Điện than trở lại và nỗi lo ô nhiễm tiếp tục uy hiếp Bắc Kinh

Chất lượng không khí ở Bắc Kinh đã được cải thiện với việc đóng cửa 4 cơ sở điện than. Song các nhà máy mới đang được thi công trở lại xung quanh thủ đô cũng như trên toàn quốc.

Thủ đô Trung Quốc đã đóng cửa 4 nhà máy điện than lớn để cải thiện chất lượng không khí sau nhiều năm bầu khí quyển thành phố chìm trong ô nhiễm đến mức "tận thế". Hàng trăm dự án điện than khác trên toàn quốc cũng được yêu cầu dừng lại trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí bắt đầu từ năm 2013.

Tuy nhiên, những thống kê mới cho thấy Trung Quốc vẫn có thêm các nhà máy điện than trên khắp đất nước, có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến lượng xả thải carbon vốn đã gia tăng ở nước này.

Đóng điện than để cải thiện không khí

Ngày 18/3/2017 đánh dấu sự kiện quan trọng ở Bắc Kinh. Nhà máy điện than cuối cùng ở thành phố chấm dứt hoạt động sau gần 20 năm, đưa Bắc Kinh trở thành đô thị đầu tiên ở Trung Quốc dùng hoàn toàn các nguồn năng lượng sạch hơn như khí tự nhiên hay gió để sản xuất điện.

Giây phút lịch sử được truyền thông nhà nước ghi lại tại nhà máy điện than Huaneng, khi một nhân viên nhà máy, trong bộ đồng phục ấn nút màu đỏ để chấm dứt hoạt động của tổ phát điện cuối cùng.

 Khoảnh khắc ấn nút đóng cửa nhà máy điện than Huaneng. Ảnh: Xinhua.

Khoảnh khắc ấn nút đóng cửa nhà máy điện than Huaneng. Ảnh: Xinhua.

Nhà máy được xây dựng năm 1999 bởi Tập đoàn Huaneng Trung Quốc, một trong những công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất đất nước, tại khu vực ngoại thành phía đông Bắc Kinh. Năm tổ phát điện của nhà máy, với tổng công suất 845 MW, tiêu thụ hơn 8 triệu tấn than mỗi năm.

Trước Huaneng, ba nhà máy điện than khác ra đời sớm nhất vào năm 1958 ở Bắc Kinh lần lượt bị đóng cửa trong hai năm 2014 và 2015, bao gồm Guohua, Gaojing và Jingneng - tiêu thụ tổng cộng hơn 6,8 triệu tấn than mỗi năm. Bốn nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên đã được xây dựng để thay thế.

Việc đóng cửa các nhà máy điện than là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh, một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, nhằm cải thiện chất lượng không khí theo kế hoạch được thông qua vào tháng 9/2013.

Các nhà máy điện than được xem là nguồn gây ô nhiễm không khí hàng đầu ở khu vực Kinh Tân Hà, bao gồm 2 thành phố lớn Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc, theo tổ chức môi trường Greenpeace.

Trong khi đó, thống kê từ chính phủ cho thấy các nhà máy điện than tạo ra hơn một phần ba lượng khí thải lưu huỳnh điôxit (SO2) trên toàn Trung Quốc năm 2011. Lưu huỳnh điôxit là nguyên nhân gây ra hiện tượng mưa acid.

Khí thải từ điện than cũng gây ra những hệ lụy về sức khỏe. Theo báo cáo được Greenpeace công bố vào tháng 12/2013, ước tính các nhà máy điện than đã xả ra lượng khí thải làm thiệt mạng 260.000 người tại Trung Quốc chỉ riêng trong năm 2011.

Nếu so sánh, ô nhiễm không khí do điện than gây ra 13.200 cái chết sớm ở Mỹ năm 2010, theo nghiên cứu của Clean Air Task Force, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Boston.

Chiến đấu chống "tận thế khí quyển"

Trong thời gian dài, điện than chiếm tỷ trọng rất lớn trong lưới điện ở Bắc Kinh, cũng như trên toàn bộ Trung Quốc. Từ năm 1952 đến 2012, nhiệt điện cung cấp hơn 80% tổng lượng điện ở đất nước, trong đó 95% nhiệt điện đến từ than đá.

