Điều chỉnh thời gian làm việc không nên cứng nhắc

Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012 dự kiến trình Quốc hội có nhiều điểm mới như mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ, điều chỉnh thời gian làm,...

Nhiều cái mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi

Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: Sau khi tham khảo kinh nghiệm của các nước và nhu cầu của người lao động, chủ doanh nghiệp, Bộ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm (theo Bộ Luật hiện hành) lên 400 giờ/năm, nếu được người lao động đồng ý, chủ doanh nghiệp trả lương đãi ngộ làm thêm giờ lũy tiến, cao nhất tới 300% so với ngày thường và một số điều kiện bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Mở rộng khu thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa, điều chỉnh thời gian làm việc là hai trong số nhiều điểm mới được bộ đề xuất sửa đổi. (Ảnh: Trube).

Mở rộng khu thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa, điều chỉnh thời gian làm việc là hai trong số nhiều điểm mới được bộ đề xuất sửa đổi. (Ảnh: Trube).

Rất nhiều diễn đàn doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp qua cuộc đối thoại hàng năm đều có kiến nghị với Chính phủ, với Quốc hội về tăng thời gian làm thêm giờ, thì lần sửa đổi này phía cơ quan soạn thảo là Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ phương án tăng giới hạn làm thêm giờ. Việc tăng như thế nào là do hai bên tự thỏa thuận và quyết định với nhau. Dự thảo luật chỉ quy định khống chế việc làm thêm giờ. Nếu người lao động đồng ý thì người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ, nhưng một ngày không quá 4 giờ và một năm có thể không quá 400 giờ.

Về việc điều chỉnh thời gian làm việc, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra phương án thay đổi thời gian làm việc để lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới. Hiện nay, ở TP. Hà Nội, hầu hết các cơ quan quy định giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 4h30 chiều. Tuy nhiên, không phải cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp nào cũng bắt đầu thời gian làm việc và kết thúc giống nhau. Chị Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho biết, thời gian làm việc của cơ quan chị bắt đầu từ 8h30 sáng và kết thúc lúc 5h30 chiều. Việc quy định khung giờ này sẽ phụ thuộc vào từng cơ quan, đơn vị sao cho phù hợp yêu cầu và mang lại hiệu quả công việc. “Nếu theo xu hướng làm việc hiện đại thì không ai quản lý công việc theo giờ làm mà quản lý theo kết quả công việc. Nên việc quy định thời gian làm việc phải phù hợp với từng địa phương, từng hoàn cảnh làm sao để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu “dập khuôn” thì có thể chỉ mang tính chất đối phó thôi”, chị Phương Linh phân tích.

Còn theo ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Việt Nam, nếu bắt đầu làm việc từ 8h30 là muộn, buổi trưa nghỉ 60 phút cũng quá ngắn bởi không phải cơ quan nào cũng có nhà ăn, nhiều người phải ra ngoài ăn trưa nên thời gian nghỉ ngơi không đảm bảo. Nên linh hoạt giờ làm việc theo đặc điểm từng địa phương, vùng miền. Ở các thành phố lớn, mật độ dân số cao, giao thông giờ cao điểm hay bị ách tắc thì cần áp dụng khung giờ làm việc khác với các địa phương có mật độ dân thấp. Bên cạnh đó, việc quy định cứng thời gian hết giờ làm vào 5h30 chiều sẽ bất tiện cho các gia đình có con nhỏ do giờ tan học tại các trường sớm hơn, các cháu sẽ phải chờ đợi bố mẹ đến đón, giáo viên phải ở lại trông thêm giờ. Sinh hoạt gia đình sẽ muộn hơn bình thường, ít nhiều gây đảo lộn thói quen sinh hoạt.

Nguyên tắc của việc sửa đổi Bộ Luật Lao động

Theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành về đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể được thiết kế trên cơ sở chỉ có một tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động là tổ chức công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Tuy nhiên, trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi do Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai để trình Quốc hội xem xét, có một quy định hoàn toàn mới trong thực tiễn pháp luật của Việt Nam. Đó là người lao động trong các doanh nghiệp sẽ có quyền thành lập tổ chức của mình, nằm ngoài hệ thống công đoàn, thuộc hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, người lao động trong các doanh nghiệp sẽ có quyền thành lập tổ chức của người lao động, nằm ngoài hệ thống công đoàn, thuộc hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Đây là quy định hoàn toàn mới trong thực tiễn pháp luật của Việt Nam. Dự thảo luật sẽ quy định một số điều để xác định là tổ chức đó chỉ được hoạt động hợp pháp khi đăng ký với cơ quan Nhà nước hoặc là tổ chức đó họ gia nhập vào hệ thống Tổng liên đoàn lao động. Và Dự thảo Luật sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định để làm sao trong trường hợp có nhiều tổ chức đại diện người lao động trong một doanh nghiệp thì tổ chức nào sẽ có quyền đại diện để thương lượng, đối thoại, để giải quyết các tranh chấp và đình công trong doanh nghiệp.

Đối với các quy định về thương lượng tập thể, Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ bảo đảm quyền thương lượng tập thể của người lao động trong bối cảnh đa tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, phù hợp với đặc điểm quan hệ lao động của Việt Nam; bảo đảm thương lượng tập thể đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Phó trưởng Ban Soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi cho hay: Việc sửa đổi Bộ luật Lao động trong bối cảnh có nhiều tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm bảo đảm mọi nhóm người lao động đều có quyền và có cơ hội có tiếng nói tham gia trong quá trình đối thoại tại nơi làm việc, để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình trong quan hệ lao động. Đây là những vấn đề mới mà thực tiễn Việt Nam chưa từng thực hiện nên chưa có kinh nghiệm. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung cần phải được nghiên cứu, thảo luận một cách kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước, tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bảo đảm phù hợp với đặc điểm thể chế và quan hệ lao động của Việt Nam./.

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dieu-chinh-thoi-gian-lam-viec-khong-nen-cung-nhac-907325.vov