Diễn viên Huỳnh Lập: Người nghệ sĩ cần tử tế và tinh tế

Gần 10 năm tham gia nghệ thuật với rất nhiều vai trò: diễn viên, đạo diễn… từ sân khấu kịch đến web drama (phim chiếu mạng) và bây giờ là điện ảnh, Huỳnh Lập đã từng bước ghi dấu ấn. Phấn đấu trở thành người nghệ sĩ tinh tế và tử tế, với Huỳnh Lập, mỗi ngày trôi qua luôn phải tự làm mới chính mình.

1. Ở góc nhỏ quán cà phê trung tâm quận 1, TPHCM, Huỳnh Lập mở đầu câu chuyện với vẻ mặt ánh lên niềm vui. Không vui sao được khi bộ phim anh dành nhiều tâm huyết, lại đảm nhận vai trò kép: đồng đạo diễn kiêm diễn viên chính Pháp sư mù: Ai chết giơ tay cán mốc doanh thu 2 triệu USD (hơn 46 tỷ đồng) sau 2 tuần công chiếu.

Trong thời buổi phim Việt ra rạp liên tục “ngã ngựa”, một tác phẩm đầu tay có lời được xem là kỳ tích. Nhưng, niềm vui lớn nhất với anh và ê kíp đó là khán giả đã không phải tiếc tiền khi ra rạp xem phim. Pháp sư mù: Ai chết giơ tay được phát triển từ web drama Ai chết giơ tay đã thành công trước đó. Đó vừa là lợi thế, vừa là áp lực không hề nhỏ. Đó cũng là khởi nguồn của nhiều tranh luận, quan điểm trái chiều mà Huỳnh Lập nhận được.

Nhiều ý kiến cho rằng, phim không khác phiên bản web drama rút gọn. Huỳnh Lập nhìn ở khía cạnh tích cực và lập luận chắc chắn: “Có khi nào, khán giả coi web drama đã thấy chất điện ảnh rồi nên khi chiếu trên màn ảnh rộng, không nhận thấy sự khác biệt. Bản web drama chúng tôi đã xác định làm với tâm thế, nhân lực, máy móc và tư duy của một bộ phim điện ảnh. Đến khi thực hiện phim điện ảnh, chúng tôi nâng tầm hơn, tinh lược về chi tiết và tiết chế về diễn xuất. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi tin mình đã có một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa, khác biệt”.

 Huỳnh Lập đảm nhận vai chính kiêm đồng đạo diễn trong "Pháp sư mù: Ai chết giơ tay"

Huỳnh Lập đảm nhận vai chính kiêm đồng đạo diễn trong "Pháp sư mù: Ai chết giơ tay"

Nung nấu ý tưởng làm một tác phẩm điện ảnh từ vài năm trước, nhưng khi bắt đầu, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: chọn thể loại gì, nội dung câu chuyện ra sao… để vừa có tính giải trí, vừa phải thật sự nhân văn. Cuối cùng, Huỳnh Lập quyết định chọn linh dị (tâm linh và kỳ dị) là thể loại chính với một câu chuyện đủ độ hấp dẫn khi đưa văn hóa tâm linh một cách mới mẻ và nhẹ nhàng lên màn ảnh rộng, nhưng cũng có những khoảng lặng tâm lý cần thiết để tạo sức nặng.

Tôn trọng chuẩn mực đạo đức xã hội và ý thức được một bộ phim điện ảnh luôn cần sự tinh tế là chìa khóa để phim qua cửa kiểm duyệt mà không bị cắt gọt, nhưng trên hết, trước đó Huỳnh Lập đã ý thức phải tự gò chính mình để không đi lệch chuẩn.

Những hình ảnh đầu tiên bị chê tơi bời khiến anh có những lúc không dám lên mạng xã hội. Nhưng, khi bộ phim dần thành hình hài cũng là lúc có nhiều lời động viên hơn. Có một bình luận của khán giả mà Huỳnh Lập nhớ mãi, giữa cuộc sống bộn bề, xem bộ phim sẽ nhớ gia đình nhiều hơn, thiện cảm hơn với những điều xung quanh.

2. Trên con đường hoạt động nghệ thuật, Huỳnh Lập luôn phải tìm kiếm những gì mới mẻ: mới với chính mình và mới với xã hội. Cái sự mới ấy vừa là yêu cầu tự thân của người làm nghệ thuật, vừa là yêu cầu nơi khán giả. Trên hành trình ấy, mỗi người sẽ tìm cách để khẳng định và xây dựng thương hiệu cá nhân.

Anh từng đứng trong “tâm bão” khi thử sức với thể loại parody (hài nhái), rồi web drama, trước khi chạm ngõ điện ảnh. Với Huỳnh Lập, doanh thu triệu đô của phim điện ảnh đầu tay, hàng chục triệu view của những tập phim web drama, số điểm cao trong những lần thi thố, hay lượng khán giả đến với mỗi vở diễn của anh đã “thay lời muốn nói”.

Anh tự nhận, khác biệt của mình là dám nghĩ, dám làm và đôi khi là liều. Chữ dám cũng được đặt cho kênh YouTube của Lập và những người bạn - DAMtv khi bắt đầu bước chân vào nghệ thuật, thời điểm cuối 2011. Nhưng trong cái dám nghĩ, dám làm, dám chịu đó, Huỳnh Lập thấy mình may mắn khi bên cạnh luôn có những cộng sự đắc lực.

Anh tâm niệm, làm nghệ thuật là phải biết nhiều thứ, xây dựng cho mình nhiều mối quan hệ. Lùi một bước, bớt đi sự hơn thua chưa bao giờ là thua thiệt. Đó là lý do anh ngại va chạm với đồng nghiệp và luôn cố gắng sống hoan hỷ. Nếu gặp vấn đề, anh chọn cách bình tĩnh để thời gian nguôi ngoai, trước khi tìm cách giải quyết hợp lý.

Ở tuổi 26, Huỳnh Lập gần như đối nghịch hoàn toàn giữa ngoại hình và thế giới nội tâm sâu sắc. Bạn bè vấp ngã luôn tìm anh làm điểm tựa để tâm sự, giãi bày. Anh thích quan sát cuộc sống, kể cả nỗi buồn và đó là chất liệu để sáng tạo, phát triển những câu chuyện cho các sản phẩm của mình. Với tư duy ấy, nhiều vai diễn, nhân vật anh chưa từng trải qua tâm lý, nhưng sự quan sát, lắng nghe ấy giúp anh nhập vai tự nhiên hơn...

Huỳnh Lập có được hôm nay là nhờ được khán giả yêu thương và anh luôn trân quý điều đó. Anh cho rằng, dù là nghệ sĩ, hay khán giả thì luôn cần sự tinh tế và tử tế. Người nghệ sĩ tử tế là luôn phải ý thức kỹ lưỡng, nghiêm khắc với chính mình. Còn với sự tinh tế thì cần có thời gian và đôi khi cần chậm lại một chút. Trong khi đó, với khán giả, anh chỉ mong họ hãy mở lòng mình để đón nhận, sự khen - chê hãy xuất phát từ tinh thần đóng góp chứ không phải “ném đá”.

Sau quãng thời gian tập trung cho điện ảnh, Lập muốn gầy dựng lại thánh đường sân khấu cho chính mình. Với anh, chẳng có gì tuyệt vời hơn cảm giác được đứng trước khán giả, được sống liên tục với nhân vật, dìu dắt cảm xúc nơi khán giả và được cháy hết mình.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dien-vien-huynh-lap-nguoi-nghe-si-can-tu-te-va-tinh-te-630433.html