Năm 2001, Bắc Kinh được trao quyền tổ chức Thế vận hội 2008, và một trong những mục tiêu là tổ chức một "Olympics xanh". Chính phủ tìm cách rũ bỏ hình ảnh thành phố bị bao phủ trong làn khói mù độc hại của Bắc Kinh.

Cơ quan chức năng khi đó đã ra lệnh giảm đốt than và thắt chặt tiêu chuẩn khí thải đối với các nhà máy điện than. Bốn nhà máy điện than lớn ở Bắc Kinh đã thực hiện những nâng cấp quan trọng để loại bỏ lưu huỳnh, nitrat và tro trong khí thải, với những kết quả đáng chú ý.

Do đó, nhận thức về môi trường tốt hơn là một phần của di sản Olympics. Một năm sau sự kiện, Trương Quốc Bảo, người khi đó là Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đồng thời cũng là người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc gia, đã tuyên bố các nhà máy điện than ở trung tâm Bắc Kinh đang ảnh hưởng đến các nỗ lực phát triển và giảm phát thải, đề nghị chuyển từ đốt than sang đốt khí tự nhiên.

Bầu không khí ô nhiễm ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Một kế hoạch mà vào thời điểm đó dường như không thực tế đã dần được thực hiện. Than đã được thay thế bằng khí đốt tự nhiên để phát điện và sưởi ấm ở Bắc Kinh.

Sự lo ngại và phản đối đến từ cả cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ. Song khi tình hình khói mù ngày càng tồi tệ, nhu cầu về môi trường đã chiến thắng. Từ năm 2010, Bắc Kinh bắt đầu hứng chịu các đợt khói mù thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Sau đợt ô nhiễm nặng nề vào mùa đông năm 2012-2013, với tình hình nghiêm trọng đến mức được gọi là "airpocalypse" (tạm hiểu là "tận thế khí quyển"), các nỗ lực ở cấp độ quốc gia để đối phó với ô nhiễm không khí đã được đẩy nhanh.

Trước mùa đông năm 2013, Trung Quốc công bố Kế hoạch Hành động Không khí sạch: Trong vòng 5 năm (2013-2017), than sẽ chỉ chiếm 10% tổng lượng tiêu thụ năng lượng tại Bắc Kinh. Bốn nhà máy điện than lớn được lệnh đóng cửa và bốn nhà máy điện chạy bằng khí tự nhiên lần lượt ra đời ở bốn góc thành phố.

Kết quả của việc này là khả năng tự cung cấp điện của Bắc Kinh giảm xuống và thành phố phụ thuộc nhiều hơn vào các địa phương lân cận. Tuy nhiên, cùng với các biện pháp đồng bộ khác trong kế hoạch hành động, chất lượng không khí đã được cải thiện rõ rệt.

Theo số liệu chính thức được công bố cuối năm 2017, Bắc Kinh dường như đã đạt được mọi mục tiêu lớn được đề ra trong kế hoạch. Ngoài việc hàm lượng PM2.5 (bụi mịn có đường kính 2,5 micromet trở xuống) giảm còn 58 microgram/m3 (tương đương giảm 35,6% so với năm 2013), hàm lượng lưu huỳnh điôxit (SO2), nitơ điôxit (NO2), PM10 trong không khí cũng lần lượt giảm 70%, 18% và 22%.

Cũng nằm trong kế hoạch hành động, các cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc năm 2016 từng kêu gọi gần một nửa các tỉnh thành trên cả nước ngừng xây dựng các cơ sở điện than (có gần 600 dự án đang được xây dựng hoặc nằm trong kế hoạch tính đến tháng 12/2013).

Đến tháng 1/2017, chính phủ đã chỉ thị đóng băng 103 dự án điện than, gửi tín hiệu vui mừng đến các nhà hoạt động môi trường ở Trung Quốc cũng như trên toàn cầu.

Song có lẽ họ đã vui mừng quá sớm.

Trong thời gian dài, điện than chiếm tỷ trọng rất lớn trong lưới điện ở Bắc Kinh, cũng như trên toàn bộ Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Điện than quay lại

Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang trên đà suy thoái, Trung Quốc dự kiến bổ sung vào lưới điện các nhà máy điện than mới với tổng công suất lên đến 148 GW, tương đương công suất điện than của toàn bộ châu Âu (149 GW).

