Điện mặt trời '1 vốn 7 lời' qua thương vụ của Tập đoàn Hưng Hải

Cơ hội và tiềm năng để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đang rất lớn dẫn tới hiện tượng nhà đầu tư không rõ năng lực xin dự án rồi bán lại kiếm lời không phải cá biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo còn nhiều lỗ hổng.

Điện mặt trời từ lâu đã được các nước phát triển chú trọng đầu tư và đưa vào sử dụng. Đây được coi là nguồn năng lượng chính trong tương lai khi các nguồn truyền thống đã và đang cạn kiệt dần. Có rất nhiều yếu tố để chúng ta phát triển nguồn năng lượng xanh này.

Đánh giá của các chuyên gia tại Hiệp hội năng lượng sạch Việt nam cho biết: Nước ta nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, nơi có lượng ánh năng mặt trời chiếu sáng trong top nhiều nhất trên bản đồ bức xạ mặt trời thế giới; Trung bình hàng năm lượng bức xạ mặt trời sẽ dao động từ 4,3 đến 5,7 triệu kWh/m2, trong đó những vùng như tây nguyên, nam trung bộ số giờ nắng sẽ đạt được từ 2000 đến 2600 giờ mỗi năm. Lượng bức xạ mặt trời tính trung bình khoảng 150kcal/m2 chiếm khoảng 2000 đến 5000 giờ mỗi năm.

Theo đó ước tính tiềm năng điện mặt trời mang lại trên lý thuyết là khoảng 43,9 tỷ TOE. Theo triển vọng và kế hoạch đưa ra năm 2020 dự kiến khai thác điện mặt trời được khoảng 850MW. Vào năm 2025 tổng điện mặt trời khai thác ước tính sẽ tăng lên 4.000MW. Và dự tính đạt được 12.000MW điện từ năng lượng mặt trời trong năm 2030.

Phải nói cơ hội và tiềm năng để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đang rất lớn. Dẫn tới hiện tượng các nhà đầu tư không rõ năng lực xin dự án rồi bán lại kiếm lời không phải cá biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo còn nhiều lỗ hổng. Một số địa phương hiện nay chỉ làm việc với doanh nghiệp, tập đoàn lớn có uy tín với hi vọng hạn chế thực trạng này.

Nhìn chung, phát triển điện mặt trời thời gian qua được đánh giá là thiếu quy củ, chưa đồng bộ, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, lợi ích nhóm. Tại Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các dự án điện mặt trời mới phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin - cho, tuyệt đối chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong quản lý phát triển.

Nhìn từ trường hợp Hưng Hải Group bán 4 dự án Lộc Ninh với chênh lệch rất cao, có thể thấy vấn đề ở đây không chỉ là chọn lọc nhà đầu tư, mà còn là mối lợi từ lĩnh vực năng lượng tái tạo là rất lớn, đồng nghĩa với lợi ích của Nhà nước đang không được tối ưu hóa.

Xin dự án để bán cho nước ngoài "1 vốn 7 lời"

Mới đây, 3 dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, 3 đã công bố lựa chọn nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu. Các dự án này được tỉnh Bình Phước giao cho Hưng Hải Group làm chủ đầu tư nhưng sau đó đã được nhà đầu tư Thái Lan đánh tiếng mua lại với giá “khủng”.

Trở lại với cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh, Tập đoàn Siêu Năng của Thái Lan (Super Energy Coporation - SEC) đã công khai kế hoạch mua lại cụm 4 dự án điện mặt trời Lộc Ninh có tổng công suất 750MW do CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) làm chủ đầu tư với giá không quá 456,7 triệu USD.

Thay vì trực tiếp mua cổ phần doanh nghiệp dự án từ chủ đầu tư, SEC lại quyết định “đi vòng” thông qua loạt pháp nhân SSEVN1, SSELN2, SSEBP3, New Hold Co 4. Cụ thể, SEC trước tiên nắm giữ 49% cổ phần, rồi sau đó sẽ mua 51% cổ phần còn lại tại các doanh nghiệp trung gian từ 2 cá nhân là ông Tạ Xuân Thắng (SN 1981) và bà Châu Mộng Như (SN 1988).

Ngay trong tháng 1/2020, Super Solar Co., Ltd (thành viên của SEC) đã thành lập 3 pháp nhân mới tại Việt Nam là SSE Vietnam 1, SSE LN2 và SSE BP3 với quy mô vốn điều lệ lần lượt là 63 tỷ đồng, 50 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Trong đó, Super Solar chỉ nắm giữ 49% vốn, số cổ phần còn lại (51%) do các cổ đông là bà Châu Mộng Như và ông Tạ Xuân Thắng sở hữu. Tổng số tiền tối đa SEC dự kiến chi ra để mua lại số cổ phần từ các cá nhân người Việt trên vào khoảng 76,05 triệu USD. Tính ra, mỗi một cổ phần 4 pháp nhân trên được định giá gấp 8,3 lần. Nói cách khác, nhà đầu tư Việt Nam đã có một thương vụ đầy thành công: bỏ 1 đồng vốn, thu về 7,3 đồng lời.

Đến tháng 4/2020, SEC đã có thông báo về việc ký kết thỏa thuận khung đầu tư 3 dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2 và 3 (tổng công suất 550MW).

