Điều chỉnh lại chuỗi cung ứng

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều DN Việt đã nhận ra mức độ lệ thuộc phức tạp và tính dễ bị tổn thương của hệ sinh thái chuỗi cung ứng hiện đại khi những đứt gãy có tác động lan truyền giữa các ngành và giữa các quốc gia với nhau.

Hiểu biết sâu sắc và đa chiều hơn về vị trí trong chuỗi cung ứng là điều cần thiết đối với các DN. Nguồn: internet

Hiểu biết sâu sắc và đa chiều hơn về vị trí trong chuỗi cung ứng là điều cần thiết đối với các DN. Nguồn: internet

Theo nhận định của các chuyên gia, chuỗi cung ứng hiện nay bao gồm những mối liên hệ đan xen và phức tạp cả trong và ngoài nước. Vì vậy, khi có gián đoạn ở bất kỳ đâu cũng sẽ gây ảnh hưởng từ DN sản xuất kinh doanh cho đến người lao động và ở quy mô lớn hơn là ảnh hưởng đến cả nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều DN Việt đã nhận ra mức độ lệ thuộc phức tạp và tính dễ bị tổn thương của hệ sinh thái chuỗi cung ứng hiện đại khi những đứt gãy có tác động lan truyền giữa các ngành và giữa các quốc gia với nhau. Thực tế, các thay đổi đột ngột về nhu cầu tiêu dùng cũng như sự gián đoạn trong hoạt động thương mại xảy ra từ nhiều quốc gia khiến cho tác động của đại dịch đã trở nên sâu rộng và không còn là vấn đề tạm thời đối với chuỗi cung ứng của bất kỳ một DN nào, mà còn trở thành vấn đề mang tầm vĩ mô, chiến lược của cả một quốc gia.

Bà Caroline Bain - chuyên gia kinh tế tại Capital Economics nhắc lại, thời gian gần đây đã có sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như hoạt động thương mại trao đổi hàng hóa. Tình trạng này diễn ra khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp lây lan toàn cầu, đã khiến hàng trăm triệu người phải tạm ngừng làm việc tại Trung Quốc. Trong khi đó, khoảng 90% hoạt động thương mại thế giới diễn ra trên tuyến đường biển, đường hàng không đã bị gián đoạn. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đã khiến cho nhiều tập đoàn đa quốc gia, công ty sản xuất lao đao, chật vật trong hoạt động.

Chính vì vậy, trong tương lai, việc vận hành chuỗi cung ứng sẽ cần chuyển sang các mô hình chủ động và tổng thể hơn. Điều này cũng được phản ánh vào quan điểm của các lãnh đạo tài chính (CFO) từ kết quả “Khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu về Covid-19” mới nhất được PwC công bố mới đây. Trong đó các CFO cho biết đang có kế hoạch điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và các vấn đề của bên thứ ba để chuẩn bị tốt hơn cho các khủng hoảng trong tương lai. Cụ thể, hơn một nửa (51%) các CFO đánh giá việc xác định và phát triển thêm nguồn cung thay thế là vấn đề cấp bách trong chiến lược chuỗi cung ứng. Trong khi đó, 45% mong muốn thay đổi các điều khoản hợp đồng và 45% muốn hiểu rõ hơn về tình hình tài chính và hoạt động của các nhà cung cấp hiện nay và trong tương lai.

Bàn về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, là một trong số các quốc gia đầu tiên mở cửa lại nền kinh tế, Việt Nam cần tận dụng lợi thế này làm nền tảng vươn lên và xây dựng chiến lược thích ứng chủ động. Đây là thời điểm đòi hỏi các DN phải có cái nhìn rõ ràng hơn về chuỗi cung ứng, cũng như cần đặt ra câu hỏi làm thế nào để xây dựng chiến lược thích ứng dài hạn cho DN chứ không thể ngồi đợi hoặc trông chờ từ Chính phủ.

Ông Grant Dennis, Chủ tịch PwC Việt Nam nhận định, cuộc khủng hoảng lần này đã mang đến những bài học kinh nghiệm quý giá, các DN cần tận dụng khả năng thích ứng nhanh nhạy mà họ đã xây dựng được. Chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí, mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó. Đánh giá tình hình với tầm nhìn chiến lược và từ đó linh hoạt điều chỉnh chuỗi cung có thể sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài cho DN.

Hiểu biết sâu sắc và đa chiều hơn về vị trí trong chuỗi cung ứng là điều cần thiết đối với các DN trong bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào hiện nay. Trong đó, các DN cần lưu ý đến những thách thức lớn nhất đối với chuỗi cung ứng và các bên thứ ba, đòi hỏi những thay đổi cần thiết trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng trước đây. Cụ thể như dịch vụ hậu cần và đảm bảo an ninh, nguồn nhân lực trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng, nhà phân phối, các bên trung gian và đại lý, tình hình tài chính của nhà cung cấp, kỹ thuật số và an ninh mạng, hợp đồng và điều khoản thương mại, thuế phí...

“Và chỉ khi các DN có sự quan tâm, hiểu biết và chủ động lên kế hoạch lâu dài cho những vấn đề này thì trong những bối cảnh xảy ra khủng hoảng như đại dịch Covid-19 vừa qua, họ mới có thể cầm cự và vượt qua, không để rơi vào tình trạng bị động dẫn đến nguy cơ đổ vỡ, phá sản”, ông Grant Dennis, Chủ tịch PwC Việt Nam chia sẻ.

Theo Nhật Minh/thoibaonganhang.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dieu-chinh-lai-chuoi-cung-ung-324164.html