Điều chỉnh lại giá một số nhóm hàng theo quy luật cung cầu

Cho ý kiến về một số nhóm mặt hàng tăng, ảnh hưởng cuộc sống người dân, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị, Chính phủ xem xét, điều chỉnh giá theo quy luật cung cầu cho hợp lý, đặc biệt là về giá thịt lợn và giá xăng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội trường Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 13/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Giá thịt lợn cao do dịch tả lợn châu Phi

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo KT-XH của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 5 tháng đầu năm chúng ta chịu tác động và tổn thương lớn nhất, bao trùm là đại dịch COVID - 19 đến nền kinh tế. Tất cả các ngành nghề đều chịu tác động, nhưng riêng ngành nông nghiệp thì tổn thương ở mức độ gay gắt hơn, vì còn có hai rủi ro cho ngành, chịu tác động kép, đó là tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh xảy ra ở quy mô rất nặng, mang tính chất toàn cầu, ảnh hưởng đến nông nghiệp.

Bộ trưởng dẫn chứng về vấn đề thực phẩm: “Nếu như đầu năm, Chính phủ giao khu vực nông nghiệp sản xuất 14,5 triệu tấn thực phẩm, bao gồm 5,8 triệu tấn thịt, 8,5 triệu tấn thủy sản các loại; cùng với đó là 14,6 tỷ quả trứng, 1,2 triệu lít sữa; thì đến giờ phút này, tất cả mục tiêu, tiến độ đều cơ bản đáp ứng, trừ giá lợn hơi cao”.

Theo Bộ trưởng, giá lợn cao do dịch tả lợn châu Phi là loại dịch bệnh rất đặc biệt, hết sức nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam. Tháng 8/2018, chính thức xảy ra ở Trung Quốc, sau một năm rưỡi, trên toàn thế giới 33 nước bị ảnh hưởng và tổng đàn lợn của toàn thế giới vào tháng 12/2019 đã bị giảm 12%.

“Quyết tâm chúng ta thì cần phải có thời gian, quý I.2020, chúng ta phải nhập một triệu tấn thịt lợn. Do dịch này đặc biệt nên ảnh hưởng đến chúng ta, thiệt hại tổng số xấp xỉ 6 triệu con lợn, về lượng giảm 20%, về khối lượng giảm 9,6%. Đây là nguyên nhân cơ bản gây biến động giá thịt lợn. Trước tình hình đó, ngay từ tháng 3/2019, chúng ta có chủ trương phát triển các nhóm thực phẩm khác, là phát triển đàn gà, phát triển thủy sản, trứng. Cuối năm 2019, chúng ta bù đắp được 760 nghìn tấn, do đó không xảy ra thiếu thực phẩm. Tuy nhiên, thịt lợn thiếu và theo lộ trình phải phục hồi đàn đến quý IV.2020, thì số đầu lợn sẽ ngang bằng 31 triệu con trước khi bị dịch”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương đẩy nhanh hơn quá trình tái đàn, tuy nhiên vừa phải bảo đảm tái đàn nhưng vừa phải bền vững. Vì nguy cơ dịch quay trở lại rất cao. “Cần tập trung tái đàn cho các hộ nhỏ lẻ, vừa bảo đảm an toàn, vừa bảo đảm đủ giống cho các hộ này, và bảo đảm tính bền vững khi tái đàn, không bị tái dịch. Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã yêu cầu 15 đơn vị lớn, là các doanh nghiệp không chỉ chăm lo con giống, mà còn phải bán, cung cấp dịch vụ cho người dân” Bộ trưởng nêu rõ.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) chia sẻ những khó khăn với ngành nông nghiệp về dịch tả lợn châu Phi từ cuối năm 2018. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết: “đồng ý rằng ở đây là vấn đề quy luật cung - cầu, cung thiếu trong khi cầu nhiều nên vừa qua mệnh lệnh hành chính không hiệu quả. Đề nghị Bộ trưởng xem lại giải pháp trong thời gian tới”.

