Diễn viên kiêm trùm trộm mộ và chuyện rợn người ở nghĩa địa tội nhân nổi tiếng Sài thành

Theo ông Ba Son thì dù làm trộm, dù vội vàng đến mấy thì khi cuốc bất cứ mộ tử tù nào ông cũng đều phải biện lễ lạt đầy đủ, trước khi làm cũng phải xì xụp khói nhang...

Kỳ 1: Cao thủ trộm xác

Nói chuyện đời mình, trùm phu mộ Ba Son bảo, ông định sống để bụng, chết mang… xuống mộ, thế nhưng, gặp chúng tôi, ân tình cởi mở, ông đã dốc cạn lòng mình.

Nghe chuyện đời ông, chúng tôi đã vô cùng sửng sốt bởi người đàn ông có dáng khắc khổ, bụi bặm gần nửa đời luẩn quẩn sống nhờ những thi thể tử tù ấy lại có một quá khứ rất đỗi… bi hùng. Ông từng là võ sĩ nổi tiếng, từng là diễn viên của những bộ phim ăn khách và cũng từng là một giang hồ…

Kỳ 2 (Kỳ cuối): Những chuyện rợn người của trùm trộm mộ

“Bây giờ, ở đất này, nhắc tới cái tên Ba Son là mọi người nhớ ngay tới các nghề chẳng mấy đẹp đẽ gì của tôi. Thậm chí, trước đây, tôi đã lo sợ bởi những phi vụ “trộm xác tử tù” của mình. Thế nhưng, mọi thứ qua rồi, cái biệt danh “trùm phu mộ” cũng đã dần chìm vào quên lãng”.

Tâm sự với chúng tôi, ông Ba Son “đúc kết” lại chặng đường mà mình đã mải miết qua. Đúng như ông nói, mọi người chỉ biết tới ông qua nghề… đào trộm mộ ở trường bắn này chứ còn những nghề khác mà ông từng làm thì chẳng ai hay. Chính vì thế, khi nhắc lại những nghề mà ông từng theo đuổi thì nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên.

Dòng đời xô đẩy

Ông Ba Son tên thật là Lữ Phụng Sơn, sinh năm 1952, quê ở Bến Tre, trong một gia đình khá giả. Bố ông là thầu xây dựng, so với mấy anh em trong gia đình, ông là người sáng dạ nhất. Thuở thiếu thời, ông học hành chăm chỉ, lúc nào cũng đứng ở tốp đầu.

“Tôi khổ bởi cái tính hiếu động của mình, chứ không cuộc đời tôi đã rẽ sang một trang khác tốt đẹp hơn nhiều. Không ông này bà nọ thì cũng phải là một người nổi tiếng trong làng nghệ thuật chứ chẳng chơi!”. Ông Ba Son nói nửa đùa nửa thật.

Bởi tính hiếu động mà theo ông là nắn uốn thế nào cũng không được đó nên tuổi 15, 16, thấy đám thanh niên đổ xô theo các lò võ tập luyện, ông cũng “gác bút nghiên” để mải miết chạy theo. Ngày ấy, ông nghĩ đơn giản, xã hội nhiễu nhương, loạn lạc, làm trai thì phải “võ nghệ đầy người”. Ông lang thang khắp các lò võ có tiếng ở quê rồi lên cả Sài Gòn tìm thầy tập luyện.

Thế rồi, bởi bỏ học giữa chừng, ông bị chế độ cũ bắt lính. Mấy năm binh nghiệp, bị thương, bị thải rồi, muốn dựng nghiệp, ông đã quyết định bám trụ lại mảnh đất được mệnh danh là hòn ngọc viễn đông ấy. Chốn đô hội phồn hoa, chẳng nghề ngỗng gì, ông lấy nghề đánh võ đài để mưu sinh.

Ông kể, ngày ấy, khắp các võ đài ở Sài Gòn, cứ chỗ nào có thưởng cao là ông tìm tới. Đánh với bất cứ ai miễn là có tiền, thắng thua không quan trọng. Có lần, bị đối thủ hạ đo ván, cầm nắm tiền trong tay, thế nhưng cháo cũng chẳng húp được, một mình nằm trong căn nhà trọ tồi tàn, nước mắt ứa xuống vết thương buốt rát.

 Ông Ba Son.

Ông Ba Son.

