Diện mạo mới vùng nông thôn phía nam (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Xây dựng nông thôn mới kiểu mâũThành quả bước đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) tại một số địa phương phía nam rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để các địa phương này tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phát triển vùng nông thôn bền vững. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục, tháo gỡ…

Cán bộ Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh theo dõi sự sinh trưởng của hoa lan Dendrobium trồng trong nhà màng. Ảnh: CAO TÂN

Cán bộ Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh theo dõi sự sinh trưởng của hoa lan Dendrobium trồng trong nhà màng. Ảnh: CAO TÂN

Huy động nhiều nguồn lực

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xây dựng NTM, nhưng vùng nông thôn ngoại thành phát triển chưa thật sự bền vững. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sức cạnh tranh còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng khoa học - công nghệ và các nguồn lực của thành phố, cũng như chưa bảo đảm yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...

Ðể nâng cao chất lượng xây dựng NTM theo đặc thù riêng, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo xuống dưới 1%; thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 63 triệu đồng/người/năm; toàn bộ 56 xã và năm huyện ngoại thành hoàn thành chương trình NTM theo bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn thành phố; đưa giá trị sản xuất nông nghiệp đạt từ 600 - 650 triệu đồng/ha/năm.

Là địa phương đã có 100% xã đạt chuẩn NTM, nhưng tỉnh Bình Dương đang đối mặt nhiều thách thức như: Ðầu ra sản phẩm nông nghiệp trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn; quỹ đất hạn chế dẫn đến chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; đời sống của một bộ phận nông dân còn gặp khó khăn. Tỉnh chưa phát huy hết nội lực trong việc tạo nguồn vốn xây dựng NTM, nhất là các nguồn lực từ các doanh nghiệp trên địa bàn…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết, khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, Bình Dương tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên cho những công trình cấp bách như nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, cơ sở y tế, văn hóa, trường học. Cùng với đó, xây dựng, chỉnh trang giao thông, cây xanh, cảnh quan môi trường trong các khu dân cư nông thôn để xây dựng môi trường sống văn minh, xanh, sạch, đẹp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết, quá trình xây dựng NTM của tỉnh cũng gặp những hạn chế như sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật bền vững, tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" vẫn xảy ra. Ðời sống nông dân tuy được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng, nhất là đối với những hộ thuần nông. "Khu vực nông thôn ở Ðồng Nai đã có bước đổi mới và phát triển, nhưng cảnh quan môi trường một số nơi chưa thật sự sáng - xanh - sạch - đẹp; kết cấu hạ tầng chưa mang tính hiện đại. Một số địa phương tuy đạt chuẩn, nhưng có tiêu chí còn thiếu tính bền vững. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi vẫn xảy ra", ông Huỳnh Thành Vinh nhìn nhận.

Tính đến hết quý I năm 2019, toàn tỉnh Bình Phước mới chỉ có 35 xã đạt chuẩn NTM trong tổng số 90 xã chọn điểm xây dựng NTM. Trong số 13 xã được chọn để về đích NTM trong năm 2019, chỉ có một xã đạt 17 tiêu chí, năm xã đạt 16 tiêu chí, bốn xã đạt 15 tiêu chí và có tới ba xã chỉ đạt từ 12 đến 15 tiêu chí. Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Bình Phước Lường Văn Hải cho biết, các tiêu chí tại 13 xã chưa đạt chủ yếu là những tiêu chí khó, cần nhiều vốn nhưng chưa được bố trí đủ vốn để hoàn thiện. Một số xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao dẫn đến khó khăn trong huy động vốn đối ứng của nhân dân… Tỉnh Bình Phước và các huyện đang cố gắng cân đối bố trí thêm nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án tập trung cho các xã được chọn xây dựng NTM đúng tiến độ. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đầu tư nhằm tạo ra nguồn lực để giúp các xã nghèo phát triển kinh tế - xã hội…

Nâng cao chất lượng nông thôn mới

Cụ thể hóa mục tiêu xây dựng NTM có tính đặc thù, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp thành phố trở thành trung tâm sản xuất giống, cung cấp giống chủ lực cho khu vực phía nam. Ðơn vị đầu tư nghiên cứu giống là các viện, trường, cơ quan nhà nước; đơn vị chủ lực trong sản xuất giống là doanh nghiệp, còn hợp tác xã là các đơn vị vệ tinh. Tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, tăng giá trị gia tăng đối với sản phẩm nông nghiệp. Tăng đầu tư ngân sách vào công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, lai tạo, sản xuất nhiều giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, tạo bước đột phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp không chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà cho cả phía nam. Cùng với đó, tập trung giải quyết việc làm cho lao động vùng nông thôn, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, thành phố luôn xác định xây dựng NTM là một quá trình, theo hướng đi lên, do đó phải thường xuyên tập trung thực hiện các giải pháp duy trì, ngày một nâng cao chất lượng các tiêu chí để phát triển bền vững. Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố ban hành bộ tiêu chí về NTM theo đặc thù vùng nông thôn thành phố trên cơ sở hoàn thiện, bổ sung, nâng chất lượng tiêu chí hiện có. Ðây được coi là đích đến để nâng cao chất lượng đời sống của cư dân nông thôn ở các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, tinh thần.

Tháng 7-2018, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quy định tiêu chí, chỉ tiêu xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020. Trên cơ sở đó, phấn đấu trong năm 2019 có hai xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai khẳng định, năm 2019, Bình Thuận xác định chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, tập trung chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả. Xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động hiệu quả; mô hình liên kết giữa nông hộ, hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác; xây dựng mô hình sản xuất quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực của từng huyện. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lấy hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân làm mục tiêu chuyển đổi. Ðối với xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, tiếp tục duy trì, giữ vững, bảo đảm phát triển bền vững và thực hiện nâng cao các tiêu chí, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu.

Là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng NTM, tỉnh Ðồng Nai luôn đặt mục tiêu không ngừng nâng chất lượng phong trào. Sau khi có 15 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2013, Ðồng Nai đã ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao của tỉnh để duy trì và thúc đẩy NTM tiếp tục phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Ðến nay, đã có 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Xuân Lộc là huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Ðồng Nai. Ðầu năm 2019, UBND tỉnh Ðồng Nai đã phê duyệt đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Theo đó, phấn đấu 100% các hộ trên địa bàn được sử dụng nước sạch, không còn hộ nghèo; tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập một cách bền vững cho người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết: "Người dân đóng vai trò chủ thể, cùng tham gia với cấp ủy, chính quyền thực hiện NTM kiểu mẫu thì người dân phải được thụ hưởng đầu tiên từ những thành tựu xây dựng NTM kiểu mẫu. Với nội lực sẵn có cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay, góp sức của người dân, đặt mục tiêu đến năm 2020, Xuân Lộc trở thành huyện NTM kiểu mẫu của cả nước là hoàn toàn khả thi".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, từ chủ trương ban đầu là chú trọng chất lượng với mục đích chính nâng cao đời sống cư dân nông thôn, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã có bước đi vững chắc, đúng hướng. Ðến năm 2020, Bình Dương phấn đấu có từ 12-15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; 100% huyện, thị xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành xây dựng NTM.

----------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14-5-2019.

Nhóm phóng viên CQTT tại TP Hồ Chí Minh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/40202402-dien-mao-moi-vung-nong-thon-phia-nam-tiep-theo-va-het.html