Điện về với vùng cao

Sau nhiều năm mong mỏi đợi chờ, mùa xuân này, nhiều thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được hòa dòng điện lưới quốc gia. Không còn cảnh tù mù với ánh điện yếu ớt từ năng lượng mặt trời hay tua bin nước.

Đóng điện lưới quốc gia tại thôn Mười, xã Lũng Cao (Bá Thước).

Giờ đây, người dân nhiều bản, làng vùng cao đã được hưởng dòng điện “sáng”. Ánh sáng của tri thức rồi đây sẽ dẫn dắt, giúp người dân mở mang kiến thức, hội nhập để vượt lên trong cuộc sống nơi còn bộn bề những khó khăn.

Băng qua những cung đường hiểm trở với nhiều khúc cua tay áo, chúng tôi có mặt nơi Cao Sơn hùng vĩ. Ở độ cao trung bình 1.200m, những mái nhà thôn Son, thôn Mười, xã Lũng Cao (Bá Thước) đẹp mơ màng hiện ra dưới làn sương chiều mờ ảo. Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, cho biết: Thôn Son hiện có 104 hộ dân và thôn Mười 69 hộ. Nơi đây cách trung tâm huyện Bá Thước khoảng 130km, thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nên còn giữ được những cảnh sắc nguyên sơ với khí hậu mát mẻ quanh năm. 4 năm sau khi con đường lên nơi được mệnh danh là “Sa Pa trong lòng xứ Thanh” này được hoàn thiện, cuộc sống người dân đã có nhiều đổi thay. Giờ đây, khi có điện lưới quốc gia, người dân sẽ được sử dụng các thiết bị điện hiện đại, được tiếp cận ánh sáng văn minh từ các phương tiện truyền thông để phát triển kinh tế.

Đón những người khách lạ ngay đầu thôn Son, không giấu nổi niềm vui, bà Ngân Thị Hiêm, 56 tuổi ở thôn Son, háo hức: Ngay trước khi biết lịch đóng điện, gia đình đã mua sắm tủ lạnh, nồi cơm điện. Trước đây, điện từ tua bin nước chỉ được ưu tiên dùng để thắp sáng, nhưng vào mùa lũ cũng không có điện để sử dụng. Giờ có điện của Nhà nước rồi, bà con rất vui, rất phấn khởi.

Trưởng thôn Mười Ngân Mạnh Hùng phấn chấn: Có đường đẹp, có điện lưới rồi, chúng tôi sẽ cùng nhau đưa nơi này thành những bản làng du lịch cộng đồng chất lượng. Hiện thôn Mười có 5 hộ gia đình đủ cơ sở vật chất phục vụ khách lưu trú. Trước kia, việc phục vụ khách còn rất nhiều khó khăn. Nhưng giờ đây, các hộ đã sắm thêm nhiều thiết bị điện, từ tivi, tủ lạnh, bình nóng lạnh... để nâng cao chất lượng làm du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp hơn.

Cũng trong những ngày giáp Tết Nguyên đán vừa qua, khắc phục những khó khăn do địa hình hiểm trở, thời gian thi công, chủ đầu tư, nhà thầu, Điện lực Quan Hóa đã đóng điện kịp thời cho Nhân dân bản Yên, xã Hiền Trung; bản Bước, xã Thanh Sơn; bản Xạy 1, bản Xạy 2, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa.

Bản Yên là bản cuối cùng của xã Hiền Trung được nối lưới điện quốc gia. Cũng vì lý do này, điều kiện kinh tế nơi đây khó khăn hơn các thôn, bản khác. Ông Hà Văn Cảnh, Trưởng thôn Yên, cho biết: Với 98 hộ dân, 458 nhân khẩu, người dân bản Yên trước đây chủ yếu sống dựa vào kinh tế lâm nghiệp đơn thuần. Điện không có, người dân tự “tạo” nên điện bằng tua bin nước trên các dòng suối nhỏ. Công suất điện nhỏ bé này chỉ đủ sức “chạy” cho những thiết bị điện đơn giản trong hộ gia đình. Điện về, rồi đây sẽ có những xưởng mộc, xưởng tăm đã có dự định mọc lên, giúp tiêu thụ lâm sản cho bà con trong vùng, nâng cao giá trị cây lâm nghiệp và tạo thêm nhiều việc làm cho Nhân dân trong thôn và vùng lân cận. Chủ tịch UBND xã Hiền Trung Vi Văn Mùi còn vui vẻ hoạch định: Khí hậu trong lành và tiềm năng từ 100 ha vườn thực vật với nhiều loài cây quý đang được bảo tồn, tới đây, địa phương sẽ chú trọng quy hoạch, phát triển nơi đây thành điểm du lịch độc đáo.

Ngay trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, 310 hộ dân ở 4 thôn: Thôn Giang, xã Xuân Chinh; thôn Xương, xã Xuân Thắng; thôn Hợp Nhất, xã Luận Khê và thôn Ruộng, xã biên giới Bát Mọt cũng đã có điện lưới quốc gia. Các thôn này được đầu tư 4 trạm biến áp với tổng chiều dài hơn 10,7km đường dây trung thế. Đây là những thôn, bản có địa hình hiểm trở, điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn của huyện Thường Xuân. Ông Lý Nguyên Huy, Phó Giám đốc Điện lực Thường Xuân, cho biết: Biết tin có điện lưới về làng, bà con Nhân dân vô cùng phấn khởi nên đã ủng hộ nhà thầu và điện lực trong quá trình giải phóng hành lang, thi công dự án kịp thời. Ngay sau khi tiếp nhận lưới điện, các cán bộ của Điện lực Thường Xuân đã hướng dẫn Nhân dân cách sử dụng điện an toàn; đồng thời, tăng cường kiểm tra, đấu nối để cấp điện ổn định, liên tục, phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất cho Nhân dân.

Đại diện Sở Công Thương cho biết: 2 bản cuối cùng của huyện Mường Lát là Pa Đén và Hua Pù, xã Pù Nhi cũng đã được đóng điện lưới quốc gia vào ngày 9-2 (tức 28 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021). Như vậy, bằng nguồn vốn tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020 do EU tài trợ, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có thêm 28 thôn, bản vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn 7 huyện: Mường Lát, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân đã được thụ hưởng nguồn lưới điện quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phục vụ Nhân dân phát triển sản xuất.

Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dien-ve-voi-vung-cao/132275.htm