Sài Gòn được giải phóng, ông phải từ bỏ cái nghề đấu võ đài đánh cược sinh mạng với bản thân đó. Ông kiếm mảnh đất rậm rạp ngay gần trường bắn làm nơi trú thân cho mình. Thời đó, khi các tử tù được đưa về đây hành quyết, tò mò dân kéo đi xem đông lắm. Người ta muốn tận mắt thấy kẻ gây tội ác kinh hoàng, rồi muốn được xem con người trước khi đối diện với cái chết ra sao nên lũ lượt tới xem. Hiếu kỳ, ông cũng theo đoàn người đó. Và, chính bởi sự hiếu kỳ đó đã dẫn lối chỉ đường cho ông đến với cái nghệ độc nhất thế gian, ai nghe cũng thấy rởn tóc gáy kinh khiếp này.

Ông Ba Son kể, khi tử tù bị hành quyết, người đến xem ai cũng tán đồng, trừ những thân nhân của tử tội. Dù gì đi chăng nữa thì họ cũng không muốn người thân của mình phải lìa xa cõi sống. Bởi thế, nhiều trường hợp, khi tử tù được đưa xuống xe, rồi tựa cột, nhiều thân nhân của kẻ phải đền tội lỗi ấy đã chết ngất.

Án được thi hành xong, tử tù được đưa xuống huyệt chôn cất, nghĩa tử là nghĩa tận nên nhiều gia đình muốn con em họ được mai táng đàng hoàng như những người bình thường khác. Họ muốn xuống suối vàng con em mình không phải khoác lên mình bộ quần áo xọc, muốn thân thể tử tù không còn những viết thủng lỗ chỗ do đạn xuyên qua. Bởi thế, họ phải quật xác con mình lên, tắm rửa, thay quần áo, thậm chí, thay cho thân nhân mình bộ áo quan làm bằng gỗ tốt hơn. Những việc ấy, chỉ người bạo gan mới dám làm.

“Họ nhờ riết, không làm không được các anh ạ!”. Ông Ba Son chia sẻ với chúng tôi. Ông bảo, ban đầu, ông làm không công, làm chỉ vì lương tâm mình… bắt phải thế. Tuy nhiên, sau này, ai cũng đến nhờ, thấy được tầm quan trọng của mình, lại thêm việc thức đêm hôm, tổn hại sức khỏe nên ông phải lấy tiền bồi dưỡng.

Ca đầu tiên ông nhận tiền thù lao đó là vào năm 1980, khi ông một mình quật mộ tên tướng cướp khét tiếng có biệt danh “Ve sầu”. Tướng cướp này nhà ở Thủ Thiêm, đền tội ác sau hàng loạt vụ cướp của, giết người. Sở dĩ hắn có biệt danh lạ lùng trên là bởi hễ ai không may lọt vào “tầm ngắm” của hắn thì y rằng cái chết đã đến cận kề, gia quyến sẽ phải nhận muôn điều sầu muộn. Một mình hùng hục đào mộ, hùng hục lau chùi, tắm rửa cho xác chết đang trên đà phân hủy ấy, ông được người nhà “Ve sầu” bồi dưỡng hẳn 100 nghìn đồng. Số tiền này khi đó là quá lớn, nhận mà tay ông cứ run bần bật.

Từ đợt vớ bẫm đó về sau này, cứ vụ nào xác định là có tiền thù lao thì ông mới nhận làm, còn không từ lựa lời mà chối. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, thấy gia cảnh tử tội quá đỗi khó khăn, ông đã phải phá lệ “không tiền không làm” đó của mình.

Ông Ba Son kể, một lần xem hành quyết, thấy một tử tù nhà ở tận Đồng Nai không có người đến nhang khói, tiễn đưa. Nghe phần “luận tội” của tổ thi hành án, nắm rõ địa chỉ của tử tù, ông lần tìm đến nhà. Nghĩ gia đình tử tù này không biết tin con mình bị hành quyết vào đêm đó, ông chực đến báo tin và đặt luôn vấn đề “cải mộ”. Thế nhưng, tìm đến nơi, ông đã thở dài đánh thượt bởi gia cảnh của tử tù ấy quá đỗi cùng quẫn. Tử tù đó đi làm cướp, bỏ mấy đứa con nheo nhóc lại cho bà mẹ già còng lưng nuôi nấng. Nghe chuyện gia đình đó, ông đã không khỏi mủi lòng. Dốc ví tìm những đồng tiền cuối cùng của mình, ông biếu bà mẹ già đau khổ ấy cùng lời hứa, khi về trường bắn, ông sẽ thay gia đình nhang khói cho kẻ tội lỗi kia. Ông Ba Son bảo, lời hứa ấy bây giờ ông vẫn thực hiện dù không biết người mẹ tội nghiệp kia đã mất hay còn.

