Điệu Ayray Ban Mê

Tôi đi lang thang trong công viên thành phố Buôn Ma Thuột ngắm nhìn những pho tượng đặc trưng của miền Tây Nguyên đầy nắng gió. Các em sinh viên ngồi cắm cúi đọc sách trong góc công viên.

Một không khí trầm lắng đến ngạc nhiên. Bởi tôi nghĩ nói đến xứ sở Đắk Lắk ắt hẳn phải sôi động với những thớt voi gầm rú trên đường trong lễ hội cà phê. Dường như một thời khắc đang chuyển mùa. Tất cả những con đường đang lắng nghe mùa xuân về.

Giai điệu cà phê Ban Mê

Theo đúng hẹn tôi lấy công viên làm điểm xuất phát tìm đến nhà nghệ nhân Ymip Ayun ở buôn Ko Sier nằm ở trung tâm thành phố. Họa sĩ Inhi K'So (Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk) chỉ đường cho tôi một cách cặn kẽ. Nhưng xem ra không hề dễ dàng cho dù Ko Sier là một trong ba vùng đất tạo dựng lên thành phố Buôn Ma Thuột.

Trước đó thành phố có tên là Ban Mê Thuột và thường được gọi tắt là Ban Mê. Tôi mải tìm lạc lên tận "Ngã Sáu" thì may sao nghệ nhân Ymip gọi điện cho tôi quay lại. Ông đang đợi tôi ở nhà văn hóa buôn. Ở đó đội văn nghệ đang tập hát để chuẩn bị đón lễ hội mùa xuân và lễ hội cà phê.

Từ ngã ba rẽ vào buôn tôi đã nghe thấy tiếng hát của một chàng trai Ê đê vang lên khắp chốn. Đến đây tôi lại bị lạc lối tiếp vì nẻo nào cũng dậy hương cà phê và rộn ràng âm thanh cồng chiêng. Tiếng hát một lúc một gần.

Tôi vừa đi vừa hóng nghe lời hát sáng láng bay lên. Đó là giai điệu ca khúc "Em hát Ayray" của nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác riêng cho miền đất Bazan này. Tôi mải mê nhẩm theo lời ca: "Em hát Ayray tạnh cơn mưa núi. Em hát Ayray tạnh cơn mưa rừng. Xao xuyến trong tôi lời con sông hát…".

Ngay lúc đó có tiếng tù và rúc lên như tiếng gọi hoang dã trên đại ngàn. Tôi ngẩng lên mới hay nghệ nhân Ymip xuất hiện trước mặt. Già cười rồi dang rộng hai cánh tay đón tôi. Phải chăng tôi đang mơ vì cảm giác mình bị chìm đắm trong một thung lũng tràn ngập âm thanh và nụ cười ấm áp của một già làng.

Nghệ nhân mời tôi về nhà uống cà phê. Ông nói đã làm một túi cà phê đợi tôi. Những người gặp ông đều chào với cái tên thân mật trong buôn là Ama Kim. Ông mỉm cười giải thích cho tôi rằng con trai ông tên là Kim.

Theo tục gọi theo tên con của người Ê đê thì bao giờ cũng đệm theo khẩu ngữ Ama Kim là cha của Kim. Cái tên của thành phố cũng gọi theo cách đó. Buôn Ma Thuột chính là "Buôn Ama Thuột" (buôn của cha thằng Thuột). Hoặc xưa gọi Ban Mê Thuột thay cho địa danh "Bản mế Thuột" (Bản của mẹ thằng Thuột).

Từ cái buôn đầu tiên này mà thành phố hình thành. Tôi nghe chừng khá rắc rối nhưng đó chính là tục lệ của người Ê đê. Ngay cả thói quen uống cà phê ở đây cũng thế. Cách pha cà phê của nghệ nhân Amip thật dân dã.

