Điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ tăng khả năng cân đối quỹ BHYT?

Theo đại diện vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối Quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT.

Chất lượng khám chữa bệnh đang dần được cải thiện tại y tế cơ sở (trong ảnh bác sỹ của Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đang khám chữa bệnh cho bà con nhân dân huyện đảo Cô Tô trong chuyến khám chữa bệnh lưu động). Ảnh: DN

Thông tư 15/208/TT-BYT do Bộ Y tế vừa ban hành có hiệu lực từ tháng 7/2018 đã điều chỉnh giá của 88 dịch vụ kỹ thuật tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ, gồm 6 giá khám chữa bệnh của một số BV, 34 giá ngày giường bệnh của một số BV và 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm. Bên cạnh đó Thông tư 15 cũng điều chỉnh tăng giá 9 dịch vụ gồm 7 giá dịch vụ ngày giường hồi sức, cấp cứu, 2 dịch vụ xét nghiệm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tác động của lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, lãnh đạo Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế khẳng định, việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần làm tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, sẽ bị ảnh hưởng là nguồn thu dịch vụ bị giảm.

Với người bệnh, theo đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, việc điều chỉnh giảm giá một số lượng lớn dịch vụ y tế lần này sẽ khiến phần đồng chi trả của người bệnh giảm. Chưa kể, các dịch vụ được điều chỉnh giảm lần này phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết của nhân viên y tế.

Điều chỉnh giá dịch vụ song bên cạnh đó điều mà người bệnh quan tâm là chất lượng khám chữa bệnh có tăng? Về vấn đề này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ sở có số lượt khám chữa bệnh tăng phải thực hiện ngay các giải pháp như tăng số bàn khám, điều tiết nhân lực cho phòng khám vào các giờ cao điểm để bảo đảm bác sỹ có thời gian khám, tư vấn cho người dân.

Ông Khuê cũng nhấn mạnh, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định, tăng cường công tác chăm sóc, chống nhiễm khuẩn để giảm số ngày điều trị nội trú.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, các bệnh viện thường xuyên quá tải phải báo cáo UBND cấp tỉnh giao tăng giường bệnh, số lượng người làm việc, thực hiện chuyển người bệnh sang cơ sở y tế khác (quá khả năng chuyên môn phải chuyển tuyến trên, nếu bệnh nhân thuyên giảm phải chuyển tuyến dưới theo dõi, điều trị hoặc chuyển cơ sở y tế khác chưa sử dụng hết công suất). Chỉ trong trường hợp thực sự quá t ải mới được kê thêm giường để bệnh nhân không phải nằm ghép.

“Các cơ sở khám chữa bệnh phải tiếp tục thực hiện các dự án bệnh viện vệ sinh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, một số bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh phải cử cán bộ xuống bệnh viện huyện, trạm y tế xã định kỳ 1-2 lần/tuần để khám chữa bệnh, đào tạo, giúp tuyến dưới nâng cao trình độ, lấy lại sự tin tưởng của nhân dân với y tế cơ sở”, ông Lương Ngọc Khuê nêu.

Còn ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã yêu cầu các bệnh viện phải dành đủ từ 3-5% số thu tiền ngày giường, tiền khám bệnh và ưu tiên sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, bàn, ghế, giường tủ cho các phòng khám, các phòng điều trị, cải tạo, nâng cấp khu vệ sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Về phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, cơ quan này cần định kỳ hoặc đột xuất cung cấp cho Bộ Y tế, các địa phương có các cơ sở có dấu hiệu chỉ định điều trị nội trú, chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết để kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý vi phạm nếu có.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dieu-chinh-gia-dich-vu-y-te-se-tang-kha-nang-can-doi-quy-bhyt.aspx