Điện thoại thông minh: Nỗi khốn khổ của lao động trẻ em

Congo (quốc gia ở Trung Phi) là đất nước cung cấp một nửa sản lượng Coban, vật liệu bắt buộc phải có để sản xuất điện thoại thông minh, máy tính xách tay ra thị trường thế giới.

Nhiều lao động trẻ em còn mới chỉ được 7 tuổi.

Nhiều lao động trẻ em còn mới chỉ được 7 tuổi.

Khoảng 35.000 lao động chưa thành niên bị ném vào các mỏ khai thác, phải đào – đãi - đập - vác đá liên tục suốt 12 giờ/ngày với mức tiền công chỉ 2 USD (khoảng 46.000 VNĐ).

Vụ kiện chấn động

Tháng 12/2019, Tòa án liên bang tại Washington, Mỹ nhận được một đơn kiện, tố cáo Tập đoàn Công nghệ Alphabet (công ty mẹ của Google, Apple, Tesla, Microsoft và Dell) tội áp bức lao động trẻ em tại Congo.

Một loạt báo cáo, hình ảnh làm bằng chứng cũng được gửi kèm, nó cho thấy thực trạng bóc lột lao động trẻ em tàn tệ nhất thế kỷ XXI. Nguyên đơn là nhóm Ủng hộ Nhân quyền Quốc tế (International Rights Advocates). Họ thay mặt cho các gia đình Congo có con em ngày ngày cực khổ khai thác Coban trong các mỏ quặng nhiễm độc.

Trong thế giới công nghệ hóa ngày nay, phần lớn mọi người đều có smartphone để sử dụng. Chúng ta có thể không biết bao nhiêu về lịch sử sáng tạo và sản xuất máy tính, nhưng vẫn thao tác trơn tru, tận dụng được mọi khả năng của chiếc điện thoại thông minh.

Có thể nói, phát minh ra máy tính là một trong những bước tiến vĩ đại nhất của nhân loại. Nó mới chào đời gần đây thôi, trong thập niên 1940.

Không như chiếc iPhone bây giờ chỉ vừa tay cầm, máy tính đầu tiên của thế giới dài hẳn 20m, cao 2,8m và rộng vài mét. Ngay cả chiếc IBM 7094, máy tính được xem là tân tiến nhất thập niên 1960, được Cơ quan Không gian NASA và Không quân Hoa Kỳ sử dụng cho “cuộc chiến không gian”, cũng chỉ có tổng dung lượng là 170 kilobyte.

Kể từ khi ra mắt, máy tính không ngừng được nâng cấp, thu gọn thể tích và tăng dung lượng bộ nhớ. Chiếc điện thoại “cùi bắp” nhất bây giờ cũng mạnh mẽ hơn IBM 7094.

Có điều, dẫu phát triển đến đâu thì sáng chế khoa học cũng vẫn cần nguyên liệu thô. Với công nghệ chế tạo điện thoại thông minh, máy tính xách tay, tuyệt đối không thể thiếu vật liệu kim loại tên Coban (Co, 27).

35.000 lao động trẻ em

Trẻ em Congo đập đá lấy Coban.

Coban được dùng để sản xuất pin lithium-ion và thép từ tính, còn Congo là đất nước cung cấp một nửa sản lượng Coban toàn cầu. Trong khoảng 50 năm qua, quốc gia này liên tục đáp ứng nhu cầu Coban cho Alphabet.

Trong thế giới tự nhiên, Coban là một dạng kim loại màu bạc, có từ tính mạnh, còn được gọi bằng cái tên khác là “thép thiên thạch”. Chúng có cấu trúc tinh thể sáu cạnh, có thể nhận diện bằng mắt thường.

Nhiều thập niên gần đây, hoạt động khai thác Coban tại Congo đã khiến thế giới lo ngại. Quặng Coban có độc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người khai thác. Con cái của thợ mỏ Coban có nhiều khả năng bị dị tật bẩm sinh, hoặc qua đời ngay sau khi vừa mới lọt lòng.

Chưa giải quyết xong vấn đề nhiễm độc Coban với người trưởng thành, Congo lại khiến toàn cầu một phen sốc nặng. Khoảng 35.000 lao động trong các mỏ Coban của đất nước này là trẻ em. Nhiều bé thậm chí mới lên 7 tuổi. Tất cả đều phải cực khổ đào bới, tìm kiếm và di chuyển quặng Coban. Mỗi ngày, lao động trẻ em làm việc liên tục suốt 12 tiếng, và chỉ được trả công khoảng 2 USD.

“Alphabet cũng như các công ty con của nó là những công ty công nghệ khổng lồ, giàu nhất thế giới” - luật sư của nhóm nguyên đơn lên tiếng - “Nhưng chính họ lại cho phép bóc lột lao động trẻ em, giết dần giết mòn các bé để có được nguyên liệu Coban giá rẻ nhất”.

Khó kết thành án

Vất vả suốt 12 giờ/ngày, nhưng các bé chỉ được trả khoảng 2 dollar.

Theo Tờ Independent (Anh), Công ty Dell đã đưa ra lời phản biện sớm nhất. Họ khẳng định chưa bao giờ thu mua Coban từ các nguồn lao động trẻ em. Đồng thời hứa sẽ điều tra lại một cách kỹ càng.

Tuy nhiên, rất khó để kết tội các tập đoàn công nghệ. Thị trường mua bán Coban là một mớ lòng vòng. Từ chỗ khai thác, Coban được bán cho hết đại diện mua lẻ này đến công ty thu mua khác, cuối cùng mới đến tay các “gã khổng lồ”.

Vấn đề “thực tế địa ngục” tại các mỏ khai thác Coban là chuyện đã được bàn trong vài thập kỷ qua. Từ đó đến nay, chưa có người nào bị đẩy ra chịu trách nhiệm.

Ngoài Congo, tại châu Phi còn nhiều điểm khai thác Coban khác. Từ trẻ em đến người lớn đều phải làm việc cực nhọc, nhẫn nại chịu đựng điều kiện lao động như “thời kỳ đồ đá” và chất độc hại.

Chưa hết, họ còn phải đấu đá lẫn nhau khốc liệt để giành vị trí người cung cấp chuyên nghiệp cho các công ty, đại diện thu mua nguyên liệu thô.

Nhìn nhận một cách khách quan, vụ kiện này của nhóm Ủng hộ Nhân quyền Quốc tế chỉ có tác động trên mảng đạo đức. Cả lao động người lớn lẫn trẻ em ở Congo đều là tự nguyện. Họ vì “miếng cơm manh áo” hàng ngày mà đánh đổi sức lực và nguy cơ sức khỏe trong nay mai.

Điện thoại thông minh là mặt hàng bán chạy hàng đầu, trên phạm vi toàn thế giới. Nhu cầu Coban sẽ không giảm, còn các nhà thu mua lại chẳng tội gì không mua với giá rẻ.

Cho dù nhóm Ủng hộ Nhân quyền Quốc tế có thành công lôi Alphabet hay các công ty con của nó ra tòa, họ cũng khó thắng kiện. Cái vòng luẩn quẩn đổ lỗi cho nhau sẽ tiếp diễn. Còn lao động trẻ em ở Congo thì vì sinh kế, vẫn phải tiếp tục chịu khổ cực. Trừ khi, cả thế giới tẩy chay smartphone, khiến nhu cầu Coban bị cắt đứt.

Theo Face2faceafrica

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/dien-thoai-thong-minh-noi-khon-kho-cua-lao-dong-tre-em-4058191-b.html