Điệp viên Hàn Quốc hé lộ những quan hệ mờ ám giữa hai miền Triều Tiên

Điệp viên Hàn Quốc từng gặp trực tiếp cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il kể lại câu chuyện cuộc đời, hé lộ những mối quan hệ mờ ám về tài chính và chính trị giữa hai miền.

Trong lịch sử, không có nhiều điệp viên có cơ hội đến gần lãnh đạo của quốc gia kẻ thù. Black Venus, tên thật nay được công bố là Park Chae Seo, là trường hợp hiếm hoi đặc biệt.

Trước cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, khi đó là lãnh tụ Kim Jong Il, điệp viên Hàn Quốc đãị thức tới khuya, tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc lịch sự. Điệp viên này giấu một máy ghi âm siêu nhỏ vào vùng kín để ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện.

Cuộc sống điệp viên "cực căng thẳng"

Cuộc gặp của Park và nhà lãnh đạo Kim Jong Il diễn ra vào cuối thập niên 1990. Vỏ bọc của ông khi này là một cựu sĩ quan quân đội bất mãn, rời quân ngũ, chuyển hướng sang quay phim quảng cáo thương mại cho các công ty Hàn Quốc tại các thắng cảnh ở miền Bắc.

Câu chuyện của điệp viên Park được viết thành sách và chuyển thể thành phim, miêu tả lại những mối quan hệ tài chính và chính trị mờ ám chạy dọc được biên giới liên Triều đã chia cắt hai miền Triều Tiên hơn 70 năm.

"Cuộc sống của một điệp viên cực kỳ căng thẳng. Chỉ một sai sót nhỏ nhất cũng có thể khiến tôi bị lộ, ví dụ như thay đổi âm sắc giọng nói một cách ngớ ngẩn", ông Park nói.

Park Chae Seo bắt đầu sự nghiệp trong ngành tình báo quân đội từ năm 1990. Nhiệm vụ của ông là thu thập thông tin về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, khi đó mới chỉ ở giai đoạn phát triển đầu tiên.

Bằng kỹ năng nghiệp vụ, Park kết thân với một nhà vật lý hạt nhân Trung Quốc gốc Triều Tiên. Với khoản mua chuộc khoảng 1 triệu USD, Park đã nắm được thông tin Triều Tiên khi đó đã sản xuất hai vũ khí hạt nhân cấp độ thấp.

Năm 1995, Park gia nhập lực lượng tình báo Hàn Quốc mà nay có tên Cơ quan Tình báo quốc gia, ông được chỉ định mật danh Black Venus.

Trụ sở làm việc chính tại Bắc Kinh, Park hoạt động trong vỏ bọc nhân viên một công ty Hàn Quốc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc. Tại đây, ông xây dựng mạng lưới liên hệ với các công dân Triều Tiên và các nguồn tin khác.

Ông Jang Song Thaek (phải) từng mời ông Park tới Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.

Ông Jang Song Thaek (phải) từng mời ông Park tới Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.

Bằng cách hối lộ, Park dần tiếp cận với các quan chức cấp cao hơn của Triều Tiên. Thậm chí, điệp viên Hàn Quốc từng dùng đồng hồ Rolex giả làm quà biếu người đứng đầu cơ quan tình báo Triều Tiên khi người này thăm Bắc Kinh.

Park có đột phá lớn đầu tiên trong sự nghiệp khi giúp dàn xếp trao trả tự do cho cháu trai của ông Jang Song Thaek, người sau này giữ chức phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng Triều Tiên và cũng là bác của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, khỏi nhà tù của Trung Quốc.

Nhờ ân tình này, gia đình Jang đã mời ông Park tới thủ đô Bình Nhưỡng, giúp ký một hợp đồng trị giá 4 triệu USD cho phép công ty của ông Park quay quảng cáo thương mại tại một số địa điểm ở Triều Tiên, trong đó có núi Trường Bạch và núi Kim Cương.

Thời điểm đó, Triều Tiên đang thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng, nền kinh tế đang trên đà tan vỡ, hệ quả của việc Liên Xô và khối Đông Âu, những đối tác kinh tế chính của nước này, sụp đổ.

Park cho biết đã giúp nhiều thành viên các gia đình lãnh đạo Triều Tiên bán đồ gốm sứ cổ khai quật tại miền Bắc cho các thương nhân giàu có ở miền Nam, thu về hàng triệu USD.

Gió phương Bắc

Năm 1997, sau nhiều chuyến thăm Triều Tiên, Park được đưa tới nhà khách Paekhwawon tại thủ đô Bình Nhưỡng, nơi nhà lãnh đạo Kim Jong Il thường làm việc vào buổi tối. Đây là thời điểm điệp viên Hàn Quốc có cơ hội gặp mặt trực tiếp với lãnh tụ miền Bắc, với một máy ghi âm được giấu kín.

