Diện mạo mới cho chợ truyền thống

Từ lâu, chợ truyền thống có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống người dân Thủ đô. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội đã xuống cấp, không đáp ứng được các nhu cầu của người dân cũng như xu thể mới. Vì vậy, việc cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại, nhưng vẫn bảo đảm các yếu tố về văn hóa là giải pháp cần được đặt lên hàng đầu.

Chợ Hôm - Đức Viên là một trong số chợ thu hút khá đông khách du lịch. Ảnh: Đức Hà

Trong những năm qua, mặc dù Hà Nội đã xây dựng rất nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích lớn nhỏ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, với thói quen mua sắm của người tiêu dùng, chợ truyền thống vẫn có một vai trò hết sức quan trọng. Nhờ yếu tố tiện lợi, việc mua bán tại chợ truyền thống đã ăn sâu vào tâm lý, thói quen tiêu dùng của người dân. Với yếu tố tiện lợi, dễ mua, chợ truyền thống còn nhiều thực phẩm phong phú, nhất là một số khu chợ vẫn có người đem sản phẩm trực tiếp của họ làm ra đi bán.

Bên cạnh những yếu tố tiện lợi, điểm yếu của chợ truyền thống là khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Phần lớn các chợ còn xập xệ, nhếch nhác, nhất là khu vực bán thủy, hải sản, gia cầm. Những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực cải tạo chợ truyền thống, song, đã có những trường hợp thất bại. Nhu cầu phát triển ngày càng cao, vì vậy việc mua sắm của người dân cũng dần thay đổi. Để đáp ứng nhu cầu này, việc cải tạo các chợ truyền thống để phù hợp với cảnh quan chung của đô thị là việc cần làm. Tuy nhiên, hiện đại hóa các chợ truyền thống không có nghĩa là phải bị biến thành các trung tâm thương mại hoặc đưa xuống tầng hầm của một trung tâm thương mại.

Trước thực trạng để bảo tồn, duy trì cũng như phát triển những nét văn hóa chợ rất riêng của Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã phối hợp HealthBridge (Nhịp cầu sức khỏe - Ca-na-đa) và Tổ hợp sáng tạo kiến trúc - xây dựng - nghệ thuật AGOhub tổ chức dự án nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội”. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, những kiến trúc sư tham gia dự án sẽ được chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phát triển chợ truyền thống trong đô thị tại các nước trên thế giới, cùng nghiên cứu và phát triển các đề xuất để bảo tồn nét văn hóa và nâng cấp không gian chợ.

Ðầu tháng 11 vừa qua, các kiến trúc sư đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát chuyên sâu về tiềm năng phát triển kinh tế, hướng đến phát triển thêm các không gian công cộng, cũng như tiềm năng kết nối du lịch cho 3 khu chợ đang sắp được nâng cấp của TP. Hà Nội gồm chợ Châu Long, chợ Ngọc Lâm và chợ Hạ - Mê Linh.

Thông qua các khảo sát chuyên sâu, các kiến trúc sư sẽ đề xuất những giải pháp giúp khu chợ trở nên hấp dẫn hơn; đồng thời, bảo đảm khả năng tiếp cận của cộng đồng, tiếp tục là không gian mua bán - sinh hoạt của cộng đồng dân cư, song vẫn bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, việc vận hành các gian hàng hiệu quả. Chú trọng đến yếu tố có thể kết nối du lịch với chợ, căn cứ vào những lợi thế hiện có. Chẳng hạn như chợ Châu Long có vị trí gần các điểm du lịch, một mặt quay ra hồ Trúc Bạch có phong cảnh đẹp; chợ Ngọc Lâm nằm ngay phía dưới chân cầu Long Biên, sát với chợ ẩm thực Ngọc Lâm dọc sông Hồng...

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, tiến tới đề xuất giải pháp, song có thể nói đây là cách tiếp cận mới đối với việc cải tạo chợ truyền thống. Trong đó, yếu tố tập quán mua bán của người dân được quan tâm hơn. Việc định hướng kết nối du lịch với một số chợ này hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế, chính hoạt động trải nghiệm không gian chợ truyền thống - trải nghiệm ẩm thực địa phương mới là yếu tố thu hút khách du lịch.

Mong rằng, những kết quả của nghiên cứu về cải tạo chợ truyền thống sẽ được quan tâm đúng mức, từ đó đi vào triển khai trên thực tế. Qua đó giúp chợ truyền thống giữ được nét văn hóa vốn có, đồng thời, đáp ứng được những tiêu chuẩn của một đô thị hiện đại, thu hút du khách mỗi khi đến tham quan tại Thủ đô.

Quốc Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dien-mao-moi-cho-cho-truyen-thong-83034.html