Điện mùa khô 2017 - Bài 3: Tăng cường sự phối hợp của địa phương

Công ty Truyền tải điện 2 phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền các tổ chức, người dân sinh sống dọc các tuyến đường dây chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải Quốc gia. Nguồn: TTXVN

Công ty Truyền tải điện 2 quản lý lưới điện truyền tải trải dài qua các tỉnh thành từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai với tổng chiều dài 1.228 km đường dây 500 kV, 1.674 km chiều dài đường dây 220 kV, 3 trạm biến áp 500 kV và 13 trạm biến áp 220 kV do 7 Truyền tải điện khu vực trực tiếp quản lý.

Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ phòng chống cháy rừng và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý, Công ty phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động các tổ chức, người dân sinh sống dọc các tuyến đường dây thực hiện các biện pháp chống cháy rừng, chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Công ty đã chủ động phối hợp với Kiểm lâm, Lâm trường, Chủ rừng, Đơn vị hợp đồng bảo vệ đường dây thực hiện phòng chống cháy rừng và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp. Đồng thời, cung cấp số điện thoại nóng của Đội đường dây tới các đơn vị, hộ dân dọc tuyến đường dây để khi người dân phát hiện các vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp kịp thời báo cho đơn vị quản lý vận hành.

Mặt khác, Công ty còn tổ chức tuyên truyền bằng phóng sự truyền hình, loa đài, cấp phát các tờ rơi, lịch có hình ảnh tuyên truyền đến các đối tượng là các hộ dân sinh sống gần hành lang tuyến đường dây, các chủ rừng, cán bộ lâm trường, các Trưởng thôn, già làng, các em học sinh và dán các tờ rơi ở những nơi công cộng như Ủy ban nhân dân xã, bưu điện, trường học, nhà văn hóa…

Giám đốc Công ty Trần Thanh Phong cho biết, Công ty đã ký quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải với Công an 7/7 tỉnh, thành, các Truyền tải điện đã ký phương án bảo vệ với Công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi có lưới truyền tải điện đi qua.

Hiện Công ty đã ký hợp đồng bảo vệ các đường dây 500 kV với Chính quyền địa phương, công an, quân đội; ký hợp đồng bảo vệ 8 Trạm biến áp với các Công ty dịch vụ bảo vệ; ký hợp trách nhiệm Bảo vệ hệ thống điện Quốc gia với Phòng An ninh kinh tế 8 tỉnh, thành; ký 8 hợp đồng trách nhiệm bảo vệ An ninh lưới điện truyền tải với Phòng An ninh kinh tế (PA81) Công an các tỉnh/thành.

Tuyên truyền tới tận người dân. Nguồn: TTXVN

Ngoài ra, các Truyền tải Điện đã ký 16 hợp đồng bảo vệ vòng ngoài các Trạm biến áp với Công an các địa phương; Thường xuyên phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh, thành xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn đi kiểm tra tình hình an ninh, trật tự tại các trạm biến áp, các tuyến đường dây trong các ngày Lễ, Tết, nhất là trong các dịp tổ chức các sự kiện lớn của Nhà nước và của địa phương. Từ đó, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đến công tác vận hành an toàn lưới truyền tải điện.

Đơn cử như Truyền tải Điện Đà Nẵng hiện đã triển khai ký các phương án phối hợp bảo vệ với Công an địa phương nơi có lưới điện truyền tải như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc (Quảng Nam); Công an quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu, Công an huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng…

Đối với các đơn vị trong Công ty Truyền tải điện 3 như Truyền tải Điện Phú Yên cũng tích cực phối hợp với công an, chính quyền và nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt “Quy chế phối hợp bảo vệ lưới điện”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ lưới điện nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lưới điện truyền tải, không để xảy ra các vụ việc phá hoại, vi phạm hành lang an toàn trên lưới điện.

Năm nay, Truyền tải Điện Phú Yên đã sơ kết và ký lại biên bản công tác phối hợp chống cháy hành lang với 4 xã là Ea Chà Rang, Sơn Hà, Suối Bạc và Hòa Hội. Đồng thời hỗ trợ đài phát thanh phát sóng các nội dung tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp tại 4 xã trên thuộc vùng nguyên liệu mía huyện Sơn Hòa.

Bên cạnh đó, đã phát 3.200 tờ rơi tuyên truyền, ký biên bản không đốt rừng, lá mía với 102 hộ dân. Tính đến nay, đơn vị đã phát tổng số 76.030 tờ rơi, ký biên bản với 2.462 hộ dân và 30 tổ chức trên địa bàn quản lý.

