Diệt địch, cứu dân

Lực lượng BĐBP có truyền thống hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng BĐBP đã được các địa phương đặt tên đường, tên trường. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tập thể, cá nhân có được niềm vinh dự đó.

Một góc đường Trần Văn Tất tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Lương Tú

Một góc đường Trần Văn Tất tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Lương Tú

Đồng chí Trần Văn Tất (tức Hai Quân), sinh năm 1941, quê xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Sóc Trăng. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ, Trần Văn Tất đã phải đi ở, làm mướn để sinh sống. Khi tuổi đời còn rất trẻ, anh xin nhập ngũ vào bộ đội, sau đó bị địch bắt. Suốt 7 năm bị địch cầm tù, đánh đập dã man, nhưng Trần Văn Tất không hề khai báo, cuối cùng chúng đã phải thả anh ra tù.

Ra khỏi nhà tù, Trần Văn Tất được tổ chức chuyển sang lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Sóc Trăng. Khi được giao nhiệm vụ, anh rất phấn khởi và hăng hái tham gia công tác.

Tháng 5-1964, Trần Văn Tất được giao nhiệm vụ diệt tên cảnh sát trưởng ác ôn khét tiếng. Sau một thời gian xây dựng cơ sở, nghiên cứu, nắm vững quy luật hoạt động của hắn, anh cùng 2 chiến sĩ khác hóa trang thành người dân đi chợ, theo sự phân công: 2 chiến sĩ chốt giữ các ngả đường ra vào chợ, còn Trần Văn Tất vào quán cà phê, ám sát tên cảnh sát trưởng. Gặp đối tượng, Trần Văn Tất nổ súng, diệt hắn tại chỗ, rồi nhanh chóng trà trộn trong đám đông người giữa chợ và rút lui an toàn. Sau đó, anh viết một lá thư biểu dương những người cộng tác với ta diệt tên cảnh sát đó. Trần Văn Tất bố trí khéo cho lá thư ấy vào tay địch, làm cho chúng hoang mang, dao động và nghi ngờ lẫn nhau. Vài ngày sau, một tên thám báo mò tới quán cà phê săn tin, đã bị bọn dân vệ tiêu diệt tại chỗ. Nhân cơ hội đó, Trần Văn Tất phát động quần chúng và tác động trực tiếp vào vợ con của lính ngụy cùng tham gia đấu tranh làm cho địch càng thêm lúng túng.

Đầu năm 1965, Trần Văn Tất được phân công diệt tên xã trưởng. Nghiên cứu địa bàn và tình hình cụ thể về sự hoạt động, đi lại và lính bảo vệ của hắn, Trần Văn Tất đã hóa trang thành người dân đến nhà hắn xin giấy tờ. Lợi dụng sơ hở, anh nổ súng diệt hắn tại chỗ và rút lui an toàn. Diệt được tên xã trưởng, uy thế của địch bị hạ thấp trong quần chúng và tạo điều kiện cho cán bộ cách mạng thâm nhập rộng rãi trong địa bàn, xây dựng cơ sở, đẩy mạnh phong trào đấu tranh trong nhân dân. Năm 1968, Trần Văn Tất cùng 2 chiến sĩ nhận nhiệm vụ diệt tên trung đội trưởng cảnh sát ác ôn. Điều tra nắm tình hình xong, cả ba người đóng giả lính ngụy đi thẳng vào nhà tên trung đội trưởng cảnh sát, nhưng hắn đi vắng. Phát hiện tên lính gác có vẻ nghi ngờ, Trần Văn Tất nhanh chóng diệt tên này tại chỗ và tước khẩu súng tiểu liên, đuổi theo 4 tên khác lên lầu, diệt 2 tên, bắn bị thương 2 tên còn lại. Địch phát hiện, chúng cho một đại đội tới bao vây. 3 đồng chí chiến đấu quyết liệt và sau ít phút, 1 chiến sĩ hy sinh, 1 người bị thương. Còn Trần Văn Tất vừa chiến đấu thu hút hỏa lực địch, vừa tìm cách đưa đồng chí bị thương rút khỏi vòng vây của địch về nơi an toàn.

Để ghi nhận công lao của Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Tất, ngày 2-11-2006, UBND tỉnh Bạc Liêu ra Quyết định số 26/2006/QĐ-UBND về việc đặt tên, đổi tên một số đường phố và công trình công cộng trên địa bàn thị xã Bạc Liêu, trong đó có việc đặt tên đường mới mang tên Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Tất.

Năm 1970, Trần Văn Tất đưa một đoàn cán bộ đi công tác, dọc đường gặp biệt kích. Anh đã mưu trí và nhanh chóng chiến đấu thu hút hỏa lực địch về phía mình, tạo điều kiện cho đoàn cán bộ vượt khỏi vòng vây của địch an toàn. Trần Văn Tất bị thương và một mình anh đã chiến đấu diệt 2 tên lính Mỹ, bắn bị thương nhiều tên khác. Sau đó, anh bị lạc đường, 2 ngày sau mới trở về đơn vị. Năm 1973, để chuẩn bị cho đơn vị đánh tiểu đoàn 350 của địch, tuy vết thương cũ đang tái phát, nhưng Trần Văn Tất đã tình nguyện đi cùng với 2 chiến sĩ khác chuẩn bị cho trận đánh. Trên đường đi, cả ba bị một đại đội địch phục kích, 2 đồng chí hy sinh, Trần Văn Tất đã kiên cường chiến đấu bảo vệ em bé liên lạc rút lui an toàn, cuối cùng anh đã hy sinh anh dũng.

Trần Văn Tất đã hiến dâng cả cuộc đời tươi trẻ của mình cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Tấm gương chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí của anh đã làm cho cấp trên và đồng đội rất cảm phục và vô cùng thương tiếc. Đồng chí Trần Văn Tất đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 6-11-1978.

Mạnh Vũ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diet-dich-cuu-dan-post429775.html