Điệp khúc giải cứu nông sản bao giờ kết thúc?

'Đến hẹn lại lên', người dân cả nước lại có thêm một mùa 'giải cứu' nông sản nữa. Và 'điệp khúc' này chưa biết bao giờ mới có hồi kết.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, những ngày qua, giá thanh long tại Bình Thuận - thủ phủ của loại cây ăn quả này - giảm thê thảm, chỉ còn từ 1.000-2.000 đồng/kg. Thậm chí, có nơi thanh long chất đống, phải đổ bỏ.

Do thương lái không thu mua, người dân phải tự bỏ trái để chuẩn bị cho mùa vụ sau

Do thương lái không thu mua, người dân phải tự bỏ trái để chuẩn bị cho mùa vụ sau

Tại nhiều diễn đàn trên mạng xã hội, xuất hiện thông tin giá quả thanh long tại Bình Thuận giảm giá thảm hại liên tục được đăng tải. Nông dân tại một số khu vực trồng nhiều thanh long của tỉnh Bình Thuận như: Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân… điêu đứng vì giá giảm xuống 1.000-2.000 đồng/kg mà không có người mua.

Những thùng thanh long chất đầy đang chờ được “giải cứu”

Thanh long mẫu mã xấu chắc chắn phải đổ bỏ. Trước đó, có những lúc, người trồng thanh long có thể bán với giá 25.000 đồng/kg tại vườn.

Theo thống kê, hiện tỉnh Bình Thuận là địa phương cung cấp thanh long cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích hơn 27.000 ha, cho sản lượng hơn 600.000 tấn/năm.

Một địa điểm giải cứu thanh long tại TP.HCM

Cách đây 3 năm, thanh long đã từng bị dư thừa, không tiêu thụ được phải đổ bỏ. Tuy nhiên, sau 3 năm, tình trạng này tại tái diễn. Trên nhiều diễn đàn, một cuộc kêu gọi "giải cứu" thanh long lại bắt đầu.

Những cuộc “giải cứu” nông sản chưa có hồi kết

Trước cuộc “giải cứu” thanh long, hàng loạt nông sản Việt Nam đã phải nhờ người dân cả nước “giải cứu” như giải cứu lợn, dưa hấu, hành tím, mía đường, khoai lang, chuối, và gần đây là củ cải, ớt, dưa chuột, hoa ly...

“Giải cứu” lợn: Chưa từng có một cuộc “giải cứu” nào lớn như đối với thịt lợn năm 2016 - 2017. Từ chính phủ đến các bộ ngành, các tỉnh, thành phố đều được kêu gọi để giúp đỡ người chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn. Thịt lợn giảm giá đã ảnh hưởng tới 3 triệu hộ chăn nuôi lợn trên cả nước.

Nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng vì “cuộc khủng hoảng” giá thịt lợn năm 2017

Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán năm 2016, thay vì tăng giá đúng theo quy luật của thị trường, giá thịt lợn lại bắt đầu chu kỳ giảm giá mạnh. Càng cận Tết, giá thịt lợn hơi càng giảm sâu. Tại nhiều nơi như Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Đồng Nai... thịt lợn chỉ còn 25.000-30.000 đồng/kg thay vì 40.000 đồng/kg như trước, người chăn nuôi bắt đầu rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Song, "cơn bão giá" bắt đầu tăng cấp độ từ sau Tết Nguyên đán (tức đầu năm 2017). Nguồn cung dư thừa khiến ngành chăn nuôi lợn chính thức rơi vào cuộc “khủng hoảng”. Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, “cơn bão” này càn quét qua tất cả các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, kéo giá lợn giảm kỷ lục xuống chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg. Lợn giống giảm giá theo, nhiều nơi còn "mua 1 tặng 1".

Bắt đầu vào mùa "kêu cứu giải cứu nông sản". Nguồn: VTC.

Thanh long thê thảm: Giải cứu hay để thị trường quyết định?

Theo một thông tin trên Báo Pháp luật, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng liên quan đến câu chuyện giải cứu nông sản ế phải có giải pháp tổng thể bắt đầu từ Nhà nước, phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản.

“Phải tổ chức phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng nguyên liệu được quy hoạch. Liên kết được các hộ nông dân, trang trại nhỏ lẻ thành hợp tác xã mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, ký kết hợp tác DN chế biến, bán lẻ, xuất khẩu” - TS Mai nói.

Đồng quan điểm với TS Võ Mai, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng lỗi ở đây không phải hoàn toàn do nông dân mà còn do năng lực của hai bộ NN&PTNT và Công Thương về trách nhiệm trong việc nông sản ế đọng phải giải cứu.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, hai bộ này thiếu hệ thống cảnh báo, thông tin thị trường kịp thời và hiệu quả cho các ngành sản xuất nông sản. Riêng vấn đề nguồn cung thanh long vượt cầu dẫn đến ế, TS Thành cho rằng không cần giải pháp mà hãy để tự thị trường điều chỉnh; nông dân sản xuất nông sản không đảm bảo chất lượng, không liên kết tiêu thụ thì sẽ tự họ ngừng sản xuất, nguồn cung tự cân đối với nhu cầu...

THANH VÂN (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/diep-khuc-giai-cuu-nong-san-bao-gio-ket-thuc/785946.antd