Diện mạo mới cho chợ truyền thống trong đô thị Hà Nội

Trong thời gian qua, rất nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội đã biến mất, trở thành những 'tổ hợp' thương mại. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình này đã không thành công. Diện mạo mới cho chợ truyền thống trong đô thị là vấn đề đang được các chuyên gia trong lĩnh vực này nghiên cứu để có hướng đi thích hợp.

Diện mạo mới cho chợ truyền thống trong đô thị Hà Nội

Chợ truyền thống (hay thường được gọi là chợ dân sinh) là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống và đồ dùng dân dụng, đã quen thuộc đối với nhiều thế hệ người Việt. Đây cũng thường là nơi đầu tiên bạn có thể tìm thấy các sản phẩm địa phương, cũng như có được bức tranh văn hóa sinh hoạt của người dân nơi đó.

Với người Việt Nam, đi chợ không chỉ là để mua bán, mà còn để giao lưu trao đổi câu chuyện và văn hóa giữa các nhóm khác nhau. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, Hà Nội đã phá bỏ nhiều chợ để xây trung tâm thương mại với mục tiêu muốn Hà Nội cũng hiện đại như các nước phát triển. Các chợ truyền thống này đang dần bị thay thế bởi các chuỗi cửa hàng tiện lợi và các siêu thị, khiến khu vực đô thị cũng mất dần những yếu tố văn hóa này.

Tại nước Mỹ, hệ thống chợ truyền thống đã bị khai tử từ những năm 1950, và thay thế hoàn toàn bằng các siêu thị hiện đại và tiêu chuẩn. Tuy nhiên hiện nay, chính người Mỹ lại đang cố gắng để mở lại các khu chợ ngày xưa, vì những lợi ích mà đã bị bỏ qua. Theo thời gian, họ đã nhận ra việc quan trọng của những khu chợ như một không gian công cộng, một nơi quảng bá sản phẩm địa phương, hay đơn giản là một không gian mang lại sinh khí cho những khu dân cư xung quanh thông qua các hoạt động và sự kiện cộng đồng. Không những thế, những khu chợ có thể tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm tiểu thương và những người làm việc liên quan, góp phần thúc đẩy các mô hình kinh tế nhỏ lẻ của vùng.

Để bảo tồn, duy trì cũng như phát triển những nét văn hóa chợ rất riêng của Việt Nam, Tổ chức HealthBridge phối hợp cùng Hội Kiến trúc sư Hà Nội và Tổ hợp sáng tạo kiến trúc - xây dựng - nghệ thuật AGOhub tổ chức dự án nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội”.

Ông Steve Davies - đồng sáng lập và Phó Chủ tịch điều hành Tổ chức Project for Public Spaces (PPS - Hoa Kỳ) - chia sẻ: Trong khuôn khổ dự án, chúng tôi nghiên cứu chuyên sâu về 3 khu chợ đang sắp được nâng cấp của TP. Hà Nội, với nhiều tiềm năng phát triển không chỉ về kinh tế, mà còn hướng đến các tiềm năng về việc phát triển thêm các không gian công cộng, cũng như tiềm năng kết nối du lịch cho khu vực, gồm chợ Châu Long, chợ Ngọc Lâm và chợ Hạ - Mê Linh.

Dự án bao gồm chuỗi đào tạo kéo dài 4 ngày (từ ngày 29/10 - 2/11/2018), được điều phối bởi ông Steve Davies - chuyên gia nghiên cứu về việc phát triển chợ với 25 năm kinh nghiệm và đã tham gia vào công cuộc cải tạo nâng cấp hơn 500 chợ trên toàn thế giới; cùng sự tham gia của hơn 20 kiến trúc sư trẻ từ các văn phòng kiến trúc uy tín nhằm nghiên cứu và phát triển các phương pháp sáng tạo với chi phí hợp lý để có thể ứng dụng cho việc nâng cấp không gian của các chợ truyền thống trong toàn thành phố.