Từ chuyên gia đào mộ thành… “ngôi sao” điện ảnh

Khi mới gặp Ba Son, chúng tôi đã có đôi chút ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng ngay ở cái vẻ ngoài lãng tử của ông. Ông để tóc dài ngang lưng, tay cầm thuốc lá ve vẩy đầy phong cách. Khi cuộc chuyện đã trở nên thân tình, ông mới tiết lộ, nếu gia đình có điều kiện hơn thì giờ này ông đã là một minh tinh màn bạc chứ chẳng phải là kẻ sống nhờ xác chết, quanh năm suốt tháng luẩn quẩn ở xóm nghèo này.

Theo đó, ông bảo, ông từng tham gia đóng nhiều phim, từng là bạn của nhiều tài tử điện ảnh nổi tiếng ở Sài Gòn. Như để chứng minh lời mình nói, ông vanh vách kể tên hàng loạt những diễn viên tên tuổi, từng là thần tượng một thời của khán giả màn ảnh nhỏ. Vừa kể, ông vừa chạy vào buồng lôi ra một đống ảnh mà ông đã chụp chung với những diễn viên nổi tiếng ấy. Trong số những tấm ảnh đã đổ vàng, đã hoen ố bởi thời gian đó, ông phóng to tấm chụp chung với diễn viên Diễm Hương, giai nhân của màn bạc một thời vang bóng. Trong ảnh, nữ diễn viên mặc đồ bà ba màu đen, ông mặc nguyên cây bò, phanh ngực. Tóc vẫn xõa ngang vai, thêm bộ ria nữa khiến ông trông phong trần, dữ tợn. Ông bảo, phim ấy, ông vào vai tướng cướp. Dù chỉ xuất hiện có vài phút nhưng khi công chiếu, khán giả Sài Gòn ai những ấn tượng với diễn xuất của ông.

Ông Ba Son và tấm hình chụp cùng diễn viên điện ảnh Diễm Hương mà ông coi như bảo vật.

Tấm ảnh này được ông ép cẩn thận bằng giấy bóng, tuy nhiên lại hơi nhàu nhĩ như thể bị ai vò. Thấy chúng tôi thắc mắc, ông ngượng nghịu giải thích, trước đây, khi vợ ông còn sống, thấy ông cứ… đắm đuối với bức ảnh này nên nổi cơn ghen, bà vò nát rồi vứt đi. Thấy vợ nổi cơn tam bành, ông hãi lắm nhưng cũng đành nuốt lệ nhìn theo chứ chẳng biết làm gì. “May mà bà ấy không đốt chứ bà ấy mà châm lửa thì tôi đã mất bảo vật của mình rồi! Chờ bà ấy đi ngủ, tôi phải bới tung cả đống rác mới tìm lại được đấy!”. Vuốt ve tấm hình, ông Ba Son rưng rưng tâm sự.

Ông Ba Son bảo, ông đến với nghệ thuật thứ 7 cũng là một cái duyên. Một lần chừng vào năm 1986, đi uống nước ở ngoài phố, thấy người dân xúm đông xúm đỏ đoàn làm phim đang diễn xuất, ông cũng tạt vào. Thấy các thần tượng của mình là Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh… ông mừng lắm, cứ trân trân ngắm nhìn.

Xong cảnh quay, đoàn làm phim nghỉ giải lao ngay tại chỗ, người dân bu vào để bắt chuyện với những diễn viên nổi tiếng trên. Cơ hội có một không hai, ông cũng xúm vào, tìm Lý Hùng để xin chữ ký. Lúi húi ký tặng ông xong, ngửng mặt lên chợt tài tử có khuôn mặt khả ái đó khựng lại. Như tìm thấy điều gì quý giá ở ông, Lý Hùng đã kéo ông ra chỗ vắng để chuyện trò. Khi biết ông là người học võ, Lý Hùng đã mừng ra mặt. “Anh có khuôn mặt rất điện ảnh đấy, nếu anh thích em sẽ mời anh tham gia phim của em nhé!”. Nghe Lý Hùng nói thế, ông gật đầu cái rụp dù chưa biết đóng phim thì phải thế nào.

