Điện mặt trời ngày càng phổ biến

Hiện nay, nhiều hộ gia đình, cơ quan, DN đã đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái. Đây là giải pháp hiệu quả giúp người dân và DN chủ động nguồn điện, góp phần giảm tải lưới điện quốc gia.

Nhân viên Công ty TNHH Công nghệ xanh Nam Tiến (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời cho khách hàng.

Nhân viên Công ty TNHH Công nghệ xanh Nam Tiến (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời cho khách hàng.

CHO NGUỒN ĐIỆN ỔN ĐỊNH

Tháng 11-2017, gia đình ông Bùi Bộ (52, Nguyễn Mạnh Hùng, phường Long Toàn, TP.Bà Rịa) đã lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái, với công suất 3kWp. Tổng số tiền đầu tư khoảng 70 triệu đồng. Mỗi ngày hệ thống pin năng lượng mặt trời này sản sinh ra sản lượng điện trung bình từ 11-17kWh. Theo ông Bộ, từ khi lắp đặt đến nay, nguồn điện ổn định, các thiết bị của hệ thống không bị trục trặc, hư hỏng.

Hơn nửa năm trở lại đây, gia đình ông Nguyễn Phan Sâm (850/5H, đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu) cũng sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời áp mái. Với hệ thống pin có công suất 2kWp, mỗi ngày đã cung cấp cho gia đình ông từ 10-12kWh. Lượng điện này đủ phục vụ nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị như: máy lạnh, tủ lạnh, quạt, máy bơm nước phục vụ tưới cho trang trại nhỏ, bơm nước vào hồ cá… Ông Sâm nói: “Sử dụng nguồn điện mặt trời, tiền điện nhà tôi giảm từ khoảng 800 ngàn đồng xuống còn dưới 400 ngàn đồng/tháng. Hiện nay, gia đình tôi đang chuẩn bị lắp đặt thêm 1kWp để bảo đảm nhu cầu sử dụng điện tăng thêm của gia đình”.

NHU CẦU LẮP PIN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI TĂNG CAO

Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện và Năng lượng Vũ Sơn (phường Long Hương, TP.Bà Rịa) chuyên kinh doanh, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho biết: “Năm 2018, lượng khách lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời của công ty tăng khoảng 70% so với năm 2017, với tổng công suất đã được lắp đặt khoảng 200kWp”.

Dù mới thành lập từ tháng 9-2017, nhưng Công ty TNHH Công nghệ xanh Nam Tiến (phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa) cũng khá đông khách đăng ký lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời. Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cho biết, năm 2017, khi mới thành lập, lượng khách hàng lắp đặt và sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời của công ty chỉ khoảng 10 khách hàng, với công suất lắp đặt 20kWp thì hết năm 2018 đã tăng lên 80 khách hàng, với công suất lắp đặt 200kWp.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 130 tổ chức, cá nhân, DN sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt gần 1.000kWp, trong đó có một số đơn vị có công suất lớn như: Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu (140kWp), Điện lực Côn Đảo (100kWp), Nhà máy Điện An Hội - Côn Đảo (36kWh), Khách sạn Sammy - Vũng Tàu (40kWh), Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam (30kWp)…

Theo EVN, tính đến cuối năm 2018, trên cả nước đã có khoảng 1.500 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái nối lưới điện quốc gia, với tổng công suất trên 19.000 kWp. Các khách hàng này đã được ngành Điện lắp đặt công tơ đo đếm hai chiều.

Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Trong đó quy định, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời (ĐMT) nối lưới, kể cả đối với quy mô hộ gia đình. Đặc biệt, từ ngày 8-1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 02 sửa đổi và bổ sung một số điều của Quyết định số 11, trong đó có sửa đổi cơ chế bán điện từ các dự án điện mặt trời đấu nối lên lưới điện quốc gia. Theo đó, các dự án điện mặt trời được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Trước đó, theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án năng lượng mặt trời lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định.

Theo ông Trần Thanh Hải, sửa đổi về cơ chế bán điện tạo được sự minh bạch cũng như quản lý tốt lượng điện sinh ra và phát lên lưới điện quốc gia. Trên cơ sở này, các hộ dân, cơ quan, DN lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời đều được ngành điện kiểm tra các thiết bị, nếu đạt yêu cầu sẽ lắp đặt công tơ hai chiều để ghi nhận lượng điện sinh ra và lượng điện phát lên lưới điện. Đây là mang đến nhiều lợi ích cho người dân đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201902/dien-mat-troi-ngay-cang-pho-bien-838982/