Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực

Khẳng định Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi bộ mặt ở nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên, thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra mới đây, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chương trình vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm và sớm có phương án giải quyết.

Sau 10 năm thực hiện, kết quả của Chương trình MTQG xây dựng NTM đang cho thấy, đây là chương trình phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của đại bộ phận nhân dân. Đến nay, bộ mặt nông thôn ở nhiều làng quê đang ngày càng khởi sắc, kinh tế phát triển khá, văn hóa, y tế, giáo dục có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… cơ bản được đầu tư xây dựng mới. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng lên.

Chợ trung tâm huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) được xây mới từ nguồn lực xây dựng NTM

Chợ trung tâm huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) được xây mới từ nguồn lực xây dựng NTM

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Mão – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Mặc dù đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhưng kết quả thực hiện mục tiêu NTM còn sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền. Trong đó, đồng bằng đạt 65%, miền núi mới chỉ 25%, số còn lại là 222 xã đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho Chương trình còn thấp so với nhu cầu thực tế.

"Ngay cả các văn bản hướng dẫn còn chưa thống nhất, không ổn định. Bộ tiêu chí quốc gia cũng còn nhiều bất cập. Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chậm phát huy, dẫn đến thiếu các mô hình kinh tế có hiệu quả với quy mô lớn, mang tính đột phá" - đại biểu Trần Văn Mão nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang - bổ sung: Thực tế, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô sản xuất nông hộ còn chiếm đa số. Trong khi đó, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các chỉ tiêu về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo và môi trường trong xây dựng NTM.

Để Chương trình Xây dựng NTM giai đoạn tới đạt mục tiêu đặt ra, đại biểu Trần Văn Mão kiến nghị triển khai một số giải pháp. Trong đó, hướng dẫn việc lồng ghép Chương trình MTQG với các chương trình, dự án khác để xây dựng NTM, hướng dẫn cụ thể về huy động nguồn lực trong nhân dân, tránh huy động quá sức dân; có hướng dẫn về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô trang trại, sản xuất hàng hóa; có cơ chế đặc thù đối với các huyện, điểm trong xây dựng NTM…

"Để tránh tình trạng "tái mất chuẩn" NTM, Chính phủ chỉ đạo các xã, huyện đã đạt NTM có lộ trình, kế hoạch cụ thể để duy trì, nâng cao các tiêu chí chuẩn quốc gia. Đồng thời, quan tâm đầu tư các xã chưa hoàn thành xây dựng NTM để bảo đảm chương trình được thực hiện theo đúng quy trình và đạt mục tiêu" - đại biểu Trần Văn Mão nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong phân bổ vốn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cần tính đến các nấc thang hệ số phân bổ vốn như: Quy định hệ số cấp tỉnh hoặc quy định hệ số theo 7 vùng trên cả nước. Trong đó, cần ưu tiên hệ số hỗ trợ cao hơn đối với tỉnh, vùng còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở hệ số cấp tỉnh hoặc vùng quy định hệ số phân bổ vốn đến cấp huyện, xã, trong đó cần tính đến hệ số hỗ trợ đối với xã, huyện thực hiện xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu.

Sau 10 năm thực hiện, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở nhiều làng quê theo hướng tích cực.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dien-mao-nong-thon-doi-thay-tich-cuc-148884.html