Ông Kim Jong Il không ngại ngần bắt tay người hóa ra là điệp viên miền Nam khi hai người bắt đầu cuộc gặp. Cuộc trò chuyện kéo dài 30 phút xoay quanh chủ đề làm thế nào ông Park kiếm được thật nhiều tiền cho Triều Tiên nhờ vào buôn bán đồ gốm.

Nhiều câu chuyện truyền miệng cho rằng các điệp viên từ Triều Tiên gửi xuống miền Nam luôn mang theo một viên thuốc độc để tự sát nếu bị bắt. Park cho biết điệp viên của Hàn Quốc thì không được trang bị thuốc độc, mà có thể "kết liễu bản thân chỉ bằng một ngón tay".

Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il. Ảnh: KCNA.

"Giọng ông ấy hơi khàn một chút. Khi đó tôi không còn lo lắng vì nỗi lọ bị lộ nữa, cảm giác đó như được giải phóng thật sự. Cuối cùng tôi cũng chiếm được niềm tin của phía miền Bắc", ông Park nhớ lại.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng kín đáo tỏ ra quan tâm tới diễn biến cuộc bầu cử tổng thống diễn ra năm đó ở Hàn Quốc.

Khủng hoảng quân sự xuyên biên giới xảy ra vào những năm bầu cử tại Hàn Quốc thường giúp phe bảo thủ thắng thêm nhiều phiếu ủng hộ của những cử tri còn do dự, hiện tượng khi đó người dân miền Nam đặt cho cái tên "gió phương Bắc".

Trước thềm cuộc bầu cử năm 1997, các quan chức Triều Tiên tiết lộ 3 người ủng hộ ứng viên bảo thủ Lee Hoi Chang đã đề nghị miền Bắc thực hiện một vụ tấn công vũ trang ngay trước ngày bỏ phiếu.

"Bằng chính mắt mình, tôi chứng kiến những người Triều Tiên đếm hàng xấp USD nhận từ các công dân Hàn Quốc. Có tổng cộng 36 tập như thế, mỗi tập trị giá khoảng 100.000 USD", ông Park nói, nơi giao dịch được ông tiết lộ là một khách sạn ở Trung Quốc.

Thông tin này sau đó được chuyển về cơ quan tình báo Hàn Quốc và chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Tự do Kim Dae Jung. Sự thật được công bố, cuối cùng ông Kim Dae Jung giành chiến thắng sát sao, trở thành tổng thống Hàn Quốc, và không vụ tấn công nào do Triều Tiên tiến hành diễn ra.

Bộ 3 người ủng hộ Lee Hoi Chang sau đó bị kết tội vi phạm luật an ninh quốc gia. Tuy nhiên, tòa án tối cao Hàn Quốc buộc phải tuyên nhóm này vô tội do ông Park từ chối ra làm chứng trước tòa.

Nạn nhân chính trị

Khi thân phận điệp viên bị lộ, ông Park bị cơ quan tình báo Hàn Quốc sa thải. Người đàn ông sau đó chuyển tới sống tại Trung Quốc, giành phần lớn thời gian tại các câu lạc bộ golf. Cơ quan tình báo Hàn Quốc từ chối bình luận về cáo buộc trong chiến dịch tranh cử năm 1997.

Năm 2010, phe bảo thủ trở lại nắm quyền tại Hàn Quốc. Cơ quan tình báo Hàn Quốc, dưới thời một giám đốc mới, đã ra lệnh bắt giữ ông Park tại thủ đô Seoul. Cựu điệp viên bị cáo buộc chuyển thông tin mật cho phía Triều Tiên, dù ông khẳng định những thông tin này đều ít giá trị, nhằm mua chuộc lòng tin của Bình Nhưỡng.

Cựu điệp viên Park Chae Seo. Ảnh: Straits Times.

"Tôi bị biệt giam trong 6 năm", ông Park nói. Cựu điệp viên khẳng định vụ bắt giữ mình có động cơ chính trị.

Nhà phê bình Lee Yong Cheo nhận định câu chuyện của Park phần nào hé lộ "sự thật bị nghi ngờ tồn tại nhưng không thể tiếp cận" về những quan hệ mờ ám giữa hai miền Triều Tiên.

Để đề phòng số phận mình một lần nữa trở thành con cờ thí khi cơn gió địa chính trị tiếp tục đảo chiều, ông Park đã chuẩn bị sẵn phương án bảo đảm, đó là những cuộn băng ghi âm lại các cuộc hội thoại giữa ông và các lãnh đạo Triều Tiên, trong đó có Kim Jong Il và Jang Song Thaek.

Park cho biết ông bị bắt giữ quá bất ngờ vào năm 2010 nên không kịp chuẩn bị. Nhưng nay, những cuộn băng, bảo hiểm của ông, đã được bảo quản an toàn "tại nước ngoài".

Duy Anh
Theo AFP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/diep-vien-han-quoc-he-lo-nhung-quan-he-mo-am-giua-hai-mien-trieu-tien-post921841.html