Diện mạo mới vùng nông thôn phía nam (Kỳ 1)

Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, nhiều địa phương ở phía nam đã về đích sớm. Diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Thực tế triển khai chương trình xây dựng NTM cho thấy nhiều địa phương có cách làm hay, tạo sự lan tỏa rộng, hướng đến xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu...

Một góc huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận).Ảnh: ĐÌNH CHÂU

Một góc huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận).Ảnh: ĐÌNH CHÂU

Bài 1: Đồng thuận vào cuộc

Từ khu vực biên giới tây nam đến hải đảo xa xôi và các địa phương có tiềm lực mạnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam đều tích cực vào cuộc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Nhờ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân, nhiều địa phương đã sớm về đích xây dựng NTM...

Những địa phương “về đích” sớm

Sau hơn tám năm thực hiện, Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình xây dựng NTM với toàn bộ 133 xã được công nhận đạt chuẩn, trong đó 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn bộ 11 đơn vị cấp huyện của Đồng Nai cũng được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết, dù là tỉnh có thế mạnh phát triển công nghiệp, nhưng vẫn còn khoảng 60% số dân sống ở vùng nông thôn cho nên việc đầu tư cho “tam nông” luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt. Trước khi có chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Đồng Nai đã chủ động thực hiện xây dựng nông thôn “bốn có”, gồm: Có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt, bảo đảm an ninh và có môi trường sinh thái phát triển bền vững.

Bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đồng Nai luôn xác định lấy người nông dân làm trung tâm, vừa là người thực hiện, vừa là người thụ hưởng thành quả. Nhờ vậy, chương trình được đông đảo người dân tích cực hưởng ứng. “Gần 10 năm qua, 88% tổng nguồn vốn khoảng 330 nghìn tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đến từ sự đóng góp của người dân và các doanh nghiệp”, Giám đốc Sở NN và PTNT Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết.

Tại tỉnh Bình Dương, với hai xã An Bình, Phước Hòa (huyện Phú Giáo) và xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng) được công nhận đạt chuẩn NTM vào tháng 3-2019, tỉnh cũng đã về đích khi tất cả 46 xã hoàn thành xây dựng NTM. Đáng chú ý, Bình Dương không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Giám đốc Sở NN và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông chia sẻ: “Lúc đầu triển khai xây dựng NTM tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2011, toàn tỉnh chỉ có một xã đạt 15 tiêu chí, còn lại mới đạt từ ba đến 10 tiêu chí; một số địa phương còn lúng túng trong thực hiện. Thực hiện chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đã huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng vào cuộc; các nội dung triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đều được đưa vào nghị quyết đảng bộ và kế hoạch hành động của chính quyền các cấp...”. Ban đầu, Bình Dương chọn năm xã điểm tập trung xây dựng đạt chuẩn NTM trước, từ đó rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn và chọn những cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng ra các xã còn lại.

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng NTM từ năm 2015. Diện mạo nông thôn của 56 xã thuộc năm huyện ngoại thành: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ đã khởi sắc hơn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; có sự thay đổi cơ bản về tư duy, tập quán canh tác và sinh hoạt. Nhiều hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả được hình thành đã thúc đẩy phát triển ngành nghề phi nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động vùng nông thôn.

Giai đoạn 2016 - 2020, TP Hồ Chí Minh thực hiện theo bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn của thành phố trong xây dựng NTM. Sau ba năm thực hiện, đến cuối năm 2018, bình quân mỗi xã đã đạt 15,2 trong số 19 tiêu chí, trong đó, hai xã Thái Mỹ và Phước Hiệp (huyện Củ Chi) đạt toàn bộ các tiêu chí.

Ngoài những tỉnh, thành phố sớm về đích, một số địa phương khác cũng đang dốc sức hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Tỉnh Bình Thuận đến nay đã có 56 trong số 96 xã đạt chuẩn NTM. Năm nay, Bình Thuận phấn đấu có thêm bốn xã đạt chuẩn NTM và TP Phan Thiết hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tại Long An, toàn tỉnh đã có 74 trong số 166 xã đạt chuẩn NTM; trong đó 100% số xã của huyện Châu Thành đã đạt chuẩn NTM. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2019 là huyện Châu Thành sẽ đạt chuẩn huyện NTM và đến năm 2020, TP Tân An hoàn thành xây dựng NTM...

Nhiều cách làm thiết thực

Bí thư Huyện ủy Tân Phú (Đồng Nai) Trần Bá Đạt cho biết, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị giúp địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, tạo sự bứt phá trong phát triển sản xuất, giúp thu nhập bình quân của người dân nông thôn huyện năm 2018 đạt hơn 50 triệu đồng/người, cao gấp ba lần so với năm 2011. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương như điện, đường, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp... được đầu tư đồng bộ.

