Điều chỉnh mức tăng, duy trì mức sinh để bảo đảm chất lượng dân số

Dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến kinh tế-xã hội và là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Do đó, việc điều chỉnh mức tăng, duy trì mức sinh đóng vai trò quan trọng để bảo đảm chất lượng dân số Việt Nam.

Còn nhiều khó khăn...

Những năm gần đây, chất lượng dân số Việt Nam đã được cải thiện về nhiều mặt. Tại lễ phát động Ngày Dân số Việt Nam, khi đánh giá về Chiến lược Dân số mới, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ rõ: So với Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược Dân số lần này không còn cái "đuôi" sức khỏe sinh sản, mà là Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Điều này thể hiện sự thay đổi rất căn bản từ Nghị quyết số 21-NQ/TW đến tất cả các văn bản sau này. Đó là công tác dân số không chỉ đơn giản là kế hoạch hóa gia đình, là vấn đề sức khỏe bà mẹ và trẻ em hay vấn đề sức khỏe của mọi người dân, mà là vấn đề dân số và phát triển. Do đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Công tác dân số của chúng ta phải được đổi mới rất căn bản".

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế: Thời gian qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện... Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song công tác dân số đang gặp không ít khó khăn, thách thức lớn, như: Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng; lợi thế của "dân số vàng" chưa được khai thác hiệu quả, chưa có giải pháp đồng bộ. Tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp thích ứng; chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi đó, tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ còn thấp; nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới...

 Nhân viên y tế tư vấn người dân về việc tiêm chủng cho trẻ em.

Nhân viên y tế tư vấn người dân về việc tiêm chủng cho trẻ em.

Duy trì mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng

Tại Việt Nam, chúng ta đã đạt mức sinh thay thế và duy trì liên tục trong suốt hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, mức sinh không đồng đều giữa các vùng, khu vực, cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh mức sinh phù hợp. Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ, năm 2019, nước ta có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (tổng tỷ suất sinh trên 2,2 con), 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (tổng tỷ suất sinh dưới 2 con), 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế (từ 2 đến dưới 2,2). Thậm chí sự chênh lệch trong mức sinh còn xuất hiện cả ở cấp độ nhỏ hơn trong nội bộ từng tỉnh, huyện. Thực tế này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của từng địa phương và cả nước.

Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: "Có rất nhiều nước thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa chứng kiến một nước nào thành công trong việc tăng sinh khi mức sinh đã xuống quá thấp. Ở Việt Nam, nơi có mức sinh thấp nhất được ghi nhận là TP Hồ Chí Minh với mức sinh khoảng 1,3-1,4 con/phụ nữ trong thời gian khá dài. Đối với cả nước, nếu chỉ có TP Hồ Chí Minh có mức sinh thấp không phải là vấn đề đáng lo ngại. Song, điều đáng lo ngại hơn là xu thế này đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, trở thành một xu thế trong điều kiện hiện nay".

Cùng ý kiến, bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô DS-KHHGĐ cho rằng, với nền kinh tế đang phát triển, nếu không có những can thiệp làm giảm chênh lệch mức sinh sẽ làm tăng khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước. Với 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, nếu mức sinh tiếp tục duy trì ở mức cao, quy mô dân số các địa phương này tiếp tục tăng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục.. làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân các địa phương này so với các khu vực khác. Trong khi đó, 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, nếu mức sinh tiếp tục giảm và kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy, như: Suy giảm quy mô dân số; thiếu hụt lực lượng lao động; đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số; gia tăng các dòng di cư và sẽ phát sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội, an ninh trật tự, quốc phòng.

Điều chỉnh mức sinh hợp lý sẽ là một trong những yếu tố bảo đảm cho phát triển bền vững. Mức sinh quá cao trước đây đã tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội, cản trở những nỗ lực nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Nhưng nếu chúng ta để mức sinh xuống quá thấp và duy trì nó trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng ít trẻ em được sinh ra, dân số già hóa nhanh. Về lâu dài, tình trạng này sẽ tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí ảnh hưởng tới sự tồn vong của một quốc gia, một dân tộc. Tình trạng thiếu hụt lực lượng dân số trong độ tuổi lao động cho phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh... trong tương lai không xa là hệ quả tất yếu của tình trạng mức sinh thấp kéo dài.

Bài và ảnh: DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dieu-chinh-muc-tang-duy-tri-muc-sinh-de-bao-dam-chat-luong-dan-so-647583