Trong suốt dự án, các kiến trúc sư không chỉ đưa ra những thiết kế giúp khu chợ trở nên hấp dẫn hơn, mà còn được đi sâu nghiên cứu về mối liên hệ của cộng đồng xung quanh đối với khu chợ, như: việc dễ dàng tiếp cận dành cho người tàn tật và người già; đưa ra các đề xuất để giúp các tiểu thương dễ dàng giữ vệ sinh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; vận hành gian hàng được hiệu quả.

Ông Steve Davies chia sẻ: Tôi đến thăm chợ Hàng Da, là một ví dụ rõ ràng về sự thất bại và thật ngạc nhiên là chợ vẫn còn mở. Các chợ thực phẩm cần được hiện đại hóa, nhưng điều đó không có nghĩa là phải bị biến thành các trung tâm thương mại hoặc đưa xuống tầng hầm của một trung tâm thương mại. Trên thế giới, người ta hiện đại hóa các khu chợ với những kết cấu, hạ tầng, điện nước, quầy hàng và tiện ích cho khách hàng. Nhưng đó vẫn phải là những khu chợ và giữ được các chức năng hoạt động cơ bản và bản sắc. Sự hiện đại hóa đã bắt đầu xuất hiện ở thành phố này, nhưng cần phải nhiều hơn nữa.

Với người Việt Nam, đi chợ không chỉ là để mua bán, mà còn để giao lưu trao đổi câu chuyện và văn hóa giữa các nhóm khác nhau

Theo ông Steve Davies, TP. Hà Nội hiện có 60 chợ thực phẩm, đó là số ít. Nhưng đúng, hầu hết các chợ đều ở trong tình trạng tồi tệ.

Tuy vậy, ông Steve Davies vẫn cho rằng, chợ có thể cạnh tranh với siêu thị, nhưng cần phải cải tạo chợ. Phần lớn những cải tạo này là những vòm mái chợ đẹp để bảo vệ người bán và người mua trước điều kiện thời tiết, sàn chợ phải dễ làm sạch, những quầy hàng có nhiều chức năng hơn cho người bán. Phần nhiều những điều cần phải làm thuộc về bảo trì đang bị chậm trễ, khiến các khu chợ dần bị xuống cấp. Đã đến lúc cần những cam kết nghiêm túc tái đầu tư cho các khu chợ.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho hay: Chợ dân sinh hiện nay đang kẹt ở giữa những sự "thèm muốn" của các nhà đầu tư nhưng lại hờ hững với việc đầu tư thực sự nên nhiều chợ hoạt động cầm chừng. Hiện TP. Hà Nội cũng dừng lại việc kết hợp xây trung tâm thương mại với chợ truyền thống. Tuy nhiên, những chợ được giữ lại cũng đang đứng trước thách thức không biết là nên hiện đại hóa bằng cách nào hay vẫn để sập sệ như hiện tại, trong khi nhu cầu mua bán của người dân vẫn diễn ra hàng ngày, chất lượng chợ xuống cấp do mất vệ sinh và nguy cơ cháy nổ rất cao. Một mô hình mới đang là câu hỏi khó cho những người hoạch định chính sách, những nhà thiết kế vốn chưa được nghiên cứu bài bản.

Kết quả của quá trình nghiên cứu sẽ được thuyết trình trước đại diện của thành phố cũng như ban quản lý các khu chợ truyền thống Việt Nam và cả các tiểu thuơng tham gia buôn bán trong các chợ. Cụ thể: Ngày 2/11/2018 (8h30 - 12h30) thuyết trình sơ lược ý tưởng ban đầu để tham khảo ý kiến của đại diện các ban quản lý chợ và các bên liên quan. Ngày 3 - 4/11/2018 (dự kiến 10h00 - 15h00): thu thập ý kiến đóng góp từ tiểu thương và người đi chợ tại chợ Ngọc Lâm về ý tưởng thiết kế. Ngày 6/11/2018 (8h30 - 12h30): thuyết trình thiết kế tổng thể dành cho 3 khu chợ được nghiên cứu. Ngày 16/11/2018: (dự kiến 8h30 - 12h00): báo cáo, công bố kết quả dự án.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dien-mao-moi-cho-cho-truyen-thong-trong-do-thi-ha-noi-111037.html