Điền vào khoảng trống cuối cùng ở Khu tưởng niệm Gạc Ma

Từ nhiều năm qua, trên bia lưu niệm tại Khu tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma chỉ có 63 di ảnh. Ảnh của người cuối cùng được thay bằng lá cờ Tổ quốc. Người đó là liệt sĩ Trần Quốc Trị. Hành trình để tìm ra di ảnh cuối cùng này là một câu chuyện dài nhưng kết thúc có hậu.

Cuối năm 2020, PGS.TS Ngô Văn Minh, giảng viên Học viện Chính trị Hồ Chí Minh khu vực III (Đà Nẵng), trong một chuyến công tác tại Nha Trang, ông có ghé viếng các anh linh tại Khu tưởng niệm Gạc Ma trong Bãi Dài thuộc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) và bàn giao di ảnh cuối cùng trong số 64 người lính đã ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma gần 33 năm trước. Đó là di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị được thầy Minh bàn giao cho khu tưởng niệm. Vậy là từ nay, Khu lưu niệm chiến sĩ Gạc Ma đã “hội quân” đầy đủ- điều mà suốt 33 năm qua, những người sưu tầm hiện vật liên quan đến các liệt sĩ Gạc Ma vẫn luôn canh cánh bên lòng.

Khuyết một chỗ trong đội hình

Công trình Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma hoàn thành và đưa và sử dụng tháng 7.2017, trở thành địa chỉ thiêng liêng của đồng bào cả nước mỗi khi có dịp ghé lại Nha Trang- Khánh Hòa. Bao nhiêu khách thập phương người Việt đi tham quan Nha Trang, ngang qua bán đảo Cam Ranh xinh đẹp, hầu như ai cũng ghé lại khu tưởng niệm này với tất cả sự thành kính của lòng mình.

Ban Quản lý Khu tưởng niệm đã dày công sưu tầm hàng trăm di ảnh và hiện vật liên quan đến 64 người lính ấy. Thế nhưng, vẫn còn một chỗ hao khuyết trong 64 di ảnh gắn trên bia. Dù đã rất cố gắng, song những người sưu tầm đành bất lực, vì không cách nào có thể lấp vào chỗ hao khuyết cuối cùng kia. Chân dung liệt sĩ Trần Quốc Trị vẫn luôn thử thách lòng kiên nhẫn của tất cả những ai quan tâm đến Gạc Ma trong nhiều năm qua.

Khu tưởng niệm đã đón hàng trăm ngàn lượt du khách. Sau mỗi lần ghé viếng, lòng ai cũng trĩu buồn khi nhìn vào chỗ hao khuyết ấy. Càng nặng lòng và đau đáu hơn khi nghe người thuyết minh nhắn gửi câu cuối cùng: “Ai biết di ảnh của liệt sĩ Trị ở đâu, xin chuyển giúp cho chúng tôi để anh ấy khỏi lạc đồng đội của mình!”.

Thầy Ngô Văn Minh trao di ảnh quý cho Ban Quản lý khu tưởng niệm Gạc Ma

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, di ảnh còn thiếu ấy vẫn là ẩn số. Nỗi day dứt ngày một nặng thêm mỗi khi nhìn vào ô trống ở vị trí bức ảnh còn thiếu, được che bằng lá cờ Tổ quốc. Ông Võ Duy Trúc, Trưởng Ban Quản lý Khu tưởng niệm Gạc Ma, nghẹn ngào: “Mỗi lần nghe người đến thăm viếng khu tưởng niệm hỏi vì sao còn thiếu một bức di ảnh, chúng tôi lại thấy như mình có lỗi vậy. Dù Ban Quản lý và các cơ quan, đơn vị nhiều lần tổ chức tìm kiếm di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị, nhưng không thành. Thế rồi như có một sự mách bảo nào đó từ cõi xa xăm, đã trao gửi cho một người. Người đó là thầy giáo PGS-TS Ngô Văn Minh".

Cuối năm 2019, trong chuyến dẫn đoàn học viên đi thực tế tại tỉnh Khánh Hòa, PGS.TS Ngô Văn Minh đã đến thăm nhà trưng bày Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Nhìn qua một loạt di ảnh, mắt ông chùng xuống rồi dừng lại ở chỗ khoảng trống duy nhất trong sơ đồ: “Liệt sĩ Trần Quốc Trị, sinh năm 1966, quê xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình”. Lòng ông như muối xát khi nhìn vào ô trống ấy, chỉ có mỗi cái tên mà không có ảnh. Ông tự nhủ thầm mà như tự hỏi lòng mình: “Anh Trị, anh đang ở đâu?”.

Hỏi người thuyết minh, thầy Ngô Văn Minh mới biết, dù đã tìm nhiều cách, nhưng đến thời điểm đó vẫn không thể tìm được bất cứ một hình ảnh nào của liệt sĩ Trần Quốc Trị. Và người thầy giáo nặng lòng với Trường Sa ấy tự hứa với lòng mình là phải tìm cho bằng được di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị.

Hành trình tìm ảnh

Trở về Đà Nẵng, thầy Minh lên kế hoạch cho riêng mình. Hễ đến dạy cho học viên tỉnh nào, điều thầy không bao giờ quên là nhắc về Gạc Ma, về di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị. Nhưng rồi, ngày tháng trôi qua, những địa chỉ cần tìm hầu như đã tìm, nhưng vẫn chưa tìm thấy di ảnh. Nỗi day dứt càng lớn, thầy Minh càng cảm thấy như chính mình có lỗi với người ngã xuống.

