Điện mặt trời áp mái: Vẫn chưa bán được cho EVN

Thời điểm này, khách hàng sử dụng điện mặt trời vẫn chưa được hưởng lợi từ việc bán điện dư thừa cho ngành điện.

Theo Quyết định 11 của Chính phủ, từ ngày 1/6/2017, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh).

Số liệu cập nhật tính đến thời điểm này cả nước mới chỉ có 815 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái. Trong đó, TPHCM là một trong những địa phương đi đầu với 762 khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái. Đáng chú ý, một bộ phận trong số này có nhu cầu bán lại phần điện dư cho Tổng công ty Điện lực TP.HCM.

Ủng hộ việc khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái và bán lại phần điện dư thừa cho công ty điện lực, PGS.TS Nguyễn Bội Khuê, Trưởng khoa Điện-Điện tử, Đại học Bình Dương cho biết, muốn đánh giá hiệu quả của điện áp mái đối với mỗi hộ dân cần xem chi phí mua panel năng lượng mặt trời là bao nhiêu. Và một panel năng lượng mặt trời phụ thuộc vào loại panel chế tạo năm nào, của hãng nào.

"Thông thường panel càng mới thì càng có lãi. So với thời điểm năm 2014, chi phí đầu tư panel năng lượng mặt trời đã rẻ hơn tới một nửa, có lợi cho cả người tiêu dùng và ngành điện lực", ông nói.

Tiềm năng điện mặt trời tại Việt Nam mới được khai thác rất hạn chế

Tuy nhiên, về giá bán điện mặt trời do người dân sản xuất cho EVN, theo PGS.TS Nguyễn Bội Khuê, dù đã quy định nhưng điều này lại tùy thuộc vào việc bên mua mua với giá bao nhiêu.

"Việc này tùy thuộc vào chính sách của bên điện lực và cả thị trường. Ví dụ, 1kWh ở TP.HCM khác 1kWh ở Hà Nội. Điện mặt trời ở TP.HCM hiệu quả hơn ở Hà Nội, lượng chiếu sáng của năng lượng mặt trời tại TP.HCM lớn hơn Hà Nội nhiều.

Người dân không có quyền quyết định điều này, kể cả bên điện lực không mua cũng phải chịu", PGS.TS Nguyễn Bội Khuê cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho hay, trong bối cảnh các nhiên liệu truyền thống để sản xuất điện đang dần cạn kiệt, nhiều nhà máy điện thiếu than để sản xuất, giá than tăng, chúng ta mới thấy năng lượng mặt trời là tiềm năng chưa khai thác được nhiều.

Ông Tuấn là người có kinh nghiệm sử dụng điện mặt trời. Vào cuối năm 2016, ông lắp đặt hệ thống 12 tấm pin mặt trời trên nóc nhà với tổng diện tích 24 m2 và bộ tích điện với chi phí 130 triệu đồng. Theo tính toán của ông Tuấn, để hoàn vốn, gia đình ông sẽ phải mất 6-7 năm.

Dù vậy, điểm tích cực là từ khi lắp đặt điện mặt trời áp mái, mỗi tháng gia đình vị chuyên gia tiết kiệm được từ 1-1,5 triệu đồng tiền điện so với trước đây.

Dù rất muốn lắp công tơ 2 chiều để bán điện cho EVN nhưng cho đến nay, gia đình ông Tuấn vẫn chưa lắp được.

"Chủ trương thì đã có nhưng công tơ 2 chiều chưa phổ biến, ngay ở thành phố lớn số lượng người lắp đặt điện mặt trời áp mái vẫn vô cùng ít ỏi, nếu bên điện lực nhập về họ sẽ không có lợi.

Chính vì thế, đôi khi ngành điện chưa quan tâm lắm đến chuyện này. Chưa kể, lắp công tơ xong bên điện lực lại phải chuyển đổi phần mềm quản lý và một số vấn đề kỹ thuật. Công ty điện địa phương đôi khi mất công hơn mà lợi thì không được bao nhiêu. Cũng chưa có cơ chế tài chính là người dân bán điện như thế thì hóa đơn xuất ra như thế nào", PGS.TS Lê Anh Tuấn nói.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, mỗi gia đình, trên mái nhà có thể lắp đặt điện mặt trời công suất 3-10 kW, phù hợp với lưới điện hạ thế, không phải đầu tư thêm lưới truyền tải.

Khi lắp đặt được công suất đó, mỗi gia đình sẽ chủ động được nguồn điện chạy các thiết bị gia đình. Khi không dùng điện có thể bán lại cho EVN. Với những gia đình sử dụng từ 300-400 kWh mỗi tháng có thể hoàn vốn nhanh chóng nếu đầu tư hệ thống áp mái này.

“Ban ngày sẽ sử dụng được điện mặt trời, có thể giảm được tiền điện, giảm được lượng điện tiêu thụ của EVN. Nếu ban ngày đi làm, không sử dụng điện đó, tự động lưới điện của EVN tiếp nhận hết, có công tơ 2 chiều để đo. Nói cách khác, toàn bộ các hộ gia đình có thể lắp điện áp mái để bán điện lại cho EVN”, ông Tri nhấn mạnh.

Hiện nay công suất điện áp mái ở Việt Nam vào khoảng 17 triệu kWh. Sau khi Thủ tướng có quyết định, EVN sẽ thông tin các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ vay vốn cho các hộ gia đình.

Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, công suất 3-5 kW không phải to lắm nhưng Việt Nam có 30 triệu hộ. Chỉ cần 1 triệu hộ có điện áp mái, trung bình có công suất 3 kW sẽ sản sinh lượng điện 3.000 MW.

Theo tính toán của lãnh đạo EVN, 3.000 MW gần bằng công suất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) cộng với công suất Nhà máy thủy điện Lai Châu (1.200 MW).

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dien-mat-troi-ap-mai-van-chua-ban-duoc-cho-evn-3370578/