Đại biểu Thái Trường Giang cũng đề nghị, Chính phủ xem việc điều hành giá, và ngoài giá thịt lợn thì còn vấn đề giá xăng. Ví dụ, giữa tháng 3 vừa qua, giá xăng giảm 50% nhưng các mặt hàng khác, dịch vụ khác không hề giảm theo giá xăng. Ngược lại, khi giá xăng tăng thì tất cả các loại mặt hàng khác đều tăng theo xăng. “Chính phủ cần xem lại các giải pháp và điều hành, điều chỉnh giá theo quy luật cung cầu cho hợp lý” - đại biểu Thái Trường Giang đề nghị.

Sớm dự báo, phân tích định hướng về thị trường lao động

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đánh giá, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao so với nhiều năm trước. Thu nhập đời sống của người dân bị ảnh hưởng, người lao động mong muốn các chính sách của nhà nước sớm được thực hiện, bảo đảm mục tiêu nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, góp phần ổn định xã hội.

Tình hình dịch bệnh thời gian qua cho thấy, các nước trên thế giới đã chú trọng dự báo xu hướng thông tin thị trường lao động, ví dụ như Hoa Kỳ. Ở nước ta, thông tin về thị trường lao động được nhiều người quan tâm, nhất là sau dịch bệnh và chuẩn bị đón làn sóng kinh tế mới từ các hiệp định thương mại, đặc biệt là các thông tin, định hướng về cung, cầu thị trường lao động, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, cơ sở thông tin dữ liệu thị trường lao động của nước ta hiện đang rất hạn chế, không đủ khả năng cung cấp thông tin về thị trường. Số liệu về thị trường lao động chủ yêu thông qua cục thống kê hoặc khi cần mới được nắm bắt từ các cấp, các cơ quan doanh nghiệp liên quan, điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động, tới nền kinh tế và quá trình hoạch định, ban hành chính sách lao động, việc làm. Đồng thời, ảnh hưởng đến phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội đã tồn tại nhiều năm qua. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm và đã có những giải pháp để khắc phục, phát triển thị trường lao động. Tuy nhiên, các quy định về phát triển thị trường lao động theo các quy định của pháp luật thì khả năng phối hợp giữa các ngành còn hạn chế.

Do đó, thời gian tới, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ có liên quan sớm dự báo, phân tích định hướng về thị trường lao động, cung cấp các thông tin về thị trường lao động cho các cơ quan, tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế.

Đẩy nhanh tiến độ phân vùng, tạo không gian phát triển kinh tế xã hội

Cho ý kiến về vấn đề quy hoạch, phân vùng để phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) cho rằng, quy hoạch là công cụ quan trọng của quản lý Nhà nước, đồng thời là cơ sở để các cấp, các ngành xây dựng chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư.

Đặc thù của xây dựng hoạch lần này là các cấp tiến hành đồng thời trong khi nguyên tắc quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên. Việc này sẽ gây khó khăn cho các địa phương. “Đây là một khó khăn, thách thức bởi xây dựng quy hoạch cấp tỉnh trong khi chưa có quy hoạch vùng, quốc gia. Mặt khác, Trung ương đang tính toán phân chia lại các vùng trong cả nước”, bà Hồng nói.

Đại biểu cũng nêu vấn đề làm sao tạo ra liên kết vùng để phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Đại biểu Hồng đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh quy hoạch vùng, quốc gia; chỉ đạo các bộ, ban, ngành ban hành khung định hướng phát triển quốc gia để các địa phương có cơ sở khi triển khai quy hoạch tỉnh.

"Tôi đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ phân vùng để tạo không gian phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới. Cần thiết có thể mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng, đảm bảo sự gắn kết với các địa phương, lan tỏa động lực phát triển” - đại biểu nêu rõ.

Đồng tình với ý kiến trên, kiến nghị phát biểu trước về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm triển khai đúng tiến độ các dự án trên địa bàn vùng đồng bằng sông Cửu Long theo kế hoạch Chính phủ đã phê duyệt. Sớm hoàn thành các mục tiêu theo Quyết định số 504/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/dieu-chinh-lai-gia-mot-so-nhom-hang-theo-quy-luat-cung-cau-556987.html