Sau này, cứ khi nào cần người vào vai tướng cướp, cần những pha phi xe tốc độ hay đánh lộn mù trời là Lý Hùng lại gọi ông. Ông Ba Son bảo, quãng thời gian vàng son tuy ngắn ngủi đó nhưng ông đã góp mặt ở cả chục phim, trong đó có những phim khá nổi tiếng như Phạm Công - Cúc Hoa, Dòng Đời, Chúc đào kim quy, Nữ đặc nhiệm…

Chuyện ông phu mộ làm diễn viên một thời cũng gây rúng động ở xóm nghèo nơi ông Ba Son ở. Lai rai cùng mấy bợm nhậu trong xóm, ông khoe chuyện một bước thành tài tử của mình thế nhưng chẳng ai tin. Mọi người cho rằng ông nói xạo, mượn hơi rượu nói càn. Mãi sau này, khi phim được ra lò, mang về nhà, tìm nhà có đầu video, chiếu cho mọi người xem thì ai nấy đều mặt tròn mắt dẹt kính nể.

Ông Ba Son bảo, khi đấy ông oách lắm, cứ ra khỏi nhà là chải chuốt, bóng bẩy bởi ông nghĩ, mình là người của công chúng nên phải giữ hình ảnh chứ không lôi thôi như trước được. Mỗi khi ông xuất hiện, dân trong xóm ai cũng chỉ chỏ, cũng nhìn ông bằng ánh mắt đầy vẻ ngưỡng mộ, ông thấy rất hãnh diện với bản thân mình. Thậm chí, có người còn hỏi ông về những bộ phim kế tiếp, cao hứng, ông cũng vung tay “chém loạn xạ” để nâng thêm “chân kính” cho mình.

Thế nhưng, ngày vui ấy cũng nhanh chóng vụt qua. Sau “vinh quang” hào nhoáng trên là chuyện cơm áo, chuyện mưu sinh thường nhật. Chuyện này thì không đùa được. Ông Ba Son kể, sau mấy tháng vui thú với phim trường, nhà chẳng còn gì ăn, thấy vợ con nheo nhóc, ông mới giật mình nhận ra với nghề diễn, mình chỉ là nghiệp dư, cải mả tử tù mới là nghề chính. Cũng khi ấy, dòng phim thị trường tàn lụi, hết đất diễn, ông lại về xóm nghèo quy ẩn và lại chí thú với việc làm “kiếp kền kền” ở nơi tử tù phải đền tội ác.

Dưới trướng trùm giang hồ Năm Cam

Trước đây, cải mả tử tù, thù lao chẳng được bao nhiêu nên chỉ một mình Ba Son một sân. “Nghe đến việc lật xác chết lên là người ta chạy hết à, có ai dám làm đâu! Thế nhưng sau này, khi người ta có tiền, muốn đưa thi thể tử tù khỏi trường bắn, thấy có tiền nên nhiều người nhảy vào làm lắm!”. Ông Ba Son kể.

Chính bởi nhiều người nhảy vào làm nên mới có chuyện tranh giành, thậm chí đâm chém để tranh “miếng mồi” béo bở đó cho mình. Nhiều năm phiêu bạt, xem việc đánh lộn nhẹ như không nên Ba Son cùng các “chiến hữu” của mình đều giành phần thắng trong những cuộc “ăn xác” ấy. Những hợp đồng béo bở đều khó thoát khỏi tay đàn kền kền do ông làm… chim đầu đàn. Khi ông không muốn làm thì mới đến lượt những thành phần khác.

Mộ phần tù nhân ở nghĩa địa trường bắn Long Bình.

Ba Son bảo, đất có thổ công, sông có hà bá, sống ở đâu thì phải theo đấy, vào cuộc chơi phải theo “luật”, chẳng ai có thể cựa. “Luật” ở đây là do chính nhóm của ông đưa ra, những kẻ “sinh sau đẻ muộn” thì cứ thế mà chấp hành nếu muốn kiếm cơm từ cái nghề quật săn xác chết đó.

