Diệt hết ký sinh trùng là hành động không khôn ngoan

Trong thế giới hiện đại, trẻ em ít được tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm và những ký sinh trùng khác làm cho trẻ dễ bị dị ứng. Bởi sự tiếp xúc như vậy là cần thiết cho sự phát triển tự nhiên của hệ miễn dịch ở người.

Trong bài viết trên tạp chí Trends in Ecology and The Environment, các nhà sinh học đã đi đến kết luận rằng khi quan tâm bảo vệ những loài động vật đang bị nguy cơ tuyệt chủng, chúng ta không nên tiêu diệt những ký sinh trùng sống trong cơ thể chúng. Mặc dù điều đó có thể cải thiện sức khỏe của động vật nhưng trên thực tế việc loại trừ hết ký sinh trùng làm cho hệ miễn dịch của động vật bị tổn thương và điều đó gây nguy hiểm khi thả chúng trở lại với thiên nhiên hoang dã.

Gần nửa thế kỷ trước đã xuất hiện những bằng chứng cho thấy ký sinh trùng cũng có lợi cho con người. Chẳng hạn, năm 1968, M. Brian Greenwood ở Trường vệ sinh và y học nhiệt đới Luân Đôn, Anh, đã ghi nhận rằng ở Nigeria, số ca mắc bệnh viêm khớp và các các bệnh khác liên quan đến hệ miễn dịch thấp hơn so với ở Anh. Nhà nghiên cứu này cho rằng các bệnh mạn tính phổ biến do ký sinh trùng gây ra cho dân Nigeria ảnh hưởng đến hệ miễn dịch làm giảm nguy cơ hệ miễn dịch tấn công chính các mô của cơ thể (như xảy ra với bệnh viêm khớp dạng thấp).

Trong những thập kỷ tiếp theo đã thu thập được nhiều dữ liệu dẫn đến sự xuất hiện cái gọi là “giả thiết vệ sinh”. Theo đó, trong thế giới hiện đại, trẻ em quá ít tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm và những ký sinh trùng khác làm cho trẻ dễ bị dị ứng. Bởi sự tiếp xúc như vậy là cần thiết cho sự phát triển tự nhiên của hệ miễn dịch ở người.

Theo những người ủng hộ giả thiết này, ở những nước phát triển, mọi người hay bị dị ứng, hen, bệnh Crohn và các rối loạn khác liên quan đến hệ miễn dịch. Bây giờ, các nhà nghiên cứu cho rằng khẳng định đó cũng đúng với động vật. Khi thả những cá thể động vật có nguy cơ tuyệt chủng đang bị nuôi nhốt vào môi trường tự nhiên hoang dã, người ta lại cố gắng chữa hết các bệnh truyền nhiễm.

Có thể nêu ví dụ như việc tẩy hết giun cho loài vẹt cú không bay hiếm ở New Zealand hay diệt chấy rận Colpocephalum californici ở cánh cho loài kền kền California. Và nay, Chemische Spencer, nhà di truyền học ở Đại học Otago, New Zealand, cho rằng hoàn toàn diệt hết ký sinh trùng là không khôn ngoan, vì động vật vẫn cần ký sinh trùng để có thể sống sót vì khi đối mặt với nguy cơ mắc bệnh thì hệ miễn dịch lại yếu.

Nhưng như vậy không có nghĩa ký sinh trùng là yếu tố có lợi hiển nhiên. Nhà sinh học tiến hóa Marlene Zuk ở Đại học Minnesota, Mỹ, cho rằng có giun ở thời thơ ấu có nghĩa là trẻ ít bị dị ứng ở tuổi trưởng thành, nhưng giun cũng có thể dẫn đến sự ngừng phát triển. Mối quan hệ của động vật với ký sinh trùng trong cơ thể chúng là một sự thỏa hiệp phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần hiểu thêm về ký sinh trùng để kiểm soát ảnh hưởng của chúng.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/diet-het-ky-sinh-trung-la-hanh-dong-khong-khon-ngoan-44114.html