Điện mặt trời lên núi Cấm, xuống đồng bằng

Ngoài việc tự sắm, nhiều hộ dân trên núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đang được Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) hỗ trợ chi phí sắm pin mặt trời lắp trên mái nhà để có điện xài. Và mô hình này đang lan ra khắp An Giang.

* Cả ấp xài điện mặt trời

Núi Cấm cao trên 700m, trước có 4 ấp là Vồ Đầu, Vồ Bà, Thiên Tuế, Rau Tần; 2 ấp Vồ Bà và Rau Tần dân cư đa phần sống thưa thớt, chưa có điện lưới quốc gia. Ông Phạm Ngọc Nhàn, quản lý Chương trình Tăng trưởng xanh của GreenID tại ĐBSCL cho biết, trên ấp Vồ Bà cũ, có 100% hộ dân (85 hộ) lắp điện mặt trời. Từ tháng 7-2020, xã sáp nhập hơn 100 hộ khác từ ấp Rau Tần vào ấp Vồ Bà hiện nay, thì có thêm 27 hộ xài điện mặt trời, GreenID đã hỗ trợ 50% chi phí cho bà con. “Tới đây, dự án vẫn tiếp tục với số hộ còn lại. Ngoài hỗ trợ chi phí, GreenID có đội kỹ thuật, tư vấn cho bà con thực hiện việc này”, ông Nhàn nói.

Trên đầu một con dốc gần chùa Phật Nhỏ ở lưng chừng núi, có nhà ông Đặng Văn Phước, làm 8 công vườn dâu, bơ, sầu riêng; hai vợ chồng chạy thêm xe ôm phục vụ khách du lịch đi viếng chùa. “Trước tui lắp một miếng 145W hết hơn 3 triệu đồng, sau dự án GreenID hỗ trợ 50% tiền, tui lắp thêm 6 miếng nữa với 3 bình ắc-qui. Trước xài đèn dầu, giờ xài 13 bóng đèn led, ti vi, quạt điện. Ngày nắng thì xài thoải mái cả ngày lẫn đêm, mưa thì thua”, ông Phước kể rồi mở ti vi cho khách xem.

Gần đó có nhà ông Đoàn Văn Tiền cũng nằm cặp vách núi. Nhà rộng, có riêng một gian mắc võng phục vụ khách hành hương nghỉ chân. Ông Tiền 58 tuổi, nhà có 6 người, ở đây đã hơn 35 năm, làm một héc-ta vườn; từ 10 năm nay, sau khi có điện mặt trời, làm thêm “dịch vụ du lịch”. Ông Tiền kể, 10 năm trước ông tự sắm 5 tấm pin mặt trời, giá hơn 3 triệu đồng/tấm. Từ tháng 2-2018, GreenID có dự án tài trợ 50% chi phí, nhà ông được tài trợ 2 đợt 7,5 triệu đồng cho 5 tấm (giá 3 triệu/tấm). Tới giờ, trên mái nhà đã có 20 tấm pin này, mỗi ngày cho khoảng 2.000W điện.

Đưa khách ra sau nhà, chỉ 4 bình ắc-qui và hệ thống xoay chiều gắn trên vách, ông Tiền nói: “Nắng kéo dài thì xài được qua đêm. Mưa kéo dài thì hơi thiếu. Tiện lợi, dễ xài. Lắp xong tấm pin trên mái nhà, câu điện xuống đèn hoặc bình ắc-qui thì xài được. Ngoài xài đèn, ti vi, quạt máy, nồi cơm điện loại nhỏ, tui bơm nước lên bồn phục vụ 20 phòng tắm cho bà con đi du lịch nghỉ chân”.

Giải thích về cái lợi, ông Tiền sôi nổi: “Xài điện mặt trời này bảo đảm môi trường tốt hơn. Không bơm máy gây tiếng ồn, bà con nghỉ ngơi cúng viếng được. Tiết kiệm nhiều lắm. Hồi chưa có điện mặt trời, tui phải chạy máy dầu để đốt đèn, bơm nước, mỗi ngày 7 lít dầu. Giờ không chạy máy nữa, tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Tui xài tấm pin này đã 10 năm rồi, nó vẫn hoạt động bình thường. Nhà sản xuất nói xài được 25 năm. Trước đây bà con thấy có một tấm mỏng như vầy mà làm ra điện thì chưa tin. Lần hồi nhờ truyền thông, tư vấn, bà con tin. Giờ thì cả ấp Vồ Bà đã xài điện mặt trời. Họ xài tùy khả năng, nhiều hộ chỉ thắp sáng đèn, tivi, máy quạt. Tới đây kinh tế khá hơn thì bà con sẽ mua lắp thêm để xài được nhiều thứ trong nhà, phục vụ sản xuất, du lịch”.

Khi được hỏi về điện lưới, ông Tiền quả quyết: “Tới đây nếu có điện lưới quốc gia phủ hết núi Cấm, tui vẫn xài điện mặt trời chớ không có thay đổi đâu”. Còn cô cháu ngoại Nguyễn Đoàn Vy học lớp 2 của ông, thì khoe: “Ánh sáng này có từ lúc con học mẫu giáo. Ánh sáng này từ trên trời rọi xuống. Nó làm nóng trên mái nhà, làm ra ánh sáng cho con”.