Đãi khách phải là cà phê được chủ nhân tự giã thật mịn rồi cho vào túi vải. Sau đó cho vào ấm rồi rót nước nóng mới đun sôi. Hoặc đun ấm cà phê trên bếp để nhỏ lửa. Dăm phút sau cà phê tan ra sánh đặc sẽ hòa một ít muối cho đậm nước rồi mới mời khách uống. Nghe lão nghệ nhân nói chuyện thật vui.

Ông mời tôi thử ly cà phê muối do chính tay ông làm. Đúng là vị cà phê đậm đà mang phong cách Ê đê chứ không cần phin lọc cùng đường sữa của các nhà hàng sang trọng trên phố. Một vị hương đắng lịm làm tôi mê ly và tỉnh táo hẳn. Nhịp tim tôi đập mạnh khi nghe thấy tiếng chiêng bừng lên với âm thanh tràn theo con suối Ea Tam dưới buôn.

Nghệ nhân Ymip ôm một số nhạc cụ mà ông chế tác cho tôi xem. Câu chuyện chính của chúng tôi sau thủ tục ly cà phê càng trở nên đậm đà. Dân trong buôn gọi nghệ nhân là người giữ được cái hồn của chiêng bởi ông có biệt tài chỉnh âm thanh chính xác của một loại chiêng.

Những bộ chiêng mua về đều phải chỉnh âm sắc cho đúng giọng khớp bè. Gọi được tiếng chiêng đòi hỏi người nghệ nhân phải nắm vững được các cung bậc âm thanh và có bàn tay vàng chỉnh chiêng.

Bộ nhạc cụ chế tác của nghệ nhân thật nhiều loại. Nào sáo, kèn, chiêng, tù và… Đột nhiên ông cầm chiếc tù và thổi vang lên. Đó là âm sắc vang vọng của núi rừng Tây Nguyên. Nó cất tiếng gọi bản làng thức dậy cùng cất tiếng hát Ayray vào mùa.

A ma Kim thổi tù và.

A ma Kim thổi tù và.

Bản hòa tấu chung chiêng

Chung quanh căn phòng nhỏ gắn đầy các bộ huy chương và giấy khen mà nghệ nhân Ymip đã cùng đoàn nghệ thuật của buôn Ko Sier đi biểu diễn khắp nơi. Đặc biệt ông là một trong những nghệ nhân Ê đê được đi biểu diễn nước ngoài nhiều nhất. Những hình ảnh được lưu giữ như một minh chứng cho cả một cuộc đời gắn bó với âm nhạc của nghệ nhân.

Ymip còn có bộ nhạc cụ được chế tác và phục dựng lại mang đậm dấu ấn Ê đê cổ xưa. Những bộ đàn hơi, bộ gõ và bộ kèn rất độc đáo. Khi chuyển sang giới thiệu bộ nhạc cụ bằng tre trúc, nghệ nhân bất ngờ bắt tôi tập chơi nhạc cụ.

Ông vừa cất tiếng hát vừa làm động tác cho tôi bắt chước. Cho dù đó là một bản nhạc rất dễ dàng nhưng tôi lóng ngóng mãi mới hòa nhịp được cùng ông. Lúc này các con cháu nghệ nhân ở nhà dưới nhanh chân bước lên ngôi nhà âm nhạc.

Họ như không thể im lặng trước những âm thanh vang dội và cuốn hút của người cha. Cả vợ ông cũng bước ra cùng cô con gái H'Ngôn để múa theo nhịp Ayray. Họ cất tiếng hát bài ca "Đuổi chim ăn lúa". Đó là một điệu dân ca quen thuộc.

Trước mắt tôi một bầu trời xanh trong và đàn chim đang tung cánh lên bầu trời. Chúng bị xua bay đi về cánh rừng để lại những bông lúa thơm nức trên nương rãy.

Tôi mơ màng với nhịp điệu rộn ràng của bản nhạc đồng quê. Tiếng hát của chàng trai Ê đê vọng về từ phía xa như muốn hòa nhập cùng không gian âm nhạc của nghệ nhân Ymip.

Lời ca bủa vây chúng tôi với tiết tấu náo nức hơn: "Nguyên sơ câu hát Ayray. Tươi nguyên câu hát Ayray. Lều lêu lêu lêu lêu lêu… Em hát Ayray nắng quên chiều hè, núi quên đường về…".

