Điệp viên trăng hoa 'bán đứng' 105 đồng nghiệp

Oleg Lyalin được xem là điển hình của những kẻ phản bội. Có điều, trong khi nhiều người khác quay lưng lại với đất nước vì tiền bạc hay vì danh vọng thì ông ta lại trở thành tội đồ vì dục vọng thấp hèn của bản thân.

Lộ thân phận khi… say xỉn

Đêm 30/8/1971, viên cảnh sát Anh Charles Shearer tiến hành ca trực buồn tẻ như nhiều ca trực khác. Tuy nhiên, khi vừa cho xe rẽ vào phố Tottenham, ông Shearer và người phụ tá George Paterson bất ngờ phát hiện chiếc xe hơi hiệu Hillman Saloon phía trước không bật đèn nên đã quyết định bám theo.

 Vụ việc của Lyalin đã khiến 105 điệp viên cộng tác với Nga lộ thân phận.

Vụ việc của Lyalin đã khiến 105 điệp viên cộng tác với Nga lộ thân phận.

Thoáng nhìn cách chiếc xe đi đánh võng trên đường, hai viên cảnh sát chắc chắn rằng người lái xe đang trong tình trạng say rượu hoặc có vấn đề về sức khỏe nên đã quyết định yêu cầu dừng xe lại để kiểm tra. Khi đến con phố gần một đồn cảnh sát, chiếc xe Hillman Saloon bị ép vào lề đường. Bên trong xe có một người đàn ông ngồi ở hàng ghế lái và một người phụ nữ tóc vàng ngồi ở bên cạnh. Như thường lệ, hai sỹ quan cảnh sát yêu cầu người lái xe tắt máy và bước ra ngoài.

Quả thực, khi đặt chân xuống đất, người này đã đứng không vững vì say rượu và tỏ ra vô cùng mất bình tĩnh. Ông Shearer vì thế đã yêu cầu người lái xe lên xe cảnh sát. Người phụ nữ trong xe thấy vậy liền bước ra ngoài và bỏ đi.

Trên suốt quãng đường đi về đồn, người lái xe say xỉn liên tục giơ chân gác lên vai viên cảnh sát Shearer, bất chấp việc ông liên tục yêu cầu người này hạ chân xuống. Thậm chí, người này còn lớn tiếng quát lại ông: “Các ông không thể nói với tôi bằng cái giọng đó. Các ông không được đánh tôi! Tôi là một điệp viên KGB”. Nghĩ rằng đó là lời của kẻ say rượu nên cả hai viên cảnh sát đều không mấy để tâm và vẫn dẫn giải người lái xe say rượu về đồn.

Tại đồn cảnh sát, người lái xe từ chối thổi vào bộ kiểm tra nồng độ cồn cũng như lấy mẫu nước tiểu và mẫu máu để xét nghiệm nên đã bị tống vào buồng tạm giam. Ngay sau đó, ông ta bị khởi tố vì cáo buộc lái xe khi say rượu và bị tạm giữ chờ ra tòa vào lúc 9h00 sáng ngày hôm sau.

Tại phiên điều trần về vụ việc diễn ra sau đó, phái đoàn thương mại Nga tại Anh đã đồng ý nộp tiền bảo lãnh để người đàn ông được thả ra. Việc bảo lãnh tại ngoại diễn ra hết sức nhanh chóng. Có điều bằng con mắt nghiệp vụ, cảnh sát Shearer nhận thấy rõ người đàn ông dường như không muốn những đồng nghiệp người Nga đứng ra lo liệu và đưa ông ta đi.

Mãi về sau, cảnh sát Shearer mới biết được rằng người đàn ông mà ông đã bắt giữ có tên Oleg Adolfovich Lyalin. Người này quả thực đúng là điệp viên của cơ quan tình báo Anh KGB như ông ta tuyên bố khi say rượu. Vụ bắt giữ do ông Shearer tiến hành cũng trở thành sự kiện mở màn cho một chuỗi các sự kiện chấn động dồn dập diễn ra sau đó.

Điệp viên trăng hoa

Oleg Adolfovich Lyalin sinh năm 1937 tại Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hàng hải, ông ta lênh đênh trên những con tàu vận tải biển trong ba năm, tích lũy được vốn tiếng Anh kha khá cùng nhiều mối quan hệ ở khắp nơi.

Chính vì thế nên Lyalin đã lọt vào mắt xanh của cơ quan tình báo KGB. Sau khi được tuyển mộ, ông ta được cho tham gia một khóa huấn luyện về tình báo rồi sau đó được đưa về Ban “B” trong Tổng cục I của KGB. Với việc có kinh nghiệm đi biển và những mối quan hệ liên quan đến hoạt động này, Lyalin được điều tới Anh với nhiệm vụ tìm hiểu và lên kế hoạch tấn công các mục tiêu chiến lược trên biển của Anh trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Vỏ bọc cho hoạt động của ông ta là vị trí kỹ sư trong Cơ quan đại diện thương mại của Liên Xô tại London. Trong suốt thời gian làm việc ở Liên Xô cũng như ở Anh, Lyalin cũng đã tuyển mộ được một số chân rết nhưng phần lớn công việc mà ông ta được giao phụ trách chỉ đạt được kết quả trung bình. Chính vì thế nên ông ta không được các chỉ huy ở Liên Xô đánh giá quá cao.

