Điều chỉnh giá điện để EVN có lãi: Công khai rồi tính!

EVN muốn có lãi cũng không sao nhưng phải công khai, minh bạch chi phí đầu vào.

3 lý do không thể chấp nhận

Tại cuộc họp với Chính phủ mới đây, lãnh đạo EVN lên tiếng cho rằng do tác động từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào như than, dầu, khí... nhưng giá điện lại không tăng đã gây khó khăn và làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh và hoạt động của ngành điện hiện nay và năm 2019.

Ngành điện phải công khai chi phí đầu vào. Ảnh: EVN

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Công thương cũng đưa ra những dự báo về nguy cơ hạn hán, có thể gây rủi ro, không bảo đảm tiến độ vận hành các nhà máy điện tái tạo và các khoản chênh lệch tỷ giá còn lại chưa phân bổ của EVN vào giá thành sản xuất kinh doanh điện theo hợp đồng mua bán điện cũng là áp lực đối với EVN.

Do đó, để bảo đảm cho EVN kinh doanh có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính đầu tư vào phát điện, Bộ Công Thương cho biết đã triển khai xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện của năm 2019.

TS Đinh Sơn Hùng – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nhấn mạnh, nguyên tắc kinh doanh phải bảo đảm cho doanh nghiệp có lãi là phù hợp nhưng bắt buộc phải công khai, minh bạch chi phí đầu vào.

Theo đó, EVN cần công bố mức giá quốc tế làm cơ sở xây dựng biểu giá điện bán lẻ Bộ Công thương đang áp dụng cụ thể là giá quốc tế nào?

Lý giải cho cách đặt vấn đề trên, TS Đinh Sơn Hùng cho hay, EVN đặt vấn đề tính giá bán lẻ điện theo giá quốc tế nhưng cán bộ, công nhân viên ngành điện vẫn đang mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ bảo đảm nhu cầu thiết yếu của con người như dịch vụ y tế, giáo dục, lương thực thực phẩm đều mua theo giá Việt Nam, như vậy, chi phí đầu vào của ngành điện được tính chính là giá Việt Nam.

"Chi phí đầu vào cho ngành điện là giá Việt Nam thì tại sao EVN lại tính giá đầu ra theo giá quốc tế được?", vị chuyên đặt câu hỏi và khẳng định "về nguyên tắc kinh tế và cả nguyên tắc thị trường đều không thể chấp nhận được cách tính của EVN".

Tiếp theo, ông cho rằng việc EVN từng tính gộp chi phí hao tổn đường truyền tải điện vào giá thành bắt người tiêu dùng phải chịu là bất hợp lý. TS Đinh Sơn Hùng nói rõ, trong kinh doanh, người tiêu dùng chỉ phải chi trả những khoản chi phí cho các loại hàng hóa cũng như dịch vụ họ đã sử dụng, không thể bắt người tiêu dùng phải chi trả những loại hàng hóa mà họ chưa sử dụng.

"Như vậy, chi phí hao tổn đường truyền EVN phải tự chịu, không thể bắt người tiêu dùng chịu. Hơn nữa, EVN là doanh nghiệp nhà nước, được đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách, nếu lại tính cả chi phí hao tổn vào giá thành bán lẻ nghĩa là đang bắt người dân phải trả mức phí nhiều lần cho một loại dịch vụ.

Nếu Bộ Công thương muốn xây dựng phương án giá bán lẻ điện theo cách thức tăng giá điện lên để bảo đảm cho EVN có lãi chính là đang ép người tiêu dụng phải mua điện giá cao để bù đắp cho những hao tổn của ngành điện. Việc này là bất hợp lý, không thể chấp nhận được", TS Đinh Sơn Hùng chỉ rõ.

Vấn đề nữa, TS Đinh Sơn Hùng đề cập chính là câu chuyện nhân sự của EVN đang quá đông, trong khi đó, chi trả mức lương lại cao hơn so với các lĩnh vực khác, đây cũng là một bất cập lớn.

"Nếu không rõ ràng, minh bạch, thì cuối cùng ngươi tiêu dùng lại phải trả tiền để nuôi bộ máy cồng kềnh của EVN", ông Hùng nói.

Chốt lại vấn đề, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, không phản đối phương án kinh doanh phải bảo đảm cho doanh nghiệp có lãi nhưng yêu cầu EVN phải công khai, minh bạch đầu vào rồi mới tính.

Chưa công khai, minh bạch, phương án nào cũng không phục

Chỉ ra 3 điểm bất hợp lý trên, TS Đinh Sơn Hùng cho biết, điện là lĩnh vực đầu tư ngoài ngành rất nhiều và tỉ lệ thua lỗ cũng đứng đầu danh sách các tập đoàn DNNN.

Cụ thể tại báo cáo kết luận thanh tra năm 2013 cho biết, tổng số vốn đầu tư ra ngoài ngành của EVN đã lên tới trên 121.000 tỷ đồng, vượt hơn 45.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ, trái với quy định của Bộ Tài chính về việc đầu tư ra ngoài ngành chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

EVN cũng là doanh nghiệp từng đứng đầu trong bảng danh sách nợ nước ngoài với khoản nợ 161.891 tỉ đồng. Trong khi, tổng số tiền các doanh nghiệp nhà nước nợ nước ngoài lên tới 381 nghìn tỉ đồng.

"Nếu không công khai, minh bạch chi phí đầu vào mà lại hướng tới xây dựng phương án kinh doanh bảo đảm cho EVN có lãi là không ổn. Việc này rất dễ gây nhập nhèm, cuối cùng lại bắt người tiêu dùng gánh cả các khoản thua lỗ, mua sắm siêu xe, biệt thự như trước đây, làm sao người tiêu dùng chịu nổi?", ông Hùng đặt vấn đề.

Vị TS cũng không ngại đặt nghi vấn, có hay không tình trạng lợi ích nhóm chi phối giá bán lẻ điện là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành điện trong nhiều năm qua. Và một trong những nguyên nhân dẫn tới sự nghi ngại nói trên chính là phương thức tính toán nhập nhèm, không rõ ràng.

EVN được tự tăng giá điện đến 5%

Theo ông Hùng, muốn xây dựng một kịch bản giá điện phù hợp, trước hết phải biết được lợi nhuận bình quân trong nền kinh tế hiện nay là bao nhiêu?

Trên cơ sở nắm bắt được bình quân lợi nhuận trong nền kinh tế sẽ tính toán được chênh lệch giữa chi phí đầu vào và chi phí đầu ra có tương thích với lợi nhuận bình quân của nền kinh tế hay không, khi đó, mới trả lời được mức giá bán lẻ hiện nay là phù hợp hay không phù hợp?.

"Nếu chưa biết được lợi nhuận bình quân của nền kinh tế hiện nay là bao nhiêu thì xây dựng phương án giá bán nào cũng khó thuyết phục", ông Hùng nhấn mạnh.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dieu-chinh-gia-dien-de-evn-co-lai-cong-khai-roi-tinh-3369205/