'Diện mạo' mới nhất của 12 đại dự án 'đắp chiếu' của ngành Công Thương

Đến nay, tình hình xử lý 12 doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương đã có những bước tiến đáng kể, sẵn sàng đưa một số dự án ra khỏi danh sách thua lỗ. Tuy nhiên, xử lý triệt để vấn đề tại các dự án này vẫn phải đối mặt không ít khó khăn, vướng mắc.

Nhà máy đạm Ninh Bình là 1 trong số những dự án thua lỗ điển hình đã được cơ cấu lại khoản nợ. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nhà máy đạm Ninh Bình là 1 trong số những dự án thua lỗ điển hình đã được cơ cấu lại khoản nợ. Ảnh: Nguyễn Thanh

Có lãi, giảm lỗ nhưng chưa bền vững

Chính phủ mới đây đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội khóa XIV về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.

Cụ thể, đối với 6 dự án trước đây có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ: Đến năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019 đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1- Hải Phòng lợi nhuận sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng và Nhà máy thép Việt-Trung lợi nhuận sau thuế đạt 270,730 tỷ đồng). Tuy nhiên, do khó khăn của thị trường, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.

4 dự án còn thua lỗ đang từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm lỗ nhưng do tình hình thị trường diễn biến khó khăn nên kết quả chưa bền vững. Cụ thể, so với năm 2017, năm 2018, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 342 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai giảm lỗ 208,8 tỷ đồng; Nhà máy đạm Ninh Bình giảm lỗ 417,2 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2018, 8 tháng đầu năm 2019, Nhà máy đạm Ninh Bình giảm lỗ 284,6 tỷ đồng nhưng Nhà máy đạm Hà Bắc tăng lỗ 138,9 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai tăng lỗ 94,25 tỷ đồng; Công ty DQS giảm lỗ 46,47 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: Đối với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay có 1 dự án đã vận hành trở lại, 2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất.

Cụ thể, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ tự vận hành sản xuất 3 dây chuyền DTY từ ngày 20/4/2018.

Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã tiến hành sản xuất theo Hợp đồng hợp tác gia công với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) từ tháng 10/2018 đến 4/2019 sản xuất ra 2.000 m3 ethanol đạt chất lượng. Tuy nhiên, do việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá sắn cao nên đối tác đã không thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2019 và đã dừng hợp tác.

Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa, sẵn sàng khởi động trở lại, tuy nhiên do diễn biến thị trường không thuận lợi nên các bên quyết định chưa vận hành lại nhà máy.

Còn lại 3 dự án xây dựng dở dang: Với Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Tổng công ty giấy Việt Nam đã trình Bộ Công Thương phương án để tiếp tục xử lý và tổ chức triển khai bán đấu giá Dự án lần thứ 2 theo quy định.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên hiện cũng chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng tổng thầu (EPC) với Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.

Thách thức quyết toán hợp đồng EPC

Hiện nay, việc giải quyết các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương được xác định vẫn đối diện nhiều khó khăn cố hữu, “vắt” từ năm này qua năm khác chưa giải quyết được.

Trước hết là vấn đề xử lý tranh chấp để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay có 7 dự án doanh nghiệp phát sinh vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đề ra.

Một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử. Điển hình như 3 dự án nhà máy sản xuất phân bón (đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 2-Lào Cai), các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định về giải quyết tranh chấp.

Nhóm khó khăn, vướng mắc thứ hai là xử lý vấn đề tài chính để giải quyết khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo nguyên tắc Nhà nước không cấp thêm vốn và các dự án, doanh nghiệp, cổ đông phía Nhà nước ở một số dự án. Doanh nghiệp lúng túng trong việc quyết định chủ trương góp thêm vốn để có nguồn lực tài chính giải quyết khó khăn cho dự án, nhất là việc xác định nguồn của doanh nghiệp phía Nhà nước dự kiến sẽ góp thêm vào dự án là vốn nhà nước hay vốn của doanh nghiệp.

Cụ thể, một số dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay vốn theo phương thức “thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần” dẫn đến thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh và làm giá thành nguyên liệu tăng cao.

Bên cạnh đó, một số dự án, doanh nghiệp chưa được giãn khấu hao và tái cơ cấu lại các khoản nợ vay nên tiếp tục khó khăn trong bố trí nguồn tài chính để xử lý các tồn tại, vướng mắc và sắp xếp vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh (Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyestes Đình Vũ, Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi...).

Một khó khăn nổi cộm khác không thể không “điểm danh” là xử lý việc xây dựng phương án và thực hiện thoái vốn. Ngoại trừ Dự án Nhà máy sản xuất đạm DAP số 1-Hải Phòng và Nhà máy thép Việt-Trung đang có lãi, các dự án, doanh nghiệp còn lại đều thua lỗ hoặc dừng hoạt động nên không nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Bên cạnh đó, các dự án, doanh nghiệp còn tranh chấp hợp đồng EPC nên chưa quyết toán được toàn bộ dự án, chưa có cơ sở để xác định giá trị dự án, doanh nghiệp thoái vốn.

Thời gian tới, giải pháp đặt ra để tiếp tục xử lý các dự án, doanh nghiệp là tập trung cao để xử lý các vướng mắc, tranh chấp ở các hợp đồng EPC, làm cơ sở để xử lý dứt điểm việc quyết toán hoàn thành dự án và các vấn đề khác có liên quan. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất, phải tập trung xử lý được trong thời gian sớm nhất.

Đối với các doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp đổi mới quản trị doanh nhiệp, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch thị trường… để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp một cách bền vững.

Bên cạnh đó, xem xét đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đối với các dự án, doanh nghiệp đã hoàn thành cơ bản việc xử lý các tồn tại, vướng mắc, sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi; thực hiện ngay đối với Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm DAP số 1-Hải Phòng…

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dien-mao-moi-nhat-cua-12-dai-du-an-dap-chieu-cua-nganh-cong-thuong-113746.html