Ngược lại, đời tư của Lyalin lại khá sôi động. Không tài năng, không giỏi giang nhưng bằng tài ba hoa và thói đỏm dáng, ông ta vẫn trở thành một tay “sát gái” có tiếng. Có người nói rằng danh sách người tình của viên điệp viên này lên tới hơn 300 người.

Cũng chính vì quá lăng nhăng nên vợ của Lyalin không chịu được ông ta. Giữa hai người thường xuyên nảy sinh cãi vã, bất hòa, đến mức giới chức Liên Xô sau đó phải đưa vợ của Lyalin là bà Tamara về nước để tránh khả năng hoạt động của ông ta bị lộ tẩy. Việc vợ về nước khiến Lyalin như “hổ xổng chuồng”, càng lăng nhăng một cách lộ liễu hơn.

Lực lượng phản gián Anh sau một thời gian dài để mắt phát hiện Lyalin là điệp viên của Liên Xô nên đã vạch ra một kế hoạch để khai thác người này. MI5 đã thu thập địa chỉ của những người tình của Lyalin và thuyết phục họ làm việc cho tình báo Anh.

Nơi ở của những người này được trang bị các camera bí mật và máy ghi âm để ghi lại những bằng chứng về đời sống tình ái của Lyalin nhằm phục vụ cho một kế hoạch bí mật. Tấm lưới của tình báo Anh được giăng ra vào đêm 30/8/1971, khi Lyalin bị bắt vì tội say rượu khi lái xe như đã nói ở trên.

105 quan chức bị trục xuất

Sau khi Lyalin bị bắt giữ, cơ quan phản gián của Anh đã đoán được rằng người này sẽ phải lựa chọn một trong hai khả năng. Khả năng đầu tiên là Lyalin sẽ phải chấm dứt sớm thời gian hoạt động ở nước ngoài và về nước nếu KGB biết được ông ta có những hành vi không đúng chuẩn mực như say rượu và lăng nhăng.

Nếu không muốn như vậy, ông ta sẽ phải đồng ý cộng tác với người Anh để ngăn các thông tin trên bị lộ tẩy. Kết quả là, ngay trong đêm bị giam tại đồn cảnh sát Anh, khi thấy người Nga không có động thái giải cứu lúc được giới chức Anh liên lạc, Lyalin đã đồng ý cộng tác với MI5 để tránh rắc rối có thể phát sinh.

Việc tuyển mộ này, theo ý đồ của MI5, là để sử dụng cho chiến dịch xâm nhập vào bộ máy của lực lượng tình báo Liên Xô. Song “nhân tính không bằng trời tính”, trong khi kế hoạch của tình báo Anh mới bước đầu được triển khai thì Lyalin bất ngờ bị lãnh đạo KGB triệu tập về nước.

Hiểu được rằng quyết định này đồng nghĩa với việc những việc làm của mình đã bị phát hiện và một khi quay trở về nước, sự nghiệp chắc chắn chấm dứt, Lyalin đã quyết định xin được tị nạn chính trị tại Anh cùng với thư ký kiêm người tình Irina Teplyakova.

Đổi lại, Lyalin đã khai báo cho MI5 toàn bộ các hoạt động của ông ta ở Anh. Quan trọng hơn, ông ta còn tiết lộ cho giới chức Anh những thông tin chi tiết về các chiến dịch của KGB tại Anh và cả danh sách các điệp viên của Sở V, một bộ phận đặc biệt được KGB thành lập để tổ chức các hoạt động ở các thủ đô của các nước lớn tại phương Tây, đang có mặt tại London cùng một số quốc gia phương tây khác.

Trên thực tế, nhiều cái tên trong danh sách này trước đó từng bị tình báo Anh nghi ngờ là điệp viên nhưng không có bằng chứng xác thực. Ngoài ra, trong danh sách cũng bao gồm một số nhân vật chưa từng bị để mắt.

Từ những thông tin này, tổng cộng 105 quan chức Liên Xô, tức gần 20% trong tổng số 550 nhân viên đại diện ngoại giao của Liên Xô tại London lúc bấy giờ đã bị liệt vào dạng nhân vật không được chào đón và bị trục xuất về nước vì nghi vấn hoạt động gián điệp. Vụ việc đã khiến đại sứ quán Liên Xô ở Anh “lao đao”. Chỉ ít ngày sau đó, trong một động thái “ăn miếng trả miếng”, Liên Xô cũng đã ra lệnh trục xuất 18 nhà ngoại giao Anh, bằng 20% tổng số các nhân viên Đại sứ quán Anh tại Moscow.

Vụ bê bối trục xuất nhà ngoại giao này đã khiến quan hệ Nga - Anh trở nên u ám suốt một thời gian. Còn về Oleg Lyalin, sau khi tiết lộ hết các tin mật cho Anh và không còn giá trị khai thác, ông ta tới một thị trấn nhỏ của Anh và sống ẩn mình vì sợ bị trừng phạt.

Về sau, ông ta làm đám cưới với cô nhân tình nhưng cuộc hôn nhân không dài lâu. Không còn công việc chính nhưng ông ta vẫn giữ thói quen rượu chè, dẫn đến ốm đau triền miên. Năm 1994, điệp viên này qua đời vì một khối u ác tính khi mới 57 tuổi. Ông ta chính là điệp viên đầu tiên của KGB đào tẩu sang Anh kể từ khi Chiến tranh thế giới.

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/diep-vien-trang-hoa-ban-dung-105-dong-nghiep-d101981.html