Truyền tải Điện Bình Định, ngoài việc làm việc với các Lâm trường, trạm trại canh gác rừng, Chi cục kiểm lâm nhằm chia sẻ thông tin kịp thời về việc cháy rừng có khả năng ảnh hưởng đến vận hành đường dây truyền tải, còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương có tuyến đường dây đi qua tổ chức tuyên truyền cho người dân biết được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp.

Song song đó là những nguy cơ tiềm ẩn của việc vi phạm hành lang có thể nguy hiểm đến tính mạng con người cũng như gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành lưới điện.

Truyền tải Điện Quảng Nam có nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải từ cấp điện áp 220 kV đến 500 kV, cung cấp điện an toàn liên tục phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đồng thời là nơi trung chuyển lượng lớn công suất của các nhà máy thủy điện khu vực Tây Quảng Nam, Bắc Trà My và nước bạn Lào lên hệ thống điện Quốc gia.

Với trọng trách quan trọng này, một trong những giải pháp được đơn vị thực hiện có hiệu quả trong những năm qua, cao điểm mùa khô năm nay và dịp dễ 30/4 và1/5 để bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn quản lý là tăng cường tuyên truyền trong nhân dân thực hiện các quy định của Chính phủ về vấn đề này.

Cụ thể như: Tầm quan trọng của hệ thống điện Quốc gia; Khoảng không gian bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp theo cấp điện áp 220 kV, 500 kV; Các hành vi nghiêm cấm xâm phạm công trình lưới điện cao áp theo điều 4 – Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; Các quy định về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng theo điều 12 Nghị định 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ về phòng cháy và chữa cháy rừng.

Tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải Quốc gia. Nguồn: TTXVN

Theo ông Lê Tự Châu, Phó Giám đốc Truyền tải Điện Quảng Nam, các đội đường dây trực tiếp làm việc và ký hợp đồng tuyên truyền trên sóng phát thanh - truyền hình các huyện hoặc xã có đường dây đi qua; trong đó vùng miền núi được phát thành 2 thứ tiếng Kinh và dân tộc. Cùng với đó, thông báo số điện thoại của Đội trưởng và địa chỉ của Đội Quản lý vận hành đường dây để người dân liên lạc khi cần thiết.

Hiện đơn vị đã phát 2.000 tờ lịch tuyên truyền bảo vệ lưới điện cao áp, 1.050 tờ rơi cho nhân dân sống dọc tuyến đường dây và gần trạm biến áp, 500 tờ rơi tuyên truyền trên phương tiện cơ giới, 500 tờ rơi tuyên truyền trên phương tiện giao thông đường thủy. Đồng thời, treo biển báo nguy hiểm tại các khu đông dân cư và các đường dây có khoảng cách pha-đất thấp...

Bên cạnh đó, Truyền tải Điện Quảng Nam đã ký 532 bản cam kết phòng chữa cháy rừng với các chủ rừng, chủ rẫy, hộ dân sinh sống dọc tuyến đường dây và các UBND xã, thị trấn, Hạt kiểm lâm, Rừng phòng hộ tại các địa phương và khu vực có đường dây đi qua.

Nội dung phối hợp là UBND phường, xã, Ban chỉ huy phòng chữa cháy rừng các địa phương, các Tổ chức bảo vệ rừng triển khai giám sát việc đốt nương, rẫy có điều kiện. Tức là, người dân khi đốt nương rẫy phải báo cáo và được sự cho phép của chính quyền địa phương, kiểm lâm mới được thực hiện và tuân thủ quy trình đốt nương rẫy.

“Khi phát hiện những đám cháy có nguy cơ lây lan vào tuyến đường dây, các Đơn vị trực thuộc phải nhanh chóng thông báo ngay cho chính quyền địa phương, kiểm lâm, đơn vị quản lý rừng, công an và phối hợp với lực lượng bảo vệ đường dây, người dân để ngăn chặn và chữa cháy kịp thời”, ông Châu cho biết.

Ngoài ra, Truyền tải Điện Quảng Nam còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Đài Phát thanh - Truyền hình... tăng cường công tác tuyên truyền, vận động một cách hiệu quả đến các tập thể, cá nhân sinh sống dọc hành lang tuyến về hậu quả của việc để xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó là các biện pháp phòng chữa cháy rừng, các chế tài xử lý trong Luật Bảo vệ rừng, phòng chữa cháy rừng cũng như các văn bản pháp quy về bảo vệ rừng, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp...

>>> Đón đọc: Bài 4: Áp dụng công nghệ trong quản lý vận hành

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dien-mua-kho-2017-bai-3-tang-cuong-su-phoi-hop-cua-dia-phuong/43018.html