Điện thoại thông minh như 'ma lực' gây nghiện, sao lại đưa vào lớp học?

Bày tỏ quan điểm sau hàng loạt ý kiến trái chiều xung quanh thông tư cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, TS. Nguyễn Khánh Trung cho rằng, điện thoại thông minh như một 'ma lực' gây nghiện, sao lại đưa vào lớp học?

Có nên cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học? (Nguồn: Dân trí)

Có nên cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học? (Nguồn: Dân trí)

Báo Thế giới & Việt Nam đăng tải bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của chuyên gia giáo dục, TS. Nguyễn Khánh Trung về vấn đề này. Bài viết không thể hiện quan điểm của Tòa soạn.

“Ma lực” đến từ chiếc điện thoại thông minh

Tôi quan tâm đến giáo dục, cũng quan tâm chuyện cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học thể hiện trong Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT vừa qua. Đồng ý rằng cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số vào việc dạy và học trong nhà trường nhưng tôi không đồng tình với việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp.

Không biết Bộ GD&ĐT đã tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu kỹ trước khi ban hành một văn bản có ảnh hưởng đến việc dạy và học của hàng triệu giáo viên, học sinh như vậy hay chưa. Nếu đã làm thì Bộ nên đưa ra các kết quả để biện giải cho quyết định của mình và thuyết phục mọi người; nếu chưa thì quả là một quyết định vội vàng! Tôi nghĩ những giải thích của Bộ hiện nay chưa thuyết phục.

Vì vậy, phụ huynh hoang mang là có cơ sở. Với trải nghiệm nuôi dạy con, có lẽ nhiều phụ huynh nhận thấy ma lực của màn hình, của điện thoại thông minh và những tác động tiêu cực của nó lên hành vi, thái độ, cách nói năng, ứng xử của con hằng ngày.

Tuy Bộ GD&ĐT đã giải thích chỉ được sử dụng cho việc học, nhưng lấy gì bảo đảm trẻ sẽ tuân thủ? Liệu giáo viên có thời gian, khả năng và sức lực để quản lý việc trẻ sử dụng để học hay để chơi trong khi công việc của họ đã rất nhiều, lớp học thường đã quá đông? Giáo viên có thể để ý đến bọn trẻ trong lớp, nhưng ngoài lớp thì sao?

Điện thoại thông minh như một ma lực gây nghiện, nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến “chứng nghiện điện thoại”, “nghiện màn hình”. Nay Bộ GD&ĐT quyết định như vậy chẳng khác gì cho lưu hành “chất gây nghiện” trong nhà trường!

Khi đã thích, thậm chí nghiện, trẻ sẽ rất thông minh để qua mặt người lớn. Chẳng hạn, chúng sẽ lấy lý do tìm thông tin cho việc học để tìm và nghe, xem những gì chúng muốn, rồi cũng rất thông minh để tắt, xóa những thứ đó trong một nốt nhạc mà người lớn sẽ không thể phát hiện ra. Người ta nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” là như thế.

Xét về nhiều mặt, sự có mặt của chiếc điện thoại trong lớp học theo tôi sẽ gây rất nhiều hệ lụy, trước hết là về việc học. Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra các tác động xấu đến từ điện thoại với học sinh.

Chẳng hạn, báo cáo có tên Jules Ferry 3.0 của Hội đồng Quốc gia về kỹ thuật số của Pháp cho hay: “Tất cả giáo viên nhận thấy một nghịch lý tệ hại: học sinh trong các lớp của họ cảm thấy ít chủ động, tập trung chú ý hơn so với khi một mình chúng trước màn hình”.

Một nghiên cứu khác của Giáo sư tâm lý học Alain Lieury cũng đã chỉ ra: những thanh thiếu niên "dính" vào màn hình quá nhiều là những đứa trẻ làm việc, học tập một cách sơ sài, ngủ, nghỉ không đủ, sức tập trung giảm sút, kéo theo là thành tích học tập đi xuống.

Dựa trên những nghiên cứu này, Pháp cấm học sinh cấp 1 và cấp 2 sử dụng điện thoại trong trường học từ năm học 2018. Tương tự, nhiều trường ở Anh cũng chọn giải pháp này. Ở đây không chỉ là cấm sử dụng trong lớp, mà cấm cả trong trường, kể cả giờ ra chơi.

Người Pháp, người Anh cấm như vậy vì họ thấy rõ ảnh hưởng xấu của việc sử dụng điện thoại trong trường lên việc học, lên con em của họ, hẳn con em của chúng ta cũng không ngoại lệ.

Sự tập trung, chú ý trên lớp học là những yếu tố quan trọng trong việc học hành. Không có sự tập trung, sẽ không thể có đam mê, không có tinh thần hiếu tri thực sự. Việc học với các em sẽ trở nên thứ yếu, qua quýt để đối phó. Con em chúng ta sẽ khó có thể học sâu và tiến xa trên đường học tập và phát triển bản thân.

