Điện mặt trời bị phản đối ở Phù Mỹ: Ra sức trấn an về năng lượng sạch

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định trấn an người dân Phù Mỹ rằng điện mặt trời là năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường, sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng trò chuyện với người dân xã Mỹ An (H.Phù Mỹ) về dự án điện mặt trời - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Trong những lần đối thoại với người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về việc triển khai dự án điện mặt trời tại H.Phù Mỹ và cam kết triển khai dự án một cách tốt nhất để đem lại lợi ích cho người dân Phù Mỹ.

Doanh nghiệp ra sức giải thích về điện mặt trời

Theo ông Lê Đức Thoa, Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo Việt Nam, Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ (xã Mỹ Lợi, H.Phù Mỹ) chỉ triển khai trên diện tích mặt nước khoảng 60 ha, một phần rất nhỏ trong tổng diện tích 1.300 ha mặt nước đầm Trà Ổ nên không ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sinh kế của người dân. Trong 60 ha triển khai dự án trên đầm, các tấm pin chỉ che phủ 35 ha.

Khu vực mặt nước sẽ có các tấm phao nổi, có cáp treo cố định, phía trên sẽ có các tấm pin hấp thụ ánh nắng mặt trời để chuyển hóa thành điện năng. Hệ thống phao nổi được sản xuất từ vật liệu đang dùng để sản xuất ống dẫn nước sử dụng trong hộ gia đình, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, không bị phân hủy do tác động của điều kiện thời tiết, khí hậu cũng như thời gian sử dụng.

Các tấm pin hấp thụ năng lượng mặt trời không gây nguy hiểm nào đối với con người và môi trường sinh thái, ông Thoa khẳng định.

“Thời gian vận hành, Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ sẽ thu hút được nguồn lao động tại địa phương, nhân sự trình độ đại học, cao đẳng khoảng 20 người, lao động phổ thông khoảng 60 - 80 người. Dự án đi vào vận hành sẽ tăng thêm nguồn thu cho địa phương mỗi năm khoảng 20 tỉ đồng và nhà đầu tư sẽ bỏ ra 1 tỉ đồng mỗi năm để kết hợp với người dân để đầu tư các công trình phúc lợi xã hội”, ông Thoa cho biết thêm.

Người dân xã Mỹ Lợi trình bày lo ngại về dự án trên đầm Trà Ổ - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Chính quyền: Chắc chắn đem lại nhiều lợi ích

Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cũng cho rằng các nhà máy điện mặt trời, điện gió là nguồn năng lượng sạch và các nước trên thế giới cũng đang đầu tư vào các loại điện năng này.

“Công nghệ này cơ bản là hấp thụ ánh sáng, nhiệt độ của mặt trời, chuyển hóa thành điện năng thông qua pin năng lượng, không phát tán ra xung quanh cái gì cả. Vì vậy, không ô nhiễm môi trường. Các tấm pin này có tuổi thọ trong vòng 30 năm. Xong hết rồi người ta chở đi tiêu hủy ở các nhà máy xử lý chất thải...”, ông Châu nói.

Theo ông Trần Châu, Bình Định là 1 tỉnh ven biển miền Trung còn nghèo, trong khi mức thu nhập của người dân ở xã ven biển thấp hơn ở khu vực khác. Ở những vùng ven biển như H.Phù Mỹ có điều kiện khí hậu và hiện tượng cát bay nên không thể xây dựng các nhà máy công nghiệp nên làm công nghiệp sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, đất đai ở khu vực này không màu mỡ, khô cằn nên làm nông nghiệp cũng không được. Vì vậy, làm năng lượng tái tạo, cụ thể là xây dựng nhà máy điện mặt trời, điện gió là thích hợp để phát triển kinh tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đối thoại với người dân về dự án trên đầm Trà Ổ - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

“Ngân sách các xã ven biển ở tỉnh Bình Định chỉ thu khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm thì làm sao đủ để chi cho các đối tượng thương binh, chính sách, lương cán bộ xã… Trong khi dự án năng lượng mặt trời được hình thành sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Sơ bộ như dự án ở Phù Mỹ có vốn đầu tư 7.200 tỉ đồng, khi họ bắt đầu xây thì chúng ta thu thuế VAT 10%, tức là 720 tỉ đồng trên địa bàn. Chúng ta lấy nguồn này xây dựng trường học, nâng cấp bệnh viện, trạm xá, làm đường… Hàng năm, thuế mang lại khoảng 120 tỉ đồng khi nhà máy hoạt động. Đó là nguồn lợi chính đáng để địa phương xây dựng các công trình phúc lợi”, ông Trần Châu nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, năng lượng tái tạo mà cụ thể là năng lượng gió và năng lượng mặt trời là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Mới đây, Nghị quyết lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kết luận đối với những vùng ven biển thì phải thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác các dự án năng lượng tái tạo để đóng góp vào cho sự phát triển của đất nước.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 quyết định về phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030 và ban hành chính sách ưu đãi, cơ chế chính sách phát triển năng lượng mặt trời.

“Các dự án điện gió và điện mặt trời là dự án thân thiện với môi trường và sẽ góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết hàng trăm lao động cho con em địa phương, chưa kể hạ tầng đường xá cũng được đầu tư tương xứng. Cả thế giới cũng như các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai và các địa phương ven biển của Việt Nam đều đang triển khai và được người dân địa phương đồng tình ủng hộ”, ông Hồ Quốc Dũng nói.

[VIDEO] Cận cảnh nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Ninh Thuận hòa lưới điện quốc gia

Ông Hồ Quốc Dũng cũng khẳng định chỉ cho phép khiển khai Dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ trên phần diện tích đất trống và một phần diện tích hiện nay dân đang trồng keo, bạch đàn, điều chứ không có đụng đến diện tích rừng dương. Nếu các dự án này triển khai mà ảnh hưởng gì đến người dân thì phải dừng hoạt động, đóng cửa nhà máy, tháo dỡ pin đi chỗ khác.

Các cơ quan chức năng giải thích cho người dân H.Phù Mỹ hiểu rõ về các tấm pin điện mặt trời - Ảnh: ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Hoàng Trọng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/dien-mat-troi-bi-phan-doi-o-phu-my-ra-suc-tran-an-ve-nang-luong-sach-1067760.html