Các nhà máy này được xây dựng hoặc sắp được xây dựng, theo báo cáo được Global Energy Monitor (GEM), tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi điện than, công bố hồi tháng 11.

Theo báo cáo, tính từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2019, Trung Quốc đã bổ sung thêm 43 GW vào mạng lưới điện than đã đạt công suất 1.000 GW. Trong khi đó, những nơi còn lại trên thế giới phần lớn tổng cộng đã giảm 8 GW công suất điện than.

Ted Nace, người đứng đầu GEM, cho biết các nhà máy điện than mới sẽ có tác động đáng kể đến lượng xả thải carbon vốn đã tăng lên ở Trung Quốc.

"Những gì đang được xây dựng ở Trung Quốc đang biến khởi đầu của việc giảm than thành sự gia tăng liên tục của than", ông nói, cho rằng Trung Quốc đang kéo lùi những tiến bộ toàn cầu trong việc giảm phát thải.

Các dự án điện than đã được khởi động lại khi Bắc Kinh tìm cách kích thích nền kinh tế đang lao đao vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ở mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990.

Báo cáo của GEM chỉ ra ít nhất 20 dự án điện than đã tái khởi động việc thi công trên toàn Trung Quốc, từ khu tự trị Nội Mông ở phía bắc đến tỉnh Quảng Đông ở phía nam, bất chấp chỉ thị năm 2017.

Tại Nội Mông, địa phương gần Bắc Kinh, ít nhất 3 nhà máy điện than lớn mới dường như đang được vận hành hoặc xây dựng, CNN đưa tin. Tại Sơn Đông, một tỉnh cũng nằm gần thủ đô, trước thời điểm đoàn kiểm tra trung ương thị sát năm 2018, một công ty đã xây dựng trái phép 45 cơ sở điện than với tổng công suất tương đương toàn bộ công suất điện than của Australia, theo Washington Post.

Dự án nhà máy điện than Zhongxing ở tỉnh Sơn Đông đã được tái khởi động bất chấp chỉ thị chính phủ năm 2017. Ảnh: Washington Post.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã gửi đi tín hiệu về sự thay đổi chính sách. Hồi tháng 10, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi ngành than đóng vai trò trong việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng của đất nước, xa rời những phát biểu trước đây.

Vài tuần trước đó, các quan chức hàng đầu cho biết họ sẽ nới lỏng việc kiểm soát chất lượng không khí trong mùa đông này, có lẽ để trợ giúp các ngành quan trọng nhưng gây ô nhiễm của hoạt động kinh tế, như sản xuất thép và xây dựng. Và ít nhất 40 mỏ than mới đã được phê duyệt trong năm nay, theo cơ quan quản lý năng lượng của Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu nói có cuộc tranh luận mạnh mẽ đang diễn ra đằng sau hậu trường. Theo đó, các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đang tham vấn giới doanh nghiệp và học giả để xây dựng "kế hoạch 5 năm" tiếp theo, có hiệu lực vào năm 2021.

Kế hoạch 5 năm hiện tại của Trung Quốc đã thiết lập mức trần điện than là 1.100 GW. Song một số nhân vật trong ngành công nghiệp năng lượng của Trung Quốc đang thúc đẩy mức trần đó được nâng lên thành 1.400 GW trong kế hoạch 5 năm tiếp theo, theo giới nghiên cứu.

Dù vậy, những tín hiệu xấu đã xuất hiện. Báo cáo hồi tháng 5 của Greenpeace cho biết lượng tiêu thụ than ở 6 tỉnh thành khu vực Bắc Kinh (gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông và Sơn Tây) đã tăng 13% trong giai đoạn từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, so với cùng kỳ trước đó. Sự gia tăng này chủ yếu đến từ các nhà máy điện than và ngành thép, theo dữ liệu của tổ chức Fenwei Energy Information.

Cũng theo báo cáo, mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực trong giai đoạn này đã tăng lên 6,5% so với cùng kỳ trước đó. Chỉ có bốn trong số 28 thành phố thuộc khu vực đạt được mục tiêu giảm khói bụi, như được thể hiện qua dữ liệu chính thức do Bộ Sinh thái và Môi trường công bố, trong khi số ngày ô nhiễm nặng tăng 37%.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dien-than-tro-lai-va-noi-lo-o-nhiem-tiep-tuc-uy-hiep-bac-kinh-post1028944.html