từ năm 1995, thời gian đóng BHXH trung bình của Việt Nam đang là 25 năm, hưởng 13 năm và nghỉ hưu là 54 tuổi. Nay tuổi thọ tăng lên 73, vậy cần tới 19 năm hưởng lương thì rõ ràng đang mất cân đối 6 năm. Khi điều chỉnh tăng thêm tuổi nghỉ hưu như đề xuất thì khoảng hụt sẽ chỉ còn khoảng 1,5- 2 năm thay vì 6 năm.

“Luật BHXH đã quy định “Nhà nước bảo hộ Quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ”. Do đó, nếu Quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối thì Nhà nước sẽ có giải pháp cân đối. Ví dụ, điều chỉnh mức đóng, thời gian đóng, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu…”- ông Lợi cho biết.

Theo ông Lợi, tiền NLĐ nộp vào Quỹ BHXH chính là “của để dành” của NLĐ. Nguyên tắc của Quỹ BHXH là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít và quỹ phải được bảo toàn cho NLĐ.

Một nguyên tắc nữa là tiền lương của người về hưu phải đảm bảo cho người về hưu đủ sống. Nếu chúng ta không cân đối, không tính toán, khi NLĐ về hưu mà lương hưu không đủ sống, rõ ràng chính sách đã không đạt được yêu cầu.

Do đó, muốn đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, mức nâng bao nhiêu và Quỹ BHXH có “vỡ” hay không, chúng ta phải nghiên cứu, tính toán tỉ mỉ, khoa học. “Tuy nhiên, NLĐ hãy yên tâm, Quỹ BHXH và Quỹ BHYT đều do Nhà nước bảo hộ nên không lo chuyện “vỡ” quỹ hay “thủng” quỹ”, ông Lợi nhấn mạnh.

Điều chỉnh nhưng phải có lộ trình

Để đạt được mục tiêu cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn, từ thực tế quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật BHXH thời gian qua, BHXH Việt Nam đang đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động theo hướng: Trước mắt, NLĐ có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được nhận lương hưu khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 58 tuổi. Trong đó, LĐ nữ nếu có nguyện vọng thì được nhận lương hưu từ khi đủ 55 tuổi.

Quy định này, theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh là có tính cơ động cao, phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, đồng thời cũng là quy định mở cho NLĐ và người sử dụng LĐ trong việc sử dụng LĐ theo quy định của pháp luật lao động khi hai bên đều có nhu cầu và NLĐ đáp ứng đủ các điều kiện như: Kinh nghiệm, tay nghề, trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật.

Thời gian đóng BHXH kể từ thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu trở đi được tính để hưởng các chế độ BHXH, nếu không tiếp tục làm việc thì NLĐ được nhận lương hưu mà không bị ràng buộc bởi điều kiện nào khác.

Tuy nhiên, bà Minh cũng nhấn mạnh: Xuất phát từ thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, quan điểm của BHXH Việt Nam thống nhất với chủ trương cần phải điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng.

Tuy nhiên, cần có lộ trình phù hợp, theo hướng bảo đảm sự bình đẳng giới, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, đặc điểm tâm sinh lý, điều kiện lao động, nơi làm việc, tận dụng nguồn LĐ chất lượng cao nhưng cũng phải tính đến việc bố trí việc làm cho LĐ trẻ.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Thực tế, 6 tháng đầu năm 2016, đã có 191.000 cử nhân ra trường không có việc làm. Do đó, tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu phải được tính toán kỹ. Nếu tăng, thì tăng thế nào, tăng bao nhiêu, lộ trình tăng ra sao để đảm bảo nhu cầu thị trường lao động, đảm bảo việc làm và ổn định xã hội. “Hiện, chúng ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Nguồn nhân lực của chúng ta sẽ thiếu dần đi, nhưng vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được sự công bằng xã hội. Đặc biệt là phải đảm bảo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đây là lực lượng lao động có bằng cấp, có đào tạo, có năng lực. Không thể để đội ngũ này thất nghiệp và thiếu việc làm như hiện nay.

Do đó, bên cạnh phải bảo vệ, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng ta cũng đừng lãng quên nguồn nhân lực trẻ có trình độ, chuyên môn đang thiếu việc làm, thất nghiệp”, ông Lợi nhấn mạnh.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dieu-chinh-tuoi-nghi-huu-can-tinh-den-dac-thu-kinh-te-xa-hoi-43892.html