Nghệ nhân Amip giảng giải cho tôi biết về những câu hát quen thuộc của người Ê đê. Xưa người Ê đê còn có tục phạt những người phạm lỗi trong buôn bằng hình thức phải hát những bản Ayray (dân ca). Hình phạt được tha bổng nếu lỗi không gây hậu quả nghiêm trọng. Khi ấy phạm nhân phải trình bày được những lời ca sám hối và ăn năn về hành vi ứng xử sai trái của mình.

Những người Ê đê thuộc một dòng tộc sống chết cùng âm nhạc. Gặp nhau là nói chuyện bằng giao duyên Ayray. Khi tiễn người chết về với cõi vĩnh hằng (lễ bỏ mả) lại càng bay bổng với làn điệu dân ca. Đó chính là lễ hội vui mừng cho người chết sớm được đầu thai vào cuộc sống mới. Họ hát ca trong sự hòa điệu của cây đàn Đinh Năm hay tiếng chiêng phụ họa.

Mới đây buôn Ko Sier vừa diễn ra lễ hội kết nghĩa anh em với buôn Ji ê Juk người Mơ nông ở Đắk Phơi. Sau nghi lễ là phần hội bằng những làn điệu Ayray trao gửi tâm tình. Họ hẹn thề sống chết bên nhau giữa hai dân tộc Ê Đê và Mơ Nông.

Trong khi những người già bản trò chuyện thì các chàng trai cô gái hai buôn cùng hát ca và nhảy múa. Bản hòa nhịp cồng chiêng rộn rã phụ họa những bản Ayray suốt ngày đêm. Đó chính là những đêm múa hát mơ mộng trong dưới ánh trăng huyền ảo trên đại ngàn Tây Nguyên.

Nghệ nhân A ma Kim (đứng giữa, hàng đầu) biểu diễn tại nhà văn hóa buôn Ko Sier.

Đôi chân trần

Tôi cùng nghệ nhân Ymip uống nốt ly cà phê muối cuối cùng rồi chia tay. Ông tặng lại chiếc sáo mà tôi vừa tập hòa tấu cùng gia đình. Chúng tôi dừng tại nhà văn hóa rồi tạm biệt nhau.

Thấy nghệ nhân Ymip đi chân đất với dáng hình gầy gò tôi bỗng nhớ đến bài hát "Đôi chân trần" sáng tác của Y Phôn. Có lẽ đây là hình bóng của ông già đi chân trần mà nhạc sĩ Y Phôn đã bắt gặp trên đường rừng ngày nào chăng.

Giai điệu và lời ca da diết mang đậm chất hoang dã làm tôi nghẹn ngào bâng khuâng. Giọng hát cháy bỏng cứ thiêu đốt tâm hồn tôi thật mê man: "Ôi… thời gian hãy quên đi đôi chân cồng kềnh. Cha đi giữa rừng hoang vu. Lưng cha thì đội nắng gầy. Ôi tóc bạc tựa trăng soi. Cả cuộc đời và cả cuộc đời đôi chân trần".

Tiếng tù và ở đâu lại vút lên một âm thanh tê tái trên con đường gồ ghề đi xuống con suối chân núi. Đột nhiên nghệ nhân Ymip ngoái lại nhìn tôi trước khi rẽ vào hàng cây cà phê. Ông nở nụ cười hiền hậu làm tôi sững người và chợt thấy cay khóe mắt. Cứ thế tôi loanh quanh không thể rời khỏi buôn Ko Sier.

Tôi lưu luyến đứng lại ngắm hình ảnh nghệ nhân Ymip đổ bóng về cuối con dốc. Tiếng hát của chàng trai Ê đê vẫn bay bổng với lời ca của Nguyễn Cường rằng: "Em hát Ayray nắng tung hạt vàng. Cánh chim gọi đàn xôn xao đại ngàn".

Vương Tâm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/dieu-ayray-ban-me-581711/