Điền kinh Việt Nam xếp ngang Hàn Quốc, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á

Tại Sea Games 2017, điền kinh Việt Nam là điểm sáng khi lật đổ ngôi thống trị của Thái Lan ở bộ môn nữ hoàng. Đến Asian Games 2018, điền kinh Việt Nam tiếp tục thể hiện sức mạnh khi dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Quách Thị Lan (trái) bước vào 200 mét cuối mà vẫn thua VĐV Trung Quốc. Nhưng cô đã có màn nước rút ấn tượng để mang về HC đồng quý giá cho điền kinh Việt Nam - Ảnh: Xuân Bình/VNE

Quách Thị Lan (trái) bước vào 200 mét cuối mà vẫn thua VĐV Trung Quốc. Nhưng cô đã có màn nước rút ấn tượng để mang về HC đồng quý giá cho điền kinh Việt Nam - Ảnh: Xuân Bình/VNE

Ngày hôm qua 30.8, các nội dung điền kinh tại Asian Games 2018 đã chính thức khép lại. Khán giả đã có dịp theo dõi Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Ngọc và Quách Thị Lan đạt thành tích 3 phút 33 giây 23 ở nội dung 4x400 mét, hơn Trung Quốc chưa đầy nửa giây để giành tấm HCĐ quý giá.

Dù chỉ là HCĐ nhưng việc đoạt vị trí thứ 3 trong một cuộc thi tầm cỡ châu lục là rất đáng khích lệ khi các nữ VĐV của chúng ta đã vượt qua các VĐV của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... để giành vinh dự đó. Tấm HCĐ đó cũng giúp đoàn điền kinh Việt Nam cân bằng với thành tích của đoàn điền kinh Hàn Quốc khi cả hai cùng có 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ.

Tất nhiên, con số huy chương đó chỉ là một góc nếu so sánh với các cường quốc điền kinh khu vực như Trung Quốc hay Nhật Bản. Thế nhưng, nếu nhìn lại so với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á thì điền kinh Việt Nam có bước tiến dài. Tấm HCV nhảy xa của VĐV Bùi Thị Thu Thảo không chỉ là HCV đầu tiên của Việt Nam tại đấu trường Asian Games mà còn là HLV duy nhất của các VĐV Đông Nam Á tại Asian Games lần này.

Thái Lan từng thống trị điền kinh Đông Nam Á chỉ giành được 2HCB và 1 HCĐ, chủ nhà Indonesia chỉ có 1 HCB và 1 HCĐ. Singapore, Malaysia hay Philipinnes còn không có nổi tấm huy chương điền kinh nào. Thống kê như vậy để thấy tấm HCĐ mà Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Ngọc và Quách Thị Lan có ý nghĩa như thế nào.

Cũng phải nói thêm rằng đáng ra Việt Nam có thể còn đoạt thêm 1 HCV nữa nếu Asian Games là bộ môn dành cho những người châu Á thực thụ. Cụ thể là trong bộ môn chạy 400 mét nữ vượt rào, VĐV Quách Thị Lan chỉ giành HCB do kém thành tích của Kemi Adekoya đến từ Bahrain mà Kemi Adekoya lại là người Nigeria nhập tịch (nhờ chính sách dù VĐV nhập tịch mà quốc gia nhỏ bé như Bahrain giành đến 12 HCV điền kinh tại Asian Games 2018).

Trong các kỳ thể thao, bảng tổng sắp huy chương có giá trị để đo sự phát triển một nền thể thao. Tuy nhiên, với các giải khu vực như Sea Games hay Asian Games thì điền kinh và bơi lội mới là thước đo chuẩn nhất khi bảng tổng sắp dễ bị chi phối bởi những môn thể thao lạ.

Lần này, trong những bộ môn điền kinh cơ bản như chạy và nhảy thì các VĐV chúng ta đã thể hiện được khả năng của mình. Những bước tiến của điền kinh Việt Nam tại Asian Games cho thấy việc phát triển các bộ môn thể thao kinh điển ở các kỳ Olympic đang đi đúng hướng. Đồng thời cũng cho thấy về tố chất dẻo dai, mạnh mẽ thì người Việt Nam không hề thua kém khi tranh tài tại châu lục.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-thao-c-71/dien-kinh-viet-nam-xep-ngang-han-quoc-dan-dau-khu-vuc-dong-nam-a-95694.html