Ba Son bảo, có lẽ do “âm hồn” của tử tù theo nên mấy lần định rời bỏ cái nghề khiếp hãi này nhưng ông đều thất bại. Sau khi ngã ngựa với giấc mơ điện ảnh, quay về nghề cũ được ít lâu thì ông đã được tiến cử đến phục vụ dưới trướng của ông trùm khét tiếng Năm Cam. Người tiến cử ông cũng là một kẻ có số má trên chiếu giang hồ khi đó. Làm không công trong một phi vụ “tút” lại nhan sắc cho một tử tội vốn là huynh đệ giang hồ của người này nên ông đã được “hưởng” “ân huệ” đó.

Video: Giấc mơ lạ và chuyện bốc nhầm mộ kỳ quặc

Ngày ấy, thế lực của Năm Cam là khuynh đảo đất trời, sống trong giang hồ chẳng ai không biết. Tuy cũng là dân chợ búa, sống nhờ những thủ đoạn lọc lòi nhưng ngày ấy, ông hoàn toàn không biết những tội ác mà Năm Cam và đồng bọn đã và đang làm. Bởi thế, khi có sự tiến cử trên, được theo phục vụ anh Năm thì ông phấn khởi lắm.

Về với trùm giang hồ, ông được Năm Cam ưu ái giao cho việc quản lý một khách sạn nổi tiếng với tiền thù lao mà theo ông thì… nằm mơ cũng chả thấy bao giờ. Sau này, tìm hiểu, ông mới biết ông đã được Năm Cam quá đỗi ưu ái. Có được sự “thương yêu” lạ lùng trên là bởi Năm Cam cũng đã cho người tìm hiểu lý lịch của ông. Biết ông là người sống có trước có sau nên ông trùm đó đã đặc biệt khoản đãi.

Thêm một lý do nữa, là người… nhìn xa trông rộng, ý thức được kết cục những việc mình làm nên Năm Cam đã… lo xa nên phải có “chế độ đặc biệt” với “ông trùm ở nghĩa địa trường bắn” là ông. Và, đúng như sự lo xa ấy, chỉ mấy năm sau, bến đỗ cuối đời của bố già khét tiếng ấy là nhà tù và nơi tiễn Năm Cam về thế giới bên kia chính là trường bắn Long Bình, nơi Ba Son và các cộng sự vẫn thường “làm việc”.

Năm Cam thích chơi cờ tướng mỗi khi rỗi rãi và ngay cả khi căng thẳng với mưu sự bành trướng thế lực của mình. Những khi ấy, ông thường được Năm Cam vời đến. Ông Ba Son kể, qua những lần tỉ thí cờ tướng với Năm Cam, thấy ông trùm ấy vân vê quân cờ, trầm ngâm trước mỗi nước đi, ông biết, để có “ngôi vị” như thế, ông trùm này đã phải tính toán, khổ tứ lao tâm đến bạc cả đầu. “Làm giang hồ cũng đâu có dễ, cũng phải nát óc đối phó với vô vàn thế lực, tôi thấy ông Năm cũng chả sướng tí nào!”. Trầm tư, ông Ba Son buột miệng.

Tội ác của Năm Cam và đồng bọn bị đưa ra ánh sáng. Thấy có động, biết mình cũng chẳng dính líu gì đến những tội lỗi ấy, thở phào, ông lặng lẽ rút. Về lại trường bắn, ông lại tiếp tục công việc trước đây mà mình vẫn làm. Giỗ đầu Năm Cam, ông cũng được thân quyến của ông trùm này mời tới. Đám giỗ ấy có đầy đủ những khuôn mặt mà theo ông, không có họ thì không có cái gọi là xã hội đen, thế giới ngầm ở đất Sài Gòn. Nhìn họ, thấy gương tày liếp của Năm Cam, ông sởn da gà sợ hãi. Thắp nhang xong, dối bà vợ bé của Năm Cam rằng ra ngoài có chút việc, sẽ quay lại ngay rồi ông chuồn thẳng.

Khi gia đình Năm Cam muốn “trộm xác” ông trùm này, người ta đã tìm tới ông. Bởi những mối ân tình trước đây nên đắn đo hồi lâu, ông đã viện lý do để lảng tránh phi vụ có giá trị hợp đồng kỷ lục này. “Lấy xác anh Năm mà lấy thù lao thì tôi không làm được. Thế nhưng, ở đây cũng có luật riêng, không có tiền thì không thể làm việc đó. Bởi thế, tôi đã tránh và để cho anh em họ làm!”. Ông Ba Son trình bày lý do ông “nhả” hợp đồng “hốt xác” Năm Cam có giá gần 200 triệu đồng ấy.

