Điều chỉnh quy hoạch Tân Sơn Nhất: Hạng mục chính giữ nguyên

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Càng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2021-2030 với các nội dung về Quy hoạch khu quản lý bay và thông tin dẫn đường; Quy hoạch khu phục vụ mặt đất; Quy hoạch văn phòng các cơ quan.

Về quy hoạch khu quản lý bay và thông tin dẫn đường, nghiên cứu, xây dựng hệ thống radar thời tiết công nghệ Doppler phía Đông Bắc Cảng hàng không, tiếp giáp với Khu xử lý nước thải và thu gom chất thải rắn, diện tích khoảng 1.600 m2.

Về quy hoạch khu phục vụ mặt đất, có hệ thống sân đỗ ôtô, nghiên cứu bố trí hợp khối tổ hợp sân đỗ ôtô và nhà xe nhiều tầng với nhà ga hành khách T3, quy hoạch các luồng ra, vào phù hợp với diện tích đất mở rộng.

Về quy hoạch văn phòng các cơ quan, quy hoạch bổ sung Đồn công an, bố trí tại khu vực bãi đỗ xe ô tô phía Đông nhà ga hành khách T2, diện tích khoảng 300 m2.

Sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải

Sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải

Ngoài ra, về quy hoạch các công trình phụ trợ Cảng hàng không sẽ bao gồm điều chỉnh vị trí khu xử lý nước thải và thu gom chất thải rắn, Khu chế biến suất ăn về phía Đông vị trí quy hoạch hiện tại; Điều chỉnh công năng nhà xe ngoại trường phục vụ trực tiếp Nhà ga hành khách T3 thành bãi tập kết trang thiết bị mặt đất; điều chỉnh vị trí từ phía Đông nhà ga hành khách T3 sang phía Tây Nhà ga hành khách T3; Điều chỉnh vị trí Trạm xử lý chất thải phía Tây Nhà ga hành khách T3 sang phía Đông Nhà ga hành khách T3.

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tiếp tục rà soát, tính toán, cập nhật vị trí, quy mô, phạm vi, công nghệ... các hạng mục của quy hoạch (nếu cần thiết), đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo kết nối, thống nhất với các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Các nội dung khác của quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2021-2030 được giữ nguyên như quyết định số 1942/QĐ-BGTVT về điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không đã được Bộ GTVT ban hành ngày 31/8/2018.

Như vậy, sau lần điều chỉnh này, những hạng mục chính của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cơ bản không thay đổi. Định hướng đến 2030, nhà ga hành khách T1 và T2 vẫn giữ nguyên và được cải tạo, mở rộng để nâng công suất phục vụ đạt khoảng 30 triệu người/năm, bổ sung nhà ga T3 ở phía nam với công suất đáp ứng 20 triệu khách; Bổ sung 3 đường lăn song song và bổ sung 5 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối. Sân đỗ máy bay trước ga T3, sân phía Tây Nam sẽ được bổ sung 56 vị trí, nâng tổng vị trí đỗ của sân bay lên 106.

Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất diễn ra khi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vừa khởi công hồi tháng 1/2021.

Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD với mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện dự án là từ 2020 đến 2025.

Cơ cấu phục vụ hành khách của sân bay Long Thành dự kiến gồm 80% là khách quốc tế (bao gồm cả khách quá cảnh) và 20% khách quốc nội. Còn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chủ yếu phục vụ các chuyến bay quốc nội.

Trong một lần trao đổi với báo Thanh niên, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc xây dựng Long Thành không phải chỉ để cứu Tân Sơn Nhất, giải bài toán ngắn hạn là giảm ách tắc. Lý do là Tân Sơn Nhất vẫn có thể mở rộng nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm, còn ý tưởng xây dựng sân bay Long Thành đã có từ những năm 1990, thời điểm Tân Sơn Nhất còn chưa ách tắc như hiện nay.

"Tân Sơn Nhất không hội tụ đủ điều kiện để phát triển thành một sân bay trung chuyển do diện tích hẹp, khó mở rộng thêm được nữa. Ngay từ những năm 1996-1997, Chính phủ đã đặt vấn đề xây dựng Long Thành với mục tiêu tìm ra điểm đột phá, phát triển Long Thành thành sân bay trung chuyển đủ mạnh so với khu vực”, ông Thắng nói.

Để trở thành sân bay trung chuyển, sân bay Long Thành phải được xây dựng tổng thể, đồng bộ cả về hạ tầng hàng không, hạ tầng giao thông, kỹ thuật…

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dieu-chinh-quy-hoach-tan-son-nhat-hang-muc-chinh-giu-nguyen-3428073/