Tập đoàn Hưng Hải: Từ “ông trùm” đất hiếm đến đại gia năng lượng

Tháng 2/2019, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin CTCP Tập đoàn Hưng Hải đầu tư 12.000 tỷ đồng làm điện mặt trời ở Bình Phước (5 dự án từ Lộc Ninh 1-5). Thông tin gây bất ngờ đối với ngay cả không ít người trong cuộc vào thời điểm đó. Bởi với giới đầu tư, Hưng Hải không phải một tên tuổi đủ tầm cỡ, tương xứng với khoản đầu tư hơn nửa tỷ USD. Mà vốn điều lệ chỉ ở mức 200 tỷ đồng (cập nhật theo công bố gần nhất) là một bảo chứng cho nỗi băn khoăn đó, bên cạnh loạt lùm xùm về chậm triển khai, bị thu hồi dự án ở Lai Châu.

Hưng Hải có lịch sử hoạt động từ đầu những năm 2000, thuộc sở hữu của doanh nhân Lai Châu Trần Đình Hải. Hưng Hải bởi vậy cũng là doanh nghiệp có chỗ đứng ở Lai Châu, kinh doanh đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, khai thác mỏ, xây dựng cầu đường, và đặc biệt là thủy điện, khi được UBND tỉnh Lai Châu xác định là đối tác chiến lược, chỉ định nhiều dự án thủy điện lớn trên địa bàn.

Dù vậy, năng lượng tái tạo dường như mới là cuộc chơi chính của doanh nhân sinh năm 1964 Trần Đình Hải ở thời điểm hiện tại.

Ngoài 4 dự án đã bán cho Thái Lan, Hưng Hải còn dự án điện mặt trời Lộc Ninh 5 có công suất 50MW cũng đã ký hợp đồng PPA, và rất đáng chú ý, là dự án điện gió quy mô 600MW, vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng tại Gia Lai, đang được tỉnh này trình Thủ tướng và Bộ Công thương đề xuất bổ sung Quy hoạch.

Trở lại với 4 dự án Lộc Ninh 1-4, Tập đoàn Hưng Hải cùng các đơn vị thành viên là CTCP Năng lượng Nậm Na 3, CTCP Năng lượng Nậm Na 2, CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng, CTCP Đầu tư Vạn Thắng cùng các cá nhân Trần Đình Hải, Vũ Thành Trung, Nguyễn Văn Tuyền, Vũ Quang Trường trong cùng ngày 11/10/2018 đã chia nhau thành lập các doanh nghiệp dự án, với phần vốn chi phối (51-65%) do trực tiếp Tập đoàn Hưng Hải quản lý.

Không chỉ "xin" thành công dự án, nỗi lo đầu ra cũng nhanh chóng được gạt bỏ khi Hưng Hải được Bình Phước chỉ định thực hiện dự án công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV đấu nối các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Lộc Ninh vào hệ thống điện lưới quốc gia. Dự án có chiều dài đường dây gần 30km, tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.

Pháp lý hoàn chỉnh, đầu ra đảm bảo là những yếu tố giải thích vì sao Super Energy Corporation lại trả cái giá rất cao cho 4 dự án của Hưng Hải. Tập đoàn của đại gia Lai Châu cũng bởi vậy mà chắc hẳn đã nhận về khoản lợi nhuận không nhỏ, căn cứ theo tỷ lệ "1 vốn 7 lời".

Cẩn trọng vốn Trung Quốc tại lĩnh vực năng lượng

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng là rất cần thiết nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo cũng cần đặc biệt cân nhắc đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng, nhất là trong bối cảnh không ít doanh nghiệp trong nước "xin" dự án năng lượng rồi "sang tay" cho nhà đầu tư ngoại, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc.

Số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 4 tháng đầu năm, lượng nhà đầu tư từ Trung Quốc thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) của doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt với tổng vốn góp là hơn 230 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượt góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay tăng hơn 154 lượt giao dịch (tăng hơn 38%) với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu USD.

Ngay cả lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về an ninh quốc gia như: Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) hiện đã thuộc sở hữu của China Souther Power Grid Co.Ltd (chiếm 55% vốn), China Power International Holding Limited (CPIH) 40%. Hay dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh) cũng đã "rơi vào tay" Công ty One Energy Asia. Đáng chú ý, các nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ rót vốn vào dự án mà còn đóng vai trò nhà thầu xây dựng, như ở hàng loạt nhà máy: Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhiệt điện Hải Dương, Nhiệt điện Cẩm Phả, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mới đây nhất, 3 dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2, và 3 đã lựa chọn Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (China Power Construction - CPC) làm nhà thầu. Theo Weixin, ngày 28/5/2020, CPC và Công ty Chaoneng của Trung Quốc đã tổ chức hội nghị trực tuyến, chính thức ký kết hợp đồng phát triển dự án điện mặt trời 550MW tại Lộc Ninh, Việt Nam. Trong đó, ông Jormsup - Chủ tịch Tập đoàn Siêu Năng của Thái Lan (Super Energy Coporation - SEC) đã cùng các đối tác Trung Quốc là ông Quý Hiểu Dũng (Ji Xiaoyong, Tổng Giám đốc Power Construction International Corporation) và ông Phùng Thụ Vinh (Feng Shurongm, Chủ tịch Central South Institute) ký kết hợp đồng.

Sự hiện diện của nhà thầu Trung Quốc tại các dự án năng lượng cũng dấy lên nhiều quan ngại liên quan đến vấn đề kỹ thuật, vận hành, môi trường đã được Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ ra trong một báo cáo phát hành vào tháng 7/2019.

HOÀNG SƠN

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/dien-mat-troi-va-chieu-kinh-doanh-1-von-7-loi-cua-dai-gia-viet-111642.html