Điều chỉnh dự án vào quy hoạch đã được phê duyệt vẫn 'mắc' quy định pháp lý

Luật Quy hoạch và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật không có điều khoản hướng dẫn chi tiết về phạm vi, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trong giai đoạn chuyển tiếp…

Điều chỉnh dự án vào quy hoạch đã được phê duyệt vẫn vướng mắc

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 37/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 7/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019.

Nghị định này quy định chi tiết một số nội dung tại các Điều 15 (nhiệm vụ lập quy hoạch), 17 (tổ chức tư vấn lập quy hoạch), 19 (lấy ý kiến về quy hoạch), 22 (nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia), 23 (nội dung quy hoạch không gian biển quốc gia), 24 (nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia), 25 (nội dung quy hoạch ngành quốc gia), 26 (nội dung quy hoạch vùng), 27 (nội dung quy hoạch tỉnh), 30 (Hội đồng thẩm định quy hoạch), 40 (hình thức công bố quy hoạch), 41 (hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch) và 49 (trách nhiệm đánh giá thực hiện quy hoạch) của Luật Quy hoạch.

Nghị định nêu rõ, thời hạn lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng không quá 30 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, trong đó, thời hạn lập hợp phần quy hoạch không quá 18 tháng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng. Thời hạn lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh không quá 24 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt….

Như vậy, sau thời gian 5 tháng kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật mới được “ra đời”.

Trao đổi với BizLIVE sau khi Nghị định vừa được ban hành, đại diện Bộ Công Thương cho biết, thực tế việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng kịp thời phát triển kinh tế - xã hội là việc làm thường xuyên.

"Tuy nhiên, trong Luật Quy hoạch và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật không có điều khoản hướng dẫn chi tiết về phạm vi, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trong giai đoạn chuyển tiếp khi chưa có các quy hoạch mới được lập theo Luật Quy hoạch. Do vậy hiện việc điều chỉnh, bổ sung dự án vào quy hoạch đã được phê duyệt trước đây đang vướng mắc về quy định pháp lý", vị này nói.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng từng cho biết, hơn một năm trở lại đây, Bộ đã tiếp nhận đề xuất của cả trăm nhà đầu tư với tổng cộng khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW trong đó điện mặt trời khoảng 26.000MW và số còn lại là điện gió.

Tuy nhiên, đến hết năm 2018, số dự án điện mặt trời, điện gió được phê duyệt để bổ sung vào quy hoạch mới chỉ khoảng 7.500MW, như vậy còn hơn 20.000MW điện gió, điện mặt trời còn “xếp chỗ”.

Theo đó, Bộ Công Thương đã đề xuất, trong giai đoạn chuyển tiếp, khi chưa có hướng dẫn cụ thể phạm vi, thẩm quyền, trình tự thủ tục thực hiện cụ thể theo luật Quy hoạch, đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép Bộ Công Thương có đủ thẩm quyền để tiếp tục thẩm định bổ sung các dự án nguồn và lưới điện như hiện nay đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Tương tự, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, hiện nay có 5 địa vương chưa thể ban hành quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 2016-2020 là TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương. Ngoài ra, hàng loạt địa phương muốn điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng bị mắc kẹt. Ví dụ tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh không thể chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch ti tan trước đây sang để phát triển các dự án điện mặt trời.

Theo dẫn chứng của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, việc điều chỉnh theo quy hoạch xây dựng, hiện Luật Quy hoạch đã thay đổi quy hoạch xây dựng rất nhiều, cũng như quy hoặc sử dụng đất trước đây là hệ thống thống nhất hiện nay bị cắt, tức là có quy hoạch sử dụng đất cả nước, có quy hoạch sử dụng đất cấp huyện nhưng không có quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Luật Quy hoạch, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, Thủ tướng kết luận rằng, việc Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 và các Luật quy hoạch chuyên ngành hết hiệu lực từ thời điểm này trong khi các quy hoạch thực hiện theo Luật Quy hoạch mới chưa có đã gây khó khăn cho nhiều dự án, nhiều quy hoạch đã lập xong nhưng không thể điều chỉnh bổ sung và phê duyệt đã gây ách tắc ảnh hưởng đến đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, một số nguyên tắc quy định tại Luật Quy hoạch chưa thể hiện được trên thực tế như phải có quy hoạch tổng thể quốc gia thì mới có cơ sở để lập các quy hoạch cấp dưới, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch thực hiện như lập mới quy hoạch gây khó khăn, tốn kém trong thực hiện....

Khoảng trống pháp lý điều chỉnh quy hoạch

Do vướng mắc, khó khăn tính đến thời điểm hiện tại, Văn phòng Chính phủ đưa ra một số giải pháp như điều chỉnh thứ tự xây dựng, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo nguyên tắc đảm bảo các quy hoạch phù hợp với nhau, việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia vừa là căn cứ để xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh vừa dựa trên các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Thứ hai, cho phép kéo dài thời hạn hiệu lực của pháp luật chuyên ngành có liên quan và cho phép các quy hoạch được lập và phê duyệt theo pháp luật trước ngành Luật Quy hoạch có hiệu lực tiếp tục được lập, phê duyệt và điểu chỉnh theo quy định của pháp luật chuyên ngành đến khi được thay thế theo quyết định phê duyệt quy hoạch mới trong thời gian chưa có các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Thứ ba, điều chỉnh quy định tại Điều 54 Luật Quy hoạch để cho phép điều chỉnh quy hoạch có phạm vi và quy mô nhỏ, không làm thay đổi kết cấu, định hướng chung của quy hoạch theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục.

Văn phòng Chính phủ lưu ý, 3 nội dung vừa nêu cần được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để đưa vào dự thảo Nghị quyết báo cáo Quốc hội, xem xét quyết định.

Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ ban hành Nghị định làm cơ sở cho các bên liên quan tiến hành xây dựng các quy hoạch, theo đó nghiêng về phương án ban hành Nghị định với các nội dung quy định chi tiết thực hiện Luật Quy hoạch để xây dựng quy hoạch mới, đồng thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về xử lý chuyển tiếp đối với công tác điều chỉnh, quản lý quy hoạch, theo đó giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để xử lý khoảng trống pháp lý điều chỉnh quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực (từ ngày 1/1/2019) đến khi quy hoạch mới được ban hành.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/dieu-chinh-du-an-vao-quy-hoach-da-duoc-phe-duyet-van-mac-quy-dinh-phap-ly-3505601.html