Những chuyện rùng rợn

Khai quật không biết bao nhiêu thi thể tử tù nhưng theo ông Ba Son thì dù thù lao ít hay nhiều thì ông cũng đều làm rất có trách nhiệm chứ không một lần qua quýt. “Làm việc này phải có cái tâm, thêm nữa với người âm thì không đùa được!”. Vẻ mặt đầy nghiêm trọng, ông Ba Son nói.

Theo ông Ba Son thì dù làm trộm, dù vội vàng đến mấy thì khi cuốc bất cứ mộ tử tù nào ông cũng đều phải biện lễ lạt đầy đủ, trước khi làm cũng phải xì xụp khói nhang, mong âm hồn người nằm dưới đất lượng thứ. Có lần, bởi sợ bị phát hiện, bởi vội nên không có nén nhang xin phép, ông đã bị “người âm” theo mà hành đến phát bệnh.

Trước khi trộm mộ, những phu mộ đều hương khói chu đáo.

Ông kể, sau đêm đi “cải mả” chui đó, suốt cả chục ngày trời, không đêm nào ông có thể ngủ. Cứ nhắm mắt là lại thấy hình ảnh tử tù đó thân hình bê bết máu hiện về cười khanh khách. Sau mấy đêm bị tử tù đó hành, ông lăn ra ốm. Biết mình đã “động chạm” đến cõi siêu nhiên, dù thở chẳng ra hơi, ông vẫn phải nhờ đàn em sắm lễ rồi đưa ông ra mộ đó xin… tha thứ. Chẳng biết có phải do được “âm hồn” đó tha thứ thật hay bởi việc làm đó khiến ông nhẹ lòng mà vài ngày sau ăn uống được, sức khỏe của ông dần đã phục hồi.

“Ma tử tù thiêng lắm, không đùa được đâu, xóm này nhiều người bị hành rồi, sợ lắm!”. Theo ông Ba Son thì trước đây, sở dĩ không ai dám tranh giành với ông làm cái nghề đặc biệt này là bởi dân sống quanh trường bắn đều rất ngại đụng vào chuyện mồ mả. Họ sợ là bởi họ tin là có thế giới người âm và sơ sảy là sẽ bị người âm quở phạt.

Sỡ dĩ họ có niềm tin ấy là bởi chính mắt họ chứng kiến một việc quá đỗi lạ lùng xảy ra ngay tại nơi mình ở. Cách đây hơn chục năm, sau buổi đi xem hành quyết tử tù về, đang khỏe mạnh ông Tý Thơ bỗng dưng nổi cơn điên. Ông bỏ nhà đi lang thang và thường ra nghĩa địa tội nhân ấy tìm cái ăn từ những đồ cúng tế mà thân nhân tử tù hay những người cầu cúng xin số lô đề mang tới.

Có một điều lạ khiến mọi người khẳng định ông Thơ bị “người âm” điều khiển là từ khi bị điên nặng, ông bỗng dưng không sợ… điện. Bằng chứng là một lần ngẫu hứng, ông trèo hẳn lên cột điện ba pha và “làm xiếc” ở trên đó. Điện chập, người “nhà đèn” gọi điện xuống nắm bắt tình hình. Nghe dân báo là có người trèo lên giật dây, người “nhà đèn” chẳng tin, xuống kiểm tra thì họ mới té ngửa khi thấy ông Thơ vẫn đang đu mình trên đó.

Vợ ông Ba Son mất cách đây chục năm, các con đều có gia đình riêng nên ông Ba Son sống một mình. Ông bảo, ông thích cuộc sống tự do tự tại, không lụy phiền ai kể cả con mình nên ông chọn cuộc sống đó. Tuyên bố từ bỏ nghề trộm xác, cải mả tử tù, ông giết thời gian bằng thú vui câu cá. Nhìn cách sống tao nhã ấy, tuy chẳng nói nhưng ai cũng hiểu sau những năm đánh vật với xác chết, ông đã dành cho mình một khoản kha khá để an dưỡng tuổi già…

Video xem thêm: Cảnh cải táng một ngôi mộ trong đêm ở Hưng Yên

Đại Tư Lợi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dien-vien-kiem-trum-trom-mo-va-chuyen-ron-nguoi-o-nghia-dia-toi-nhan-noi-tieng-sai-thanh-d452554.html