* Mô hình sẽ lan xa

Trao đổi với chúng tôi, ông Chau Khonh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo, nhận xét: “Dự án của GreenID đã giúp nhiều cho bà con trên ấp Vồ Bà có ánh sáng điện trong sinh hoạt gia đình, nhất là các em nhỏ có điện để học bài; có đèn đường từ dưới núi lên, góp phần giữ được an ninh trật tự. Tới đây, xã sẽ cùng GreenID truyền thông mạnh hơn để mở rộng dự án thành ấp xanh trên núi Cấm nhằm giúp bà con biết gắn việc sử dụng điện mặt trời với sản xuất, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường”.

Núi Cấm ở An Giang, nơi nhiều người dân và doanh nghiệp đang xài điện mặt trời.

Núi Cấm ở An Giang, nơi nhiều người dân và doanh nghiệp đang xài điện mặt trời.

Ông Phạm Ngọc Nhàn cho biết GreenID đang làm tiếp dự án “Ấp xanh trên núi Cấm”, nhằm thúc đẩy bà con sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường và có lối sống xanh; dự án kéo dài tới năm 2022. “Với sản xuất và kinh doanh, có thể sử dụng đèn điện mặt trời nuôi gà, sấy nông sản, máy bơm tưới nhỏ giọt, ủ phân hữu cơ… phục vụ làm rẫy, làm du lịch. Với môi trường, hướng dẫn người dân phân loại rác, làm xanh tuyến đường giao thông, trồng cây quanh nhà vì họ đã đốn bỏ nhiều. Với lối sống xanh, hướng dẫn bà con sống gắn với môi trường thiên nhiên hơn. Kinh phí của dự án này là 465.000 Euro, do Tổ chức Bánh mì cho Thế giới tài trợ”, ông Nhàn nói.

Dưới đồng bằng, GreenID còn kết hợp hoạt động với địa phương và doanh nghiệp. Như mô hình kết hợp năng lượng mặt trời với sản xuất nông nghiệp tại hộ ông Chau Hon, dân tộc Khmer, ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn. Công suất điện ở đây là 40kWp, dự án trị giá 880 triệu đồng, do GreenID và Công ty Ý thức khí hậu (Climate Sense) thực hiện. “Mô hình này được thiết kế dạng nhà kính, có mái che lắp pin mặt trời, dưới đất nông dân sẽ trồng rau ăn lá. Diện tích đất ở mô hình này là 1.000m2. Dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt vào cuối tháng 12 này. Sản lượng điện bán cho EVN khoảng 100 triệu đồng/năm”, ông Nhàn cho biết.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Green ID, nói: “Hiện đã có thêm khoảng 300 hộ gia đình ở huyện Tri Tôn được hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đang được triển khai. GreenID cũng đang mở rộng hợp tác với Hội LHPN tỉnh An Giang để hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, ứng dụng năng lượng tái tạo cải thiện thu nhập”.

Nhận xét về các dự án này của GreenID, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, nói: “Rất hiệu quả”. Ông Thọ cho biết tới năm 2025, An Giang sẽ chuyển 30.000ha trong số 230.000ha đất lúa sang trồng cây trái và nuôi thủy sản. Trong đó nhiều nơi, như Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, An Phú, Tân Châu… sẽ khuyến khích áp dụng các mô hình gắn sản xuất với sử dụng điện mặt trời.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang còn triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao có sử dụng điện mặt trời ở những vùng khó khăn về điện và những vùng nuôi thủy sản cần nhiều điện với một phần vốn hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới. Đã có 20 mô hình, công suất từ 1-5 Wp/mô hình, có nơi sẽ nâng lên 20-30 Wp/mô hình. Như mô hình nuôi cá theo công nghệ trong ao, sử dụng sủi bọt khí, mô hình trang trại gà ở Châu Phú. Một số doanh nghiệp lớn như True Milk, Nam Việt… cũng đang làm dự án đầu tư trang trại bò sữa, nuôi cá tra với nguồn điện mặt trời tại chỗ.

Với quy mô kinh tế hộ, ông Thọ cho biết có những loại cây không cần nắng nhiều như măng tây, khoai mì… thì trồng dưới dàn pin điện mặt trời. Ở vùng thủy sản, dự án đi vào những mô hình nuôi cá lóc, nuôi lương… Theo ông Thọ, người dân có thể kết hợp bán điện trên nền sản xuất này, vừa tăng thu nhập được 20%, vừa bảo vệ môi trường. Xa hơn có thể phát triển trang trại để vừa tạo cảnh quan sinh thái vừa bán điện.

“Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh có chủ trương hỗ trợ tín dụng cho người dân và cần có hạ tầng để kết hợp. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ có hỗ trợ mạnh hơn cho người dân ở những vùng đất kém hiệu quả để họ đầu tư kết hợp sản xuất với xài điện mặt trời hợp môi trường”, ông Thọ nói.

Bài, ảnh: HUỲNH KIM

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dien-mat-troi-len-nui-cam-xuong-dong-bang-a128344.html