Diện mạo mới ở vùng quê cách mạng Thanh Cao

Xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) - mảnh đất anh hùng cách mạng đang thay da đổi thịt từng ngày trong thời kỳ đổi mới nhờ bàn tay chăm chỉ, cần cù của những con người nơi đây.

Vùng quê anh dũng, kiên cường

Trong cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1939 - 1945, cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ do Đảng lãnh đạo đã tác động đến nhận thức và tinh thần đấu tranh của Nhân dân Thanh Cao. Năm 1942, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng nhà pháo Bình Đà, hai tổ chức cứu quốc thôn Ninh Dương và Cao Mật Hạ (xã Thanh Cao) lần lượt ra đời. Phong trào cách mạng được đẩy mạnh, các quần chúng cứu quốc ở Ninh Dương ban ngày lao động ở nhà pháo, ban đêm làm nhiệm vụ cảnh giới, rải truyền đơn và treo cờ ở nhiều nơi trong huyện. Cơ sở cách mạng thôn Ninh Dương đã trở thành địa điểm giao liên thường xuyên của Xứ ủy và Tỉnh ủy với cơ sở cách mạng ATK ở Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa).

Nhà văn hóa thôn Ninh Dương, xã Thanh Cao. Ảnh: Ánh Ngọc

Khi nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng, không khí cách mạng ở Thanh Cao sôi sục hơn bao giờ hết, Nhân dân nô nức may cờ, sắm vũ khí chuẩn bị tư thế sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền. Là một trong hai người chứng kiến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám còn sống đến nay, cụ Nguyễn Văn Bùi (87 tuổi) hồi tưởng về cuộc míttinh lớn được tổ chức tại đình làng Ninh Dương với cờ đỏ Sao vàng tung bay phấp phới, có tự vệ võ trang với gươm giáo chỉnh tề đứng bảo vệ... Rồi có cả lễ chào cờ và nghi lễ bắn súng, tiếp đến là những tiếng hô vang động đất trời "Việt Minh muôn năm!", "Việt Nam độc lập muôn năm!".
Sau khi giành độc lập, ngay trong tháng 9/1945, hưởng ứng "Tuần lễ vàng", người Thanh Cao đã ủng hộ nhiều của cải cho Chính phủ lâm thời. Thực hiện lời kêu gọi “chống giặc đói, giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Thanh Cao đã tiết kiệm được hàng tạ gạo cứu đói đồng bào; đêm đêm, khắp xóm làng vang lên tiếng học i tờ từ các lớp bình dân học vụ.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân Thanh Cao còn tiếp đón, bảo vệ nhiều cơ quan T.Ư Đảng, Chính phủ và đồng bào Hà Nội tản cư về. Đơn cử như ở đình Cao Mật Thượng, đồng chí Huỳnh Thúc Kháng - Phó Chủ tịch nước về ở, làm việc trong suốt một tháng. Ngày 27/3/1947, thực dân Pháp mở trận càn phá hoại vào Thanh Cao, song chúng không thu được kết quả gì do Nhân dân trong xã đã tích cực triệt để tiêu thổ kháng chiến, tản cư sang bên kia sông Đáy, tài sản lương thực được cất giấu chu đáo. Ngày 19/5/1947, Chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Thanh Cao ra đời, từ đây khí thế cách mạng càng thêm sôi nổi, phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh.
Hoạt động cách mạng nổi bật nhất ở Thanh Cao phải kể đến phong trào "rào làng kháng chiến". Các hàng rào bằng tre dựng kiên cố quanh làng như một bức tường vững chắc. Các lối đi trong xóm, ngoài vườn đều có hố chông đào sâu, ngụy trang cẩn thận. Hệ thống hầm bí mật ở các thôn cũng nhanh chóng được hình thành để bảo vệ cán bộ, du kích, cất giấu vũ khí trong điều kiện địch càn quét chiếm đóng. Việc vận động thanh niên nhập ngũ được đẩy mạnh, chính quyền cách mạng và các đoàn thể tiếp tục được củng cố.
Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Nhân dân Thanh Cao đã đóng góp cho cách mạng 300 tấn thóc, 30 tấn thịt lợn hơi, 121 thanh niên lên đường tòng quân, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Khi đế quốc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, Thanh Cao lại dồn sức phát triển sản xuất, chi viện tối đa cho miền Nam ruột thịt, cùng Nhân dân miền Bắc khôi phục kinh tế sau chiến tranh.
Diện mạo mới
Người dân Thanh Cao hôm nay đang không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương đổi mới. Những thửa ruộng năm xưa “đồng trắng, nước trong” nay đã được thay thế bằng những ô thửa lớn; những vùng lầy lội đã được cải tạo thành những ao hồ nuôi trồng thủy sản, những vườn tạp được quy hoạch trồng cây ăn quả, rau an toàn…
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Cao Nguyễn Văn Hải cho biết, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giá trị sản xuất nông nghiệp đã tăng lên rõ rệt, bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn xã đã hình thành một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như trồng hoa lan bằng phương pháp cấy mô, trồng dưa lưới, nuôi ốc, nuôi gà đẻ… Khu chuyển đổi 35ha trồng cây ăn quả, sau 2 năm thực hiện đã bắt đầu thu hoạch những trái ngọt đầu tiên… Vì thế thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2017 đạt 38,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%.
Xác định mục tiêu cao nhất của chương trình nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, Thanh Cao ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xây dựng các công trình phúc lợi. Đến nay, trạm y tế và 3 trường học của xã đều đạt chuẩn quốc gia, cả 6 thôn đều có nhà văn hóa khang trang, đảm bảo cơ sở vật chất. Trưởng thôn Thanh Thần Lê Bá Chung chia sẻ: “Thành công nhất của Thanh Cao không thể không nhắc tới là chuyển 2 chợ tạm ven đường để thành lập chợ trung tâm mới. Kết quả này là nhờ sự đồng thuận của cán bộ và người dân từ những việc nhỏ nhất”.
Thanh Cao cũng là xã tiêu biểu của huyện Thanh Oai về huy động xã hội hóa xây dựng NTM. Không chỉ đóng góp về tiền mặt, ngày công lao động, nhiều hộ gia đình còn tự nguyện hiến đất xây dựng công trình phúc lợi. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2016, người dân đã tự nguyện đóng góp 14,6 tỷ đồng vào công trình nhà văn hóa, đình, chùa, đường giao thông. Năm 2017, Thanh Cao được TP công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đời sống của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn đang khởi sắc từng ngày.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dien-mao-moi-o-vung-que-cach-mang-thanh-cao-324247.html