Điền kinh tự tin giành vé Olympic 2020

Do ảnh hưởng của dịch COVID-9, các giải Điền kinh ở châu Á đã 'đóng băng' từ đầu năm 2020. Tuy vậy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Điền kinh Việt Nam vẫn tự tin với mục tiêu giành vé Olympic 2020.

Điền kinh nhận “vé” Olympic bằng cách nào?

Hiện tại, đội chạy 4x400m hỗn hợp Việt Nam đang xếp hạng 17 thế giới, kém gần 1 giây so với đội xếp hạng 16 - thứ hạng sẽ được xét dự Thế vận hội.

Duy trì thành tích tốt, Quách Thị Lan rất tự tin. Ảnh: TTXVN

Duy trì thành tích tốt, Quách Thị Lan rất tự tin. Ảnh: TTXVN

Nói về nhiệm vụ chinh phục tấm vé đến Olympic Tokyo, cả 2 anh em Quách Công Lịch và Quách Thị Lan đều rất tự tin.

“Em nghĩ rằng 80% mình có thể giành vé đi Olympic. Nếu như em cùng các đồng đội cố gắng quyết tâm và tập luyện hết sức mình thì chắc chắn chúng em sẽ làm được. Cuộc cạnh tranh rất gắt gao, chúng em chỉ biết là cố gắng hết sức mình và vượt được thành tích bản thân” - nữ tuyển thủ tài năng của điền kinh Việt Nam chia sẻ.

Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết: Từ nay đến ngày 5/7/2021, đội 4x400m hỗn hợp sẽ phải nỗ lực rất nhiều khi các đối thủ cũng có nhiều thời gian.

Một “vé” nữa cho điền kinh được kỳ vọng ở nội dung cá nhân. Quách Thị Lan (nội dung 400m rào nữ) cũng đứng trước cơ hội giành vé Olmpic khi đang đứng đầu châu Á và xếp thứ 19 thế giới.

Tuy nhiên, do những ảnh hưởng của COVID-19, các giải đấu chuẩn bị cho việc “săn vé” Olympic của các VĐV chưa thể diễn ra nên theo đại diện của bộ môn này của Tổng cục TDTT, chuẩn Olympic có sự điều chỉnh nhất định theo từng năm. Vì vậy, ngay khi các giải đấu quốc tế trở lại, các VĐV phải tích cực tham dự. Trên lý thuyết, dự càng nhiều giải sẽ có thêm nhiều điểm.

Tích cực chuẩn bị lực lượng

Giải vô địch điền kinh quốc gia là cuộc tổng duyệt về lực lượng ở giai đoạn cuối năm 2020 cho thấy, thành tích của các VĐV trọng điểm vẫn giữ phong độ ổn định với sự vượt trội trên đường đua, bên cạnh đó là sự vươn lên của các thế hệ kế cận. Cụ thể, Quách Thị Lan cũng lần đầu vượt qua nhà vô địch SEA Games 30 Nguyễn Thị Huyền ở nội dung 400m với 52 giây 46. Nguyễn Thị Oanh cũng giành 4 tấm HCV ở cự ly dài, đặc biệt là kỷ lục quốc gia ở nội dung 10.000 m nữ với thành tích 34 phút 8 giây 54, phá sâu kỷ lục quốc gia đã tồn tại 17 năm.

Đến thời điểm hiện nay, Điền kinh Việt Nam vẫn chưa thể lên được kế hoạch tham dự các giải vòng loại Olympic. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, để các VĐV trẻ có thể tiếp cận thành tích tại SEA Games 31 thì cần rất