Chúng tôi đến xã Thanh Sơn, một xã được xem là khó khăn nhất của huyện Tân Phú, cũng đã hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2018. Hầu hết người dân ở xã Thanh Sơn đã thoát nghèo. Trước đây, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, đời sống khó khăn. Từ sự vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hướng dẫn của ngành chức năng, nhiều hộ nông dân sau khi thu hoạch hai vụ lúa đã trồng thêm một vụ rau xen canh cho thu nhập cao.

Chỉ vào vườn mướp, bí đao, khổ qua (mướp đắng) xanh mướt, chị Đỗ Thị Thơm, ở ấp 4, xã Thanh Sơn cho biết: “Bảy sào rau trồng 45 ngày cho thu hoạch gần 30 triệu đồng. Trước đây, trồng lúa hai vụ mất sáu tháng nhưng được mùa cũng chỉ thu về hơn 20 triệu đồng, còn lại là thời gian đất bỏ hoang”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Nguyễn Ngọc Mạnh, trong tám năm xây dựng NTM, nguồn vốn xã hội hóa đã đóng góp hơn 60% trong tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cho thấy sự đồng thuận rất cao của người dân địa phương cùng chung tay xây dựng NTM.

Từ năm 2015, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM nhờ cách làm khá bài bản. Huyện ủy Dầu Tiếng phân công mỗi Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt các xã trong quá trình xây dựng NTM gắn với chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác tại địa phương. Cùng với đó, chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng để đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân nắm bắt, đồng thuận chủ trương, các mục tiêu xây dựng NTM, từ đó cùng tham gia thực hiện.

Sau tám năm xây dựng NTM, nhiều vùng nông thôn của tỉnh Long An đã có sự thay đổi rõ rệt. Tỉnh đã vận động nhiều người dân đóng góp để cùng xây dựng NTM. Người dân huyện Châu Thành đóng góp hơn 82 tỷ đồng, người dân huyện Tân Trụ đóng góp hơn 100 tỷ đồng để bê-tông hóa đường giao thông nông thôn. Ở huyện biên giới Vĩnh Hưng, nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất trị giá hàng tỷ đồng để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa ấp. Riêng hộ ông Nguyễn Hữu Khanh, ở ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng đã hiến 2.200 m2 đất trị giá khoảng 1,1 tỷ đồng để địa phương có mặt bằng xây dựng nhà văn hóa ấp. Ông Khanh chia sẻ: “Lâu nay, người dân còn thiếu chỗ hội họp, sinh hoạt chung, do vậy, khi chính quyền địa phương vận động hiến đất xây dựng nhà văn hóa ấp tôi đồng ý ngay”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Châu Thành (Long An) Bùi Văn Hòn cho biết, nhờ áp dụng nhiều mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả, thu nhập bình quân của người dân trong xã tính đến cuối năm 2018 đạt 61 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,3 lần so với thời điểm đầu năm 2016. Toàn xã giờ chỉ còn hai hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo.

Nằm ở vùng biên giới thuộc huyện Lộc Ninh (Bình Phước), năm 2018, xã Lộc Tấn đặt mục tiêu về đích xây dựng NTM. Để giúp xã hoàn thành tiêu chí về giao thông, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức ra quân xây dựng 15 tuyến đường giao thông tại xã với tổng chiều dài hơn 16 km, kinh phí hơn 10 tỷ đồng, dự kiến cần 15.975 ngày công. Với sự vào cuộc tích cực của nhiều lực lượng, chỉ sau 14 ngày, 15 tuyến đường đã hoàn thành, giúp xã Lộc Tấn “về đích” xây dựng NTM đúng hẹn.

Huyện Phú Quý (Bình Thuận), do nằm giữa biển khơi, trên đảo lại không có sông suối, cho nên việc đạt tiêu chí NTM về giao thông, nước sinh hoạt là hết sức khó khăn. Lâu nay, nguồn nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất đều được khai thác từ mạch nước ngầm trên đảo. Năm 2013, Huyện ủy Phú Quý chỉ đạo tập trung trồng cây xanh, xây bể chứa nước mưa, hố ga thẩm thấu nước. Nhờ vậy, hơn 50.000 cây xanh đã được trồng ở nhiều tuyến đường, trụ sở làm việc và khu vực công cộng; phong trào xây bể chứa nước mưa, hố ga thẩm thấu nước được người dân đồng tình hưởng ứng tích cực, góp phần tích giữ nguồn nước ngọt quý hiếm, hạn chế việc khai thác nước ngầm, tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đến nay, tất cả người dân đảo Phú Quý được sử dụng nước ngọt, trong đó hơn 80% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia; 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Năm 2016, huyện đảo Phú Quý đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Bình Thuận...

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên CQTT tại TP Hồ Chí Minh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/40180802-dien-mao-moi-vung-nong-thon-phia-nam-ky-1.html