Điện sạch

Thống kê của ngành điện lực cho thấy ở quý 1-2020 vừa qua, trong tổng sản lượng điện đã có sự thay đổi 'vai vế'. Thủy điện đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng mừng là đóng góp của điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng lên. Riêng điện mặt trời đạt 2,31 tỷ kWh, tăng 28 lần so với cùng kỳ 2019.

- Cái đáng mừng còn ngắn, bởi tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn phát huy động được hiện lên đến gần 60% tổng sản lượng. Mà nói đến nhiệt điện than, là phải lo về ô nhiễm môi trường do công nghệ cũ. Than nội không đủ, nên từ nhiều năm nay than ngoại đã liên tục nhập về, chủ yếu để đốt lò sản xuất điện.
- Vừa ô nhiễm, vừa nhanh chóng làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, hẳn rằng nhiệt điện than phải giảm dần trong tương lai. Điện hạt nhân đã phải tạm lui, do chuẩn an toàn tăng lên, khiến suất đầu tư trở nên quá mắc.
- Điện gió và điện mặt trời được đánh giá cao về khả năng tái tạo và ít gây ô nhiễm. Nhưng các chủ đầu tư cũng không có nhiều địa điểm để lựa chọn, do tính không liên tục của nắng, gió.
- Như vậy, để giá thành rẻ, phải hình thành cụm sản xuất dạng “chuyên canh”. Ví dụ Ninh Thuận, với tổng số giờ nắng cao nhất nước (hơn 2.800 giờ/năm) sẽ thuận lợi để trở thành một trung tâm lớn về điện mặt trời. Vì phát triển bền vững, ngày càng phải có nhiều điện sạch.

TƯ QUÉO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dien-sach-657180.html