Điều bất ngờ ít ai biết về xuất xứ của môn cờ tướng

Nhiều người vẫn nhầm tưởng, xuất xứ cờ tướng từ đất nước Trung Quốc. Điều này không hoàn toàn sai, nhưng cũng chưa hẳn là chính xác.

Cờ Tướng, cùng với cờ Vua, đều có xuất xứ từ Saturanga, đây là trò chơi của Ấn Độ. Cờ Saturanga đi về phía Tây và biến đổi trở thành Cờ Vua, và đi về phía Đông theo lịch sử trở thành Cờ Tướng. Đây cũng chính là lý do vì sao Cờ Tướng và Cờ Vua lại có nhiều điểm giống nhau.

Một trò chơi được phát minh ở nơi này, khi di chuyển sang đến nơi khác, sẽ được thay đổi để trở nên phù hợp với văn hóa của nơi đó. Như vậy, Cờ Tướng đã có những thay đổi gì để trở thành “Quốc Hồn Quốc Túy” của Trung Hoa? Dưới đây là một vài chi tiết cơ bản cho thấy sự khác biệt với cờ vua về những thay đổi này:

– Thay vì dùng “Ô”, Cờ Tướng dùng “Đường” hay lộ để đi quân, nhờ vậy mà nâng điểm đi quân từ 64 lên 81 điểm.

– Đã là 2 nước phân tranh thiên hạ, thì cần phải có biên giới. Bởi vậy mà Cờ Tướng mới xuất hiện “Sông”. Kể từ đó, số điểm đi lại được nâng lên thành 90.

Sức hấp dẫn của cờ tướng

– Là Quốc gia thì phải có “Cung cấm” dành cho vua và đã là Tướng, soái thì không thể chạy lung tung khắp bàn cờ được. Vì thế mà “Cung” ra đời, khiến Tướng chỉ có thể di chuyển trong 9 điểm (Trung Quốc thường gọi là “Cửu Cung”).

– Để đơn giản hóa tối đa việc tạo ra một bàn cờ, các quân của Cờ Tướng đều được thiết kế giống nhau và phân biệt bằng chữ khắc trên đó. Điều này giúp Cờ Tướng trở nên dễ dàng phổ biến bên trong Trung Quốc, nhưng lại gây khó khăn khi tiến ra thế giới.

Ngoài ra, vào thời mới bắt đầu của trò chơi này, Cờ Tướng không có quân Pháo. Chỉ mãi về sau, vào thời nhà Đường, quân Pháo mới được đưa vào bàn cờ, và từ đó tạo ra những sự khác biệt đầy đặc sắc trong chất chiến thuật của Cờ Tướng.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, sau khi thay đổi, Cờ Tướng đã mang trong mình những nét đặc sắc, tinh hoa cực kỳ nổi bật của nền văn hóa đậm chất phương Đông. Những khái niệm như “Sông”, “Thành”… là những điểm đặc thù vô cùng quen thuộc với người dân phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Cũng bởi lẽ đó, Cờ Tướng đã trở thành một trò chơi trí tuệ thú vị và đầy tính chiến thuật được người Việt ưa chuộng từ xưa cho đến nay.

Ngày nay với công nghệ hiện đại, môn cờ tướng được chuyển thể thành game cờ tướng online giúp mọi người có thể kết nối sở thích, đam mê với nhau. Điều này không chỉ góp phần giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền Việt Nam, còn kết nối đam mê, rèn luyện trí tuệ rất hiệu quả. Nhiều người còn coi đây là một trò chơi không thể thiếu trong những giờ giải lao hay những kỳ nghỉ của mình.

Mục đích và ý nghĩa của ván cờ tướng

Ván cờ được bắt đầu khi có hai người (không nên chơi cờ một mình bỏ mặc bạn bè nhé!), một người cầm quân Trắng (hay Đỏ), một người cầm quân Đen (hay Xanh lá cây) tùy vào quân cờ bạn mua hoặc trang bạn chơi cờ. Mục đích của mỗi người là tìm mọi cách đi quân trên bàn cờ theo đúng luật chơi cờ tướng để chiếu bí Tướng (hay Soái) của đối phương nhằm bắt quân Tướng và giành thắng lợi.

Bàn cờ là một hình chữ nhật do 9 đường dọc và 10 đường ngang cắt nhau vuông góc tại 90 giao điểm (giao lộ) hợp thành. Một khoảng trống gọi là sông (hay hà) nằm ngang giữa bàn cờ, chia bàn cờ thành hai nửa đối xứng và bằng nhau. Mỗi bên có một cung Tướng hình vuông (Cửu cung) do 4 ô hợp thành tại các đường dọc 4, 5, 6 kể từ đường ngang cuối của mỗi bên, trong 4 ô này có vẽ hai đường chéo xuyên qua dành cho quân Sĩ di chuyển.

Theo quy ước, khi bàn cờ được nhìn theo chính diện, phía dưới sẽ là quân Trắng (hoặc Đỏ), phía trên sẽ là quân Đen. Các đường dọc bên Trắng (Đỏ) được đánh số từ 1 đến 9 từ phải qua trái. Các đường dọc bên Đen được đánh số từ 9 tới 1 từ phải qua trái.

Ranh giới giữa hai bên là “sông” (hà). Con sông này có tên là “Sở hà Hán giới” (楚河漢界)- con sông định ra biên giới giữa nước Sở và nước Hán. Theo lịch sử Trung Hoa cổ thì khởi nghiệp nhà Hán, Lưu Bang có cuộc chiến liên miên với Sở vương là Hạng Vũ cuộc chiến cân tài cân sức.

Cuộc chiến trường kỳ giữa hai bên khiến trăm họ lầm than. Hạng Vũ bèn nói với Hán vương rằng: “Mấy năm nay thiên hạ khốn khổ chỉ vì hai chúng ta. Bây giờ quyết một trận sống mái để khỏi làm khổ thiên hạ nữa”. Hán vương trả lời: “Ta chỉ đấu trí chứ không đấu sức”.

Hai bên giáp mặt nhau ở khe Quảng Vũ. Hán vương tức Lưu Bang bèn kể 10 tội lớn của Hạng Vũ, Hạng vương tức giận dùng nỏ bắn trúng Hán vương, Hán vương đeo tên chạy vào Thành Cao.

Từ đó hai bên giữ vững thành trì của mình. Mãi đến khi thấy sức lực ngang bằng không ai có thể tiêu diệt được ai, hai bên mới chịu giao ước phân đôi thiên hạ: từ Hồng Câu trở về Tây thuộc Hán, từ Hồng Câu về Đông thuộc Sở. Từ điển tích này, người ta hình dung bàn cờ tướng như hai quốc gia Hán và Sở, coi ranh giới là một dòng sông. Cho tới nay, trên các bàn cờ tướng, ở khoảng “hà” nằm chính giữa, chia đôi bàn cờ, người ta thường ghi “Sở hà Hán giới” (bằng chữ Hán) chính là vì như vậy.

Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải có đủ 32 quân, chia đều cho mỗi bên gồm 16 quân Trắng (Đỏ) và 16 quân Đen, gồm 7 loại quân. Tuy tên quân cờ của mỗi bên có thể viết khác nhau giữa 2 bên (ký hiệu theo chữ Hán) nhưng giá trị của từng quân cờ và cách đi quân của chúng lại giống nhau hoàn toàn.

Theo Tổng hợp (Cotuong.VN)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/dieu-bat-ngo-it-ai-biet-ve-xuat-xu-cua-mon-co-tuong-919968.html