Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hợp lý, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại Hội nghị giao ban quý III, nhằm đánh giá kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2019, của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), diễn ra mới đây.

Vẫn còn khó khăn

Báo cáo của Vinachem cho thấy, quý III/2019, các đơn vị thuộc Vinachem tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do khó khăn về nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, cũng như khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do vậy kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III và 9 tháng năm 2019 của toàn Tập đoàn không cao so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế quý III ước đạt 10.481 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng ước đạt 32.621 tỷ đồng, bằng 67,6% so với kế hoạch năm, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu quý III ước đạt 10.778 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng ước đạt 34.145 tỷ đồng, bằng 68,5% kế hoạch năm, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn quý III và 9 tháng không đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, toàn Tập đoàn thực hiện nộp ngân sách đạt 389 tỷ đồng trong quý III/2019; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.142 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch năm 2019. Cũng trong quý III và 9 tháng đầu năm, Tập đoàn luôn đảm bảo đủ việc làm cho người lao động với mức thu nhập bình quân đạt 8,349 triệu đồng/ người/ tháng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội nghị sơ kết

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội nghị sơ kết

Ông Bùi Thế Chuyên- Phó tổng giám đốc Vinachem thông tin thêm, trong 9 tháng năm 2019, Vinachem đã sản xuất và cung ứng cho thị trường 2,6 triệu tấn phân bón các loại; 2,5 triệu chiếc lốp ô tô; hơn 4,8 triệu chiếc săm lốp xe máy; 0,3 triệu tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hóa chất phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội. Một số sản phẩm có sản lượng tăng so với cùng kỳ như: urê tăng 31%, lốp ô tô tăng 6%, chất giặt rửa tăng 3,5%, xút tăng 4,6%. Song vẫn còn một số sản phẩm có sản lượng giảm như : lân chế biến, phân NPK, DAP, quặng apatit...

Đáng chú ý, việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thực hiện Quy chế mua bán sản phẩm, dịch vụ giữa các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn vẫn được duy trì tốt và đã đạt được một số kết quả khả quan, trong đó: giá trị mua bán nội bộ lũy kế 9 tháng 2019 đạt 1.376 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Một số sản phẩm có tỷ lệ mua trong Tập đoàn cao như khí nitơ (100%); NaOH là 45%, băng tải cao su là 52%, DAP là 67%, amoniac là 39%, ure là 37% ... “Tuy nhiên, một số mặt hàng chính đạt tỷ lệ mua trong Tập đoàn đạt mức thấp so với năm 2018 như NaOH, đạm urê và NH3”- ông Bùi Thế Chuyên nêu cụ thể.

Giải quyết khó khăn, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh

Với kết quả kinh doanh của Vinachem, Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận những nỗ lực của Tập đoàn trong công tác điều hành, quản lý để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng năm 2019.

Thứ trưởng chỉ đạo, Vinachem phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm các tồn đọng vướng mắc của các dự án sớm đưa các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thu hồi vốn nhà nước. “Đề nghị Tập đoàn cùng với các đơn vị nghiên cứu, tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí, mở rộng thị trường tiêu thụ, cân đối nguồn tài chính để tiếp tục sản xuất liên tục, giảm tiêu hao, giảm chi phí qua đó hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt, hạn chế giảm tối đa và xóa, xử lý nợ xấu, tránh để khó khăn từ đơn vị này ảnh hưởng đến đơn vị khác”- Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ, đối với vấn đề thuế phân bón, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh kiến nghị, trao đổi với Bộ Tài Chính. Tuy nhiên, Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần tính toán cụ thể tác động của các chính sách thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn ngành cũng như các tác động đến nguồn thu nộp ngân sách nhà nước, việc làm cho người lao động,... để có luận cứ cho việc sửa đổi quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Vinachem cần chủ động nghiên cứu, định hướng trong 5 năm, 10 năm tới, đâu sẽ là lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn của Tập đoàn, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hợp lý, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, có hiệu quả kinh tế cao tranh thủ những mặt thuận lợi, giảm bớt triệt tiêu các khó khăn của thị trường.

Bộ Công Thương chia sẻ và đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết nhất trí của Tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động toàn Tập đoàn và mong rằng trong quý IV/2019, Tập đoàn sẽ có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, bứt phá để đạt được kế hoạch của năm”- Thứ trưởng kỳ vọng.

Ông Phùng Quang Hiệp - Phó tổng giám đốc phụ trách Vinachem tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Đặng Hoàng An, nỗ lực giải quyết khó khăn, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, ông Phùng Quang Hiệp - Phó tổng giám đốc phụ trách Vinachem nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm 2019, Tập đoàn sẽ đẩy nhanh xử lý các kiến nghị của các đơn vị thành viên, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư khoa học công nghệ mang tính chiều sâu; Tập đoàn sẽ có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị triển khai nhiệm vụ kế hoạch được giao trong quý IV/2019 một cách tốt nhất; rà soát các quy chế, quy định hiện hành của Tập đoàn nếu không phù hợp thì điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc có thể thay thế để phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp; quyết liệt đưa ra các giải pháp mang tính khả thi để thực hiện kế hoạch năm hiệu quả nhất.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dieu-chinh-co-cau-san-pham-hop-ly-day-manh-san-xuat-cac-mat-hang-co-the-manh-126651.html