Diễn viên ở địa phương có sống được bằng nghề?

Diễn viên (DV) mà chúng tôi đề cập trong bài viết này là những người đang công tác tại các đơn vị: Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ và Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An. Phần đông trong số họ đang sống khá chật vật bằng nghề.

“Chân trong"… ngắn!

“Tôi công tác tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An đến nay gần 16 năm. Một chặng dài làm hợp đồng, mới đây được vào biên chế. Tuy nhiên, tôi lại phải rời đoàn để về đầu quân cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam”, Nguyễn Xuân Hùng, từng là nhạc công của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An, chia sẻ với chúng tôi. Thu nhập quá thấp, trong khi tìm kiếm việc làm thêm bằng nghề cũng không nhiều buộc Hùng phải từ bỏ dự định theo đuổi đam mê của mình tại quê nhà. Khi Hùng rời đoàn, lương hằng tháng chưa đầy 3 triệu đồng, khoản thu nhập làm thêm cũng không đáng kể.

Như mọi viên chức của các đơn vị hành chính sự nghiệp, các DV tại hai đơn vị nghệ thuật của tỉnh Nghệ An hưởng lương theo thâm niên, ngạch, bậc. Trong khi lao động của họ khá vất vả vì đặc thù công việc: Phải thường xuyên biểu diễn về đêm và đi lưu diễn xa nhà. Bên cạnh đó, rất nhiều người dù đã có bằng đại học phù hợp chuyên ngành nhưng vẫn hưởng lương DV hạng IV (hạng thấp nhất-tương ứng trình độ trung cấp). Ngoài lương cơ bản, hằng tháng, DV có thêm tiền thanh sắc (15% lương hiện hưởng) và phụ cấp độc hại 0,2. So với thực tế sử dụng, nhất là phải lựa chọn các loại mỹ phẩm trang điểm bảo đảm không hại da, số tiền này khá eo hẹp. Đó là chưa tính đến khoản tiền mua phục trang biểu diễn rất tốn kém (đối với các ca sĩ). Trừ một số DV có thâm niên trên 25 năm công tác, còn lại đa phần lương của DV hiện nay ở mức trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Khoản tiền bồi dưỡng của họ cũng không đáng kể. Tiền bồi dưỡng cho DV chính tại Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ mỗi đêm diễn là 100.000 đồng/người, DV thứ chính là 90.000 đồng, DV phụ là 80.000 đồng. Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An cũng chi trả ở mức gần tương tự theo quy định chung của Nhà nước.

 Một tiết mục nghệ thuật của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.

Một tiết mục nghệ thuật của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.

Để bổ sung nguồn thu của đơn vị và có tiền chi trả cho các DV hợp đồng, hai đơn vị nghệ thuật phải xoay xở bằng cách đi tìm các hợp đồng biểu diễn ngoài. Sau những chuyến lưu diễn phục vụ bà con miền núi hay phục vụ các sự kiện do tỉnh giao, các đơn vị lại rong ruổi khắp nơi. “Vất vả lắm, cơm hàng cháo chợ, có khi đi cả tháng trời. Em đã phải cho con cai sữa khi cháu mới 12 tháng tuổi để đi diễn. Nhưng dù sao cũng vui vì còn được làm việc và có thêm thu nhập”, DV Phan Thị Nguyên (Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ) bộc bạch. Với cơ chế trích 35% tổng số tiền của hợp đồng biểu diễn bồi dưỡng cho DV, nếu hợp đồng nào khá thì tiền bồi dưỡng của DV cũng "tươm". Một hợp đồng trị giá 30 triệu đồng với 30 người diễn thì DV chính được 250.000-300.000 đồng/suất diễn. Cũng có những hợp đồng chỉ 10 triệu đồng, mấy chục con người làm chương trình vẫn diễn. Vậy nhưng, số buổi làm thêm này không nhiều nên thu nhập ngoài lương của các DV tại hai đơn vị nghệ thuật không đáng kể. Do đó, nhiều DV (kể cả những người có thâm niên trên 10 năm) đã bỏ ra hoạt động tự do hoặc đổi nghề. Riêng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An trong vòng gần hai năm qua đã có 6 DV múa và nhạc nghỉ việc. Nói “chân trong"… ngắn là vì thế.

“Chân ngoài" cũng… không dài!

Nhiều năm gần đây, nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp, dòng họ, thậm chí cá nhân phát triển khá mạnh. Đây là cơ hội cho các DV làm thêm nếu biết cách khai thác. Một số DV, như: Hồng Dương, Quế Thương, Thúy Hạnh, Thanh Tài (múa), Hùng Sâm (nhạc)… rất có duyên với các hợp đồng biểu diễn ngoài và thù lao khá cao. Một số ca sĩ có thanh sắc, có khả năng giao lưu tốt cũng được các doanh nghiệp, doanh nhân bồi dưỡng “nặng tay”. Những người năng động, có mối quan hệ giao lưu rộng với tư cách là những “ông bầu” cũng có thu nhập khá, song số này rất ít, chỉ dăm bảy người. Những DV chuyên biểu diễn nếu có tên tuổi một chút, tiền thù lao sẽ từ 1 đến 2 triệu đồng/suất diễn. Còn hầu như các DV chỉ kiếm được 300.000-500.000 đồng cho một lần đi diễn.

Dù môi trường làm thêm có phần phong phú hơn những năm trước, nhưng DV chuyên nghiệp lại phải cạnh tranh với một lực lượng khá đông DV không chuyên. Họ là sinh viên, viên chức, người làm nghề tự do có năng khiếu văn nghệ. Họ cũng cạnh tranh mạnh mẽ với các DV chuyên nghiệp trong tìm kiếm việc làm thêm. Họ khá năng động và nhanh thích ứng với các diễn biến của thị trường ca nhạc. Vì vậy, việc làm thêm trong hoạt động nghệ thuật bị san sẻ cho rất nhiều đối tượng, càng khó khăn hơn đối với các DV chuyên nghiệp, nhất là những người đã cao tuổi. Do “Thầy già, con hát trẻ” nên sức cạnh tranh của họ kém hẳn so với những người trẻ tự do đang tham gia hoạt động biểu diễn.

Vì thế, “chân trong” với họ đã ngắn, “chân ngoài” cũng chẳng dài. Để sống được bằng nghề, với số đông DV các đơn vị nghệ thuật, điều ấy quả không dễ!

Bài và ảnh: THÚY HOA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/dien-vien-o-dia-phuong-co-song-duoc-bang-nghe-556318