Điều chỉnh lương tối thiểu vùng là cần thiết

Theo kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐVN vừa mới công bố, đa số các doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) đều cho rằng việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018 là cần thiết, là cơ sở pháp lý quan trọng để DN điều chỉnh tiền lương, giúp NLĐ, nhất là lao động phổ thông, lao động có tay nghề thấp có điều kiện tăng lương, cải thiện đời sống và tăng mức đóng bảo hiểm.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018 giúp người lao động có điều kiện tăng lương, cải thiện đời sống hằng ngày và tăng mức đóng bảo hiểm. Ảnh: Quế Chi

90% số DN đã điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018

Theo Tổng LĐLĐVN, đối với việc triển khai Nghị định 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2018, tổng hợp báo cáo từ các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành trung ương cho biết, có khoảng 90% số DN đã điều chỉnh, với 88,4% số NLĐ được điều chỉnh LTTV, mức phổ biến trung bình 208.000 đồng; mức trung bình cao nhất là 343.000 đồng; mức trung bình thấp nhất là 124.000 đồng.

Bên cạnh đó, với việc điều chỉnh LTTV ở các loại hình DN cũng khác nhau, nhiều DN điều chỉnh cho tất cả NLĐ; một số DN chỉ điều chỉnh cho bộ phận thấp hơn LTTV, chỉ để đóng bảo hiểm mà không điều chỉnh đơn giá sản phẩm nên tiền lương thực tế không tăng. Các DN FDI thường điều chỉnh tăng đồng đều cho tất cả NLĐ sản xuất trực tiếp, mức tuyệt đối tương đương nhau, phổ biến từ 180.000 - 230.000 đồng/người; các DN dân doanh chủ yếu thực hiện điều chỉnh LTTV ở những nơi có số lượng lao động tương đối lớn, nhiều DN chỉ điều chỉnh cho NLĐ có mức lương thấp hơn LTTV và sắp xếp lại thang, bảng lương, còn các DN siêu nhỏ dưới 10 lao động ở khu vực này không được thống kê báo cáo và khó kiểm soát.

Về tác động của việc điều chỉnh tiền LTTV đến các đối tượng liên quan, kết quả khảo sát cho thấy: Hầu hết các DN cho biết khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng đã làm tăng quỹ tiền lương, làm tăng các khoản đóng góp theo lương và phải điều chỉnh bảng lương cho phù hợp. Tác động chủ yếu là do DN phải chi trả các khoản đóng bảo hiểm, mà không ảnh hưởng nhiều đến quỹ lương thực tế của DN trả cho NLĐ.

Vẫn theo khảo sát của Tổng LĐLĐVN, đa số các DN và NLĐ đều cho rằng việc điều chỉnh LTTV năm 2018 là cần thiết, là cơ sở pháp lý quan trọng để DN điều chỉnh tiền lương, giúp NLĐ, nhất là lao động phổ thông, lao động có tay nghề thấp có điều kiện tăng lương, cải thiện đời sống và tăng mức đóng bảo hiểm. Nhiều NLĐ có thu nhập cao là do làm thêm giờ, tăng ca và các khoản phụ cấp, nếu chỉ trông chờ vào lương làm việc trong giờ quy định thì cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn, không đủ sống.

Mức điều chỉnh LTTV năm 2018 còn thấp

Về mức điều chỉnh năm 2018, kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 3,5% số NLĐ tham gia khảo sát cho biết mức điều chỉnh tiền LTTV năm 2018 là cao, trong đó tỉ lệ NLĐ đánh giá mức điều chỉnh cao ở các DN vùng I là 1,7%; vùng II là 6,6%; vùng III là 4,1% và ở vùng IV là 2,3%. Có 57,6% cho biết mức điều chỉnh là “trung bình” và có tới 39,0% số NLĐ được hỏi cho biết mức điều chỉnh còn thấp. Có 5,2% số NLĐ cho biết khi DN điều chỉnh tiền LTTV thì họ bị cắt giảm một số khoản hỗ trợ.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN - đây là “thủ đoạn” của một số DN nhằm cắt giảm chi phí khi LTTV được điều chỉnh; Tổng LĐLĐVN sẽ kiến nghị với cơ quan nhà nước để các DN thực hiện nghiêm.

Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định, khi thực hiện mức LTTV năm 2018, DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, TƯLĐTT hoặc trong quy chế của DN.

Quế Chi

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/dieu-chinh-luong-toi-thieu-vung-la-can-thiet-618519.ldo