Diệt địch đến hơi thở cuối cùng

Thượng úy Nguyễn Kim Vang (sinh năm 1944), năm 1954, mới 10 tuổi, anh đã rời quê hương Phú Yên tập kết ra Bắc và học ở trường học sinh miền Nam. Năm 1963, tốt nghiệp phổ thông, Vang không vào đại học mà nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) để có điều kiện về quê chiến đấu. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan CANDVT, Vang tình nguyện vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương.

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Kim Vang. Ảnh: Tư liệu

Sau hơn 6 tháng vượt Trường Sơn, Vang đã về đến vùng đất quê hương và được Ban An ninh Phú Yên giao nhiệm vụ làm Chính trị viên Đại đội An ninh vũ trang tỉnh. Đơn vị Vang được giao nhiệm vụ bảo vệ cán bộ cấp trên tuyệt đối an toàn trong khi đi công tác cũng như những lúc làm việc ở căn cứ; đồng thời phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu bảo vệ an ninh và giữ vững khu căn cứ cách mạng, phục vụ phong trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh.

Tháng 9-1968, Vang phụ trách một tổ trực tiếp bảo vệ đoàn cán bộ của Trung ương Cục miền Nam về và một đoàn của Tỉnh ủy đi công tác từ Vân Hòa đến Hòa Thuận, Suốt Tre... Trong thời gian các đoàn công tác đi và về phải vượt qua nhiều đoạn đường địch thường hay gài mìn, phục kích, bắt sống cán bộ, Vang luôn đi đầu, vừa nắm tình hình địch, vừa cùng đồng đội tháo gỡ mìn địch gài và dọn đường để cán bộ đi địa bàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối, được cấp trên khen ngợi.

Tháng 4-1969, Hội nghị An ninh toàn tỉnh đang họp ở khu vực Hòn Giang (huyện Sơn Hòa) thì có nội gián báo cho địch biết. Chúng phái hai Tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên dùng trực thăng đổ bộ, bao vây cả khu vực này, đồng thời dùng pháo các cỡ bắn yểm trợ hòng tiêu diệt và bắt sống lực lượng ta. Trước tình hình đó, Nguyễn Kim Vang phân công một phân đội bảo vệ và đưa đại biểu sơ tán ra ngoài. Còn Vang ở lại, chỉ huy 7 đồng chí, dùng súng và lựu đạn đánh ngăn chặn địch, không cho chúng chiếm căn cứ. Với chiến thuật lấy ít đánh nhiều, nghi binh, phân đội của Vang làm thất bại nhiều đợt tấn công của địch. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, giằng co suốt 3 ngày đêm, bọn địch phải rút lui, bỏ lại 52 xác chết. Bộ phận đưa cán bộ dự hội nghị sơ tán đã kết hợp đưa tất cả gần 100 người dân đi cùng ra vùng căn cứ đảm bảo an toàn tuyệt đối. Sau trận đánh này, tỉnh đã phát động phong trào thi đua lập công diệt Mỹ, ngụy, được nhân dân trong tỉnh tham gia rất sôi nổi.

Tháng 6-1971, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam: Giải phóng thị trấn Cùng Sơn để mở rộng vùng giải phóng, giành giật hàng vạn dân với địch. Vang phụ trách Đại đội An ninh vũ trang kết hợp các lực lượng khác bí mật vào thị trấn tiêu diệt những tên ác ôn, gián điệp, vận động quần chúng ủng hộ cách mạng. Khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, đơn vị Vang chiếm lĩnh xóm mới, đến 7 giờ thì địch cho bộ binh và xe tăng phản kích lại ta. Đại đội An ninh của Vang bị lọt vào vòng vây địch và suốt ngày hôm đó, địch dùng phi pháo nã đạn ồ ạt vào trận địa của ta và dùng loa gọi các anh chiêu hồi. Trước tình hình đó, Vang vẫn bình tĩnh động viên đồng đội giữ vững khí tiết cách mạng, tận dụng mọi vũ khí đánh trả địch quyết liệt, làm cho địch nhiều thương vong và chúng không dám tiến vào gần. Cuộc chiến đấu vẫn diễn ra giằng co, ác liệt đến 23 giờ, Nguyễn Kim Vang quyết định mở đường máu đưa Đại đội và nhiều cán bộ về căn cứ an toàn.

Trong phong trào thi đua phát triển vũ khí tự tạo, dưới sự chỉ huy của Vang, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã tự tìm kiếm các loại bom, mìn lép để sản xuất hàng ngàn quả bom, mìn mới, góp phần tiêu diệt địch rất hiệu quả. Trong việc làm này, Vang luôn đi đầu về phát minh, sáng chế kỹ thuật, được cấp trên đánh giá cao và đồng đội mến phục.

Với cương vị là Chính trị viên Đại đội, Đảng ủy viên cơ sở, Ủy viên Ban An ninh tỉnh, Nguyễn Kim Vang luôn hết lòng thương yêu đồng đội, đồng chí và đồng bào, làm bất kỳ việc gì anh cũng không hề ngại khó, ngại khổ và luôn nhận những việc nguy hiểm, nặng nhọc về phần mình. Nhiều lúc đơn vị thiếu lương thực, thực phẩm, Vang vào rừng kiếm rau, quả về cho anh em ăn, có lúc anh xuống cơ sở gùi 40-50kg gạo vượt đèo, lội suối hàng mấy ngày đường về cho chiến sĩ. Đóng quân ở đâu, Vang cũng động viên đơn vị tranh thủ tăng gia, đảm bảo rau xanh, tự túc một phần lương thực để anh em có sức khỏe chiến đấu.

Song song với công tác giáo dục chiến sĩ nâng cao trình độ nghiệp vụ và khả năng cơ động chiến đấu, Vang còn chăm lo tuyên truyền giúp đỡ anh em hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tinh thần yêu nước và chú ý bồi dưỡng thanh niên trở thành đoàn viên; đoàn viên trở thành đảng viên. Vì vậy, Chi bộ đơn vị lúc đầu (1968) mới có 3 đảng viên, năm 1971 đã có hàng chục đảng viên. Trong Đại đội An ninh vũ trang lúc đầu số đoàn viên còn ít, đến năm 1971 có tới hàng trăm đoàn viên.

Từ tháng 3-1963 đến tháng 1-1972, đồng chí Nguyễn Kim Vang đã được khen thưởng 2 Huân chương miền Nam hạng Nhì và Ba; 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì; 1 Huân chương Giải phóng hạng Nhì; 2 Huy chương Giải phóng hạng Nhất và Nhì; 1 Bằng khen của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam; 4 năm liền là Chiến sĩ thi đua.

Tháng 1-1972, trên đường đi công tác, Vang bị địch phục kích bắn bị thương, chúng định bắt sống anh để khai thác tin tức bí mật. Quyết không để sa vào tay giặc, Vang gắng hết sức còn lại, kẹp súng AK vào nách bắn xối xả vào đội hình địch. Nghe tiếng súng, biết có dấu hiệu chẳng lành, đồng đội nhanh chóng đến giải vây cho Vang, nhưng anh đã hy sinh anh dũng trong tư thế quỳ bắn địch.

Ngày 6-6-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Thượng úy Nguyễn Kim Vang.

Mạnh Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/diet-dich-den-hoi-tho-cuoi-cung/