Điện mặt trời chờ giá mua mới

Mức giá mua điện ưu đãi 9,35cent (2.086 đồng)/kWh của Chính phủ đã hết hiệu lực từ ngày 30-6, nhưng đến nay, chính sách mới chưa được thông qua khiến toàn bộ các dự án điện mặt trời chưa thi công đành phải 'án binh bất động'.

Các dự án chờ chính sách

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 dự án điện mặt trời đã hoàn thành và đóng điện vận hành. Tổng công suất của các nhà máy điện này đạt 260MWp, tập trung tại TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm. Ngoài ra, còn có 24 dự án nằm ở các địa phương: Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa và Vạn Ninh chưa thể thi công. Trong đó, 3 dự án: Nhà máy điện mặt trời Trung Sơn, công suất 30MWp, diện tích 40ha (xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm); Nhà máy điện mặt trời Long Sơn, công suất 170 MWp, diện tích 200ha (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa); Nhà máy điện năng lượng mặt trời KN Vạn Ninh, công suất 100MWp, diện tích 194,5ha (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) tuy đã được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Khánh Hòa trước ngày 30-6, nhưng do chậm giải phóng mặt bằng nên không thể hoàn thành đúng tiến độ để hưởng giá điện ưu đãi. 21 dự án còn lại, trong đó có 12 dự án nằm ở thị xã Ninh Hòa cũng đã được UBND tỉnh thông qua và đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt đưa vào quy hoạch.

Một góc Nhà máy điện mặt trời Ami.

Hiện nay, các chủ dự án vẫn phải tiếp tục thực hiện các bước cần thiết để tiến hành dự án theo quy định, nhưng qua tìm hiểu của phóng viên, sau ngày 30-6, hầu như tất cả dự án đều tạm dừng. Các chủ đầu tư cho biết, phải đợi Thủ tướng Chính phủ công bố giá mua điện thì mới có thể tính toán lại thời gian thu hồi vốn cũng như khả năng sinh lời. Căn cứ vào chỉ số lợi nhuận, chủ đầu tư sẽ quyết định hướng đầu tư và phương thức đầu tư phù hợp.

Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện nay, các dự án điện mặt trời đang chờ chính sách mới. Thời gian thi công nhanh hay chậm phụ thuộc vào tỉnh và Bộ Công Thương. Về phía chính quyền địa phương, luôn tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Khi các nhà máy hoàn thành, hy vọng sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sử dụng các diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả.

Nhà đầu tư sốt ruột

Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 dự án điện mặt trời được UBND tỉnh phê duyệt nhưng còn phải đợi chính sách mới về giá điện. Dự kiến khi các dự án này đi vào hoạt động, hàng năm, Khánh Hòa sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia từ 2.000 triệu kWh/năm trở lên.

Việc phải chờ Chính phủ công bố giá mua điện mới cho điện mặt trời đã khiến các chủ đầu tư không khỏi lo lắng. Kế hoạch rót vốn cũng đang chững lại sau thời gian ồ ạt trước đây. “Thời gian tới, việc thi công các dự án chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Tổng mức đầu tư sẽ tăng do công tác đền bù không thuận lợi như năm 2018 và đầu năm 2019. Từ đó, kéo dài thời gian hoàn vốn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các chủ đầu tư. Mức giá cho điện mặt trời sau ngày 30-6 khả năng sẽ thấp hơn, nhưng chúng tôi vẫn mong Chính phủ nhanh chóng công bố giá mua điện mới để dự án tiếp tục tiến hành”, đại diện Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời KN Vạn Ninh cho hay.

Cùng quan điểm đó, ông Võ Duy Dương - Giám đốc Công ty Cổ phần Điện mặt trời Tuấn Ân cho biết: “Công ty chúng tôi đã có một dự án vận hành bán điện thương mại trước ngày 30-6. Dự án còn lại chắc chắn phải đợi Chính phủ thông báo giá mua điện thì mới có kế hoạch đầu tư và làm các bước tiếp theo với Bộ Công Thương. Với tình hình này, nhanh nhất phải sang năm 2020, các dự án điện mặt trời còn lại mới có thể tiến hành được”.

Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: “Các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đã đóng góp rất lớn trong việc nâng công suất cung cấp điện cho lưới điện. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của những năm tiếp theo. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng thêm trạm biến áp và cải tạo đường dây nhằm khai thác tối đa công suất của các nhà máy điện mặt trời”. Theo ông Ngoạn, 6 dự án đi vào vận hành đã bổ sung sản lượng điện chung của tỉnh, đủ cung cấp điện phục vụ sản xuất công nghiệp. Hiện nay, tỉnh đã tính toán phương án đường dây truyền tải để đảm bảo cho các dự án điện tiếp theo hòa lưới.

Đình Lâm

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/201908/dien-mat-troi-cho-gia-mua-moi-8126154/