Diện mạo nông thôn Sơn La nhiều khởi sắc

Qua 8 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của tỉnh Sơn La đã có nhiều khởi sắc. Vào dịp cuối năm này, Sơn La đã có thêm nhiều xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Xã Huy Hạ đón bằng công nhận xã NTM

Bà con 31/31 bản, tiểu khu của xã Hát Lót, huyện Mai Sơn đã đồng sức đồng lòng, huy động nhiều nguồn lực tham gia xây dựng NTM. Cụ thể, xã đã huy động tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ xây dựng NTM lên tới trên 62 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 38,7 tỷ đồng, người dân 21,2 tỷ đồng, doanh nghiệp và các tổ chức khác hỗ trợ 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân còn tham gia 31.739 ngày công lao động để triển khai thực hiện.

Với đặc điểm và lợi thế là “vựa” sản xuất và buôn bán nông sản, Hát Lót đã tập trung nguồn lực vào xây dựng đường giao thông nông thôn để thuận tiện trong việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản cho bà con. Tiếp theo đó là xây dựng nhà văn hóa bản, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chỉnh trang nhà ở dân cư, xóa nhà tạm, vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa...

“Hát Lót đã biết phát huy lợi thế của vùng để phát triển sản xuất và xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Từ chủ trương chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng trên đất dốc theo hướng phát huy lợi thế mạnh gắn với tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của tỉnh, Hát Lót đã xây dựng được các mô hình kinh tế có hiệu quả, xuất hiện ngày càng nhiều các hộ nông dân sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao, sản phẩm không những tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu”, đại diện lãnh đạo xã Hát Lót cho biết.

Trong những mô hình đó, nổi bật là mô hình cải tạo vườn tạp, trồng mới cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Mô hình đã lan rộng ra toàn xã, đến nay xã đã có trên 800 ha cây ăn quả, tập trung vào các loại cây như xoài tượng da xanh, nhãn chín muộn, cây có múi (bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam...) sản lượng trên 10.000 tấn/năm.

Nông dân Hát Lót phát huy tối đa thế mạnh trồng cây ăn quả

Tỉnh Sơn La đã huy động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng 345 công trình thuộc chương trình xây dựng NTM, trong đó có 106 công trình trường lớp học, 65 công trình giao thông, 34 công trình nước sinh hoạt, 99 nhà văn hóa xã, bản...; nâng cấp và bê tông hóa 1.131 tuyến giao thông nông thôn.

Vào thời điểm này, khắp các đường bản, ngõ xóm, người dân Hát Lót đang tấp nập thu hoạch cam, bưởi... và tư thương, doanh nghiệp cũng tụ cả về đây để tiêu thụ nông sản cho bà con, trở thành ngày hội nông sản thực sự đối với xã vùng cao Hát Lót.

Trong chăn nuôi, bà con Hát Lót còn kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô lớn với tổng đàn gia cầm trên 93.000 con. Hầu hết các hộ ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã từ khâu giống, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Có thể kể đến HTX Ngọc Lan, Cam Nà Sản. Nhờ liên kết sản xuất – tiêu thụ mà thu nhập của người dân không ngừng tăng lên, năm 2018 ước đạt 31 triệu đông/người.

Xã Huy Hạ, huyện Phù Yên cũng vừa đạt chuẩn NTM, là xã thứ 2 của huyện Phù Yên đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Sơn La lên 19 xã. Năm 2010, Huy Hạ mới chỉ đạt được 4 tiêu chí, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn, bản, sự đồng thuận của nhân dân, mọi chủ trương, chính sách về xây dựng NTM sớm đi vào cuộc sống.

Và, một điểm tương đồng với hầu hết các xã xây dựng NTM ở Sơn La là, Huy Hạ cũng tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ và sức mạnh của nhân dân vào công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.Thực hiện chủ trương "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ xi măng", Huy Hạ đã huy động nhân dân đóng góp vật liệu và ngày công hơn 8,6 tỷ đồng và hiến hơn 8.100 m² đất thực hiện bê tông hóa 124 tuyến đường đến bản và nội bản với tổng chiều dài gần 12,5 km. Ngoài ra, Huy Hạ cũng đã đầu tư xây mới 11 công trình thủy lợi, 6 công trình trường lớp học, 16 công trình nhà văn hóa, 1 trạm y tế, đường điện…

Vì thế mà đến nay, sản lượng nông sản của Huy Hạ đã tăng mạnh, từ đó tạo sinh kế bền vững cho bà con. Đồng thời Huy Hạ cũng tích cực quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; giữ vững an ninh trật tự để chương trình xây dựng NTM thực sự mang đến ấm no hạnh phúc cho đồng bào.

Mường Bon về đích NTM

Xã Mường Bon, huyện Mai Sơn cũng vừa về đích NTM, nâng tổng số xã của huyện Mai Sơn lên 4 xã thông qua việc phát huy tối đa lợi thế của mình để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của xã dự kiến đạt 29,2 triệu đồng/người/năm.

Các chương trình lớn như chương trình phát triển cây cao su; chương trình trồng cây ăn quả phát huy lợi thế so sánh gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất... đã được Mường Bon thực hiện rất tốt và đem lại hiệu quả. Rất nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả xuất cao đã xuất hiện tại Mường Bon, mang lại thu nhập lớn, ổn định cho bà con, đồng thời tạo đà phát triển bền vững lâu dài cho Mường Bon.

Điển hình là mô hình nuôi cá thịt và kết hợp dịch vụ tại bản Mé, bản Ỏ. Mô hình chăn nuôi bò tại bản Bó Định, Bản Un, Bản Tà Xa, Lán Lanh. Mô hình sản xuất an toàn rau tại các bản Mai Tiên, Cút, Lẳm, Đoàn Kết. Mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm...

THANH HUYỀN – HƯNG GIANG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dien-mao-nong-thon-son-la-nhieu-khoi-sac-post231762.html