Đồng cảm với nỗi lòng của thầy Minh, học viên một số lớp đã lặn lội khắp nơi để cùng thầy hoàn thành tâm nguyện. Thậm chí, Huyện đoàn Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (quê hương liệt sĩ Trần Quốc Trị) cũng đã phát động chương trình “Tìm ảnh cho anh” và phân công các cơ sở Đoàn liên hệ với đồng đội, bạn bè của liệt sĩ trong tỉnh và toàn quốc nhưng vẫn không có kết quả.

Thầy Ngô Văn Minh bên tấm bia Tổ quốc ghi công đã có di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị (hàng trên cùng bên góc phải)

Ròng rã một năm tìm kiếm, tưởng chừng câu chuyện sẽ đi vào ngõ cụt, nhưng hành trình “Tìm ảnh cho anh” vẫn tiếp tục được thầy Ngô Văn Minh và nhiều người không bỏ cuộc. Trong một lần thầy Minh giảng dạy tại Quảng Bình, thoạt nhìn qua danh sách lớp, biết có học viên công tác tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự -xã hội. Chợt lóe lên trong đầu ông câu hỏi: Tại sao mình không tìm qua con đường lưu trữ tàng thư? Bởi thầy Minh nghĩ rằng, thời điểm liệt sĩ Trần Quốc Trị lên đường ra Trường Sa năm đó (1988), chắc phải có hồ sơ lưu trữ. Ông có nhờ một cán bộ Công an Quảng Bình nhưng người ấy nói rằng, hiện rất khó tìm vì năm 1988 vẫn còn là tỉnh Bình-Trị Thiên nên có thể hiện nay hồ sơ còn lưu lại tại Huế. Thầy Minh lại thêm một lần thất vọng. Nhưng ông quyết không bỏ cuộc.

Niềm vui vỡ òa

May mắn thay, trong lớp học ấy có một học viên nhận ngay trọng trách. Học viên đó là Thượng tá Trần Thị Hồng Phượng, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự- xã hội, Công an tỉnh Quảng Bình. Chị Minh đã cùng với người thầy của mình vỡ òa niềm vui khi bức ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị hiện lên với đầy đủ chân dung của chàng trai 18 tuổi.

“Tôi đã về phòng đóng cửa lại và khóc một mình sau khi biết thông tin và nhìn thấy di ảnh của liệt sĩ Trị. Tôi khóc như chính mình tìm lại được đứa con thất lạc bao năm nay. Tôi cũng khóc vì mình và những học viên đã góp được một chút gì đó để trả ơn cho gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị, để hương linh các đồng đội của anh ở Nhà lưu niệm tại Khánh Hòa từ nay không còn mong ngóng gọi tên anh mỗi khi “điểm danh đồng đội” nữa”, thầy Minh xúc động kể.

Khu tưởng niệm Gạc Ma

Ngay trong tối hôm tìm thấy bức di ảnh, thầy Minh cùng những học viên đồng hành trên con đường “Tìm ảnh cho anh” lập tức về thôn 4, xã Đồng Trạch để gặp gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị. Anh Trần Quốc Tuấn (67 tuổi), anh trai liệt sĩ Trần Quốc Trị, ngắm nhìn bức ảnh đã nhận ra ngay người em trai út của mình, dù đã hơn 30 năm chia cách.

Anh Tuấn cho biết, lần tiễn em trai lên đường nhập ngũ năm ấy không ngờ là lần chia tay mãi mãi. Trước đây có một bức ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị chụp chung với hai người bạn, anh định nhờ thợ ảnh tách ra để làm ảnh thờ, nhưng trong một trận bão, bức ảnh đã bị nước lũ làm hỏng mất. Gia đình khao khát có một bức di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị đặt lên bàn thờ để đỡ quạnh hiu hương khói nhưng suốt hơn 30 năm qua, bàn thờ anh Trị vẫn trống không!

“Thật quá đau đớn khi thân xác em tôi thì gửi vào biển thẳm mà di ảnh thì cũng không còn”- người anh trai nghẹn ngào khi nhìn thấy tấm hình đứa em. “Ba mẹ tôi cũng sẽ thỏa nguyện nơi chín suối khi hay tin này”, anh Tuấn nói thêm.

Vậy là từ nay, chỗ hao khuyết trên bảng tưởng niệm nơi “Vòng tròn bất tử” tại Khu tưởng niệm Gạc Ma đã được điền tên. Liệt sĩ Trần Quốc Trị đã kịp về đứng chung trong đội hình cùng đồng đội của mình. Nghe như tiếng “Có” vang lên đâu đây giữa thinh không khi ai đó điểm danh đến tên Trần Quốc Trị.

Tôi như thấy anh Trị đã về trong bộ quân phục nghiêm ngắn, đưa tay lên ngang mũ, chào lá cờ Tổ quốc, trước khi xuống tàu trực chỉ Trường Sa từ 33 năm trước.

TRẦN ĐĂNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202103/tuong-niem-33-nam-ngay-64-chien-si-hy-sinh-tai-gac-ma-dien-vao-khoang-trong-cuoi-cung-o-khu-tuong-niem-gac-ma-3047503/