Dạy - học hiện đại phải thể hiện từ triết lý giáo dục

Xét về mặt tâm lý, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra, việc sử dụng điện thoại quá thường xuyên có thể gây ra trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực, mắt kém, cơ thể yếu đuối vì thiếu vận động.

Hãy hình dung những học sinh đang tuổi chạy nhảy, lại ngồi im một góc để lướt điện thoại trong giờ ra chơi. Rõ ràng, những đứa trẻ kêu không nghe, gọi không trả lời, thích ở một mình, không muốn tiếp xúc và tương tác với người xung quanh, những đứa trẻ dành toàn thời gian, năng lượng và sự quan tâm cho thế giới mạng với những cơn nghiện facebook, nghiện game... không phải là những đứa trẻ lý tưởng.

Tất nhiên, việc cấm trẻ tiếp xúc với màn hình là rất khó và cũng không nên. Bởi công nghệ thông tin đem lại nhiều lợi ích, nó phục vụ đắc lực cho cuộc sống, công việc nói chung, việc học hành nghiên cứu nói riêng nếu biết cách sử dụng và khai thác nó.

TS. Nguyễn Khánh Trung. (Ảnh: NVCC)

Nhưng việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp ở lứa tuổi trung học cơ sở lại là chuyện nên làm, để góp phần giảm thiểu những tiêu cực, từ đó, giúp những đứa trẻ giữ được sự cân bằng, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, tập trung học tập.

Ngược lại, cho phép điện thoại - thứ “gây nghiện” lưu hành chính thức trong trường học, sẽ tác động tiêu cực lên hàng triệu mầm non của đất nước, đó mới là điều có hại cho “tiền đồ đất nước”.

Vì vậy, không nhất thiết phải cho học sinh mang điện thoại vào lớp thì mới có thể áp dụng các phương pháp cũng như hình thức dạy học hiện đại. Dạy - học hiện đại phải được thể hiện từ triết lý giáo dục, từ mục tiêu giáo dục quốc gia đến cơ cấu nội dung chương trình, cách thức tiếp cận, cách thức thực hành giảng dạy, chứ không thể hiện ở việc cho phép sử dụng điện thoại trong trường học hay không.

Thay vào đó, nhà trường nên hiện đại hóa, chẳng hạn như tạo lập các thư viện, số hóa các tài liệu, kết nối với các thư viện trong nước và trên thế giới, tạo ra nhiều phòng máy tính hiện đại với các ứng dụng hữu ích, kết nối với các cơ sở dữ liệu phong phú.

Nhà trường tổ chức một cách linh động, dành nhiều thời gian để các em làm việc cộng tác với nhau, tạo điều kiện và khuyến khích tinh thần tự học, tự nghiên cứu.

Nhà trường xây dựng web, tạo ra các kênh liên lạc thuận lợi giữa nhà trường - học sinh - phụ huynh một cách hiệu quả để cùng nhau giúp từng học sinh phát triển tốt nhất theo cách của từng em. Đó là hiện đại, là ứng dụng công nghệ vào việc giảng dạy.

Tôi vẫn thích hình ảnh từng nhóm học sinh tra cứu tài liệu, làm các đề tài, tranh biện với nhau trong các phòng máy tính, trong thư viện, hay ở hành lang, ở các góc trường, hơn là hình ảnh mỗi học sinh ngồi im một góc trước một điện thoại di động, cho dù là đang tìm thông tin hay đang "chat".

Có thể nói, tuổi cấp 1 và cấp 2 là lứa tuổi chưa đủ trưởng thành, cần được bảo vệ. Người lớn cứ phải kèm cặp, giám sát, chủ động tạo ra môi trường lành mạnh xung quanh để trẻ có thể phát triển.

Nhà nghiên cứu Olivier Houdé đã đề nghị các mốc tuổi trong việc tiếp xúc với màn hình: không màn hình với trẻ dưới 3 tuổi, không dùng máy chơi game console với trẻ dưới 6 tuổi; không internet với trẻ dưới 12 tuổi mà không có người lớn kèm. Trên 12 tuổi, các trẻ cần được thường xuyên hướng dẫn, giải thích, kèm cặp trong việc sử dụng mạng.

Cuộc sống của học sinh ngày nay vốn đã bị bủa vây với quá nhiều công nghệ, màn hình lớn nhỏ ở nhà, biến nhiều học sinh thành những “nô lệ màn hình”. Do vậy, nhà trường nên là nơi để các em lấy lại một chút cân bằng, níu kéo các em ở lại với sự đam mê học tập nghiên cứu, đồng thời, tập cho các em thói quen và kỹ năng tốt lành như đọc, tư duy độc lập, tranh biện, trình bày… Để về sau, các em có thể trở thành những con người tự do.

TS. Nguyễn Khánh Trung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dien-thoai-thong-minh-nhu-ma-luc-gay-nghien-sao-lai-dua-vao-lop-hoc-124646.html