Điều cần biết về đột phá thương mại Mỹ - Trung

Thỏa thuận thương mại 'bước một' giữa Mỹ và Trung Quốc đã được các thị trường chứng khoán hoan nghênh, song cũng tồn tại mối lo cho rằng thỏa thuận này chưa đủ chặt chẽ, thiếu các chi tiết cần thiết.

Cờ Mỹ (trái) và cờ Trung Quốc (phải) tại một gian hàng ở Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải, ngày 6/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Cờ Mỹ (trái) và cờ Trung Quốc (phải) tại một gian hàng ở Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải, ngày 6/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Washington và Bắc Kinh ngày 13/12 tuyên bố hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã đạt được một “thỏa thuận lịch sử” trên giai đoạn “bước một” nhằm hủy bỏ các đợt tăng thuế bắt đầu từ 15/12, cũng như hạ thấp một số biểu thuế quan hiện nay.

Thỏa thuận có gì?

Theo kênh RT, Mỹ sẽ hạ thấp mức thuế từ 15% xuống 7,5% đối với xấp xỉ 120 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, các lệnh áp thuế 25% với gần 250 tỷ USD hàng hóa của quốc gia châu Á trên vẫn được giữ nguyên. Trong khi Trung Quốc không tuyên bố bãi bỏ hoặc giảm thuế nhằm vào hàng nhập khẩu từ Mỹ, Bắc Kinh đã nhất trí đẩy mạnh mua hàng hóa của Mỹ lên mức 200 tỷ USD trong hai năm tới, trong đó có cả mặt hàng nông sản quan trọng.

Thỏa thuận này cũng đòi hỏi phía Trung Quốc phải đưa ra những biện pháp cải cách trong lĩnh vực tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, tiền tệ và hối đoái…

“Thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả”

Nhiều tổ chức thương mại, tổ chức quốc tế và các quan chức đã khen ngợi thỏa thuận “bước một” có thể mở ra một lối đi nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Giám đốc điều hành Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận xét động thái trên có thể “giúp giảm leo thang căng thẳng thương mại” đồng thời là bước đi tiền đề của một thỏa thuận toàn diện.

Hôm 14/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu với kênh truyền hình CNBC rằng không chỉ Mỹ được hưởng lợi từ bước đột phá trên mà tăng trưởng toàn cầu cũng được thúc đẩy. Các chỉ số chứng khoán Mỹ trong phiên 13/12 đã cao kỷ lục, kết thúc ngày giao dịch tràn ngập màu xanh.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi thỏa thuận này là “thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả”, khác hẳn với tuyên bố hai bên phải đợi đến kỳ bầu cử năm 2020 mới có thể đạt được tiến triển.

Đừng vội ăn mừng

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thấy sự lạc quan về động thái giảm căng thẳng mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo CNBC, Goldman Sachs cho hay các khoản giảm thuế quan của Mỹ chỉ bằng một nửa so với dự đoán cơ bản của ngân hàng đầu tư đa quốc gia này.

Nhà kinh tế Jan Hatzius tại Goldman Sachs cho biết: “Vẫn còn vài điều không chắc chắn liên quan đến thỏa thuận này, vì một lần nữa lại xuất hiện một số chi tiết về mặt kỹ thuật và pháp lý vẫn còn trong tình trạng thay đổi”.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy cũng bày tỏ sự không hài lòng về thỏa thuận bằng việc đưa ra các phép tính nhanh trên mạng xã hội Twitter. Ông lý giải rằng Bắc Kinh dự kiến mua thêm 29 tỷ USD nông sản, trong khi thuế quan đã khiến nông dân Mỹ mất 11 tỷ USD còn người dân nộp thuế phải chi 28 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp cho đối tượng trên. Thượng nghị sĩ Murphy lưu ý người lao động tại những lĩnh vực khác cũng sẽ bị mất việc vì không phải toàn bộ lệnh thuế quan đã được dỡ bỏ.

Đồng quan điểm trên, ông Scott Kennedy tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) viết: “Thứ lỗi cho tôi nếu tôi không mở sâm-panh ăn mừng, ngoài việc chấm dứt tình theo leo thang tiếp diễn, không có nhiều thứ đáng để vui mừng”.

Ông Kennedy tin rằng thỏa thuận “bước một” – vẫn đang được dịch thuật và đóng dấu – có thể không đáng giá so với cuộc giằng co gần hai năm qua giữa hai bên. Theo ông, Trung Quốc chính là bên thắng cuộc, ít nhất là trong ngắn hạn, trong khi thỏa thuận này rất mong manh và có thể sụp đổ dễ dàng nếu bất kỳ bên nào hành động không hay.

Xuân Chi/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dieu-can-biet-ve-dot-pha-thuong-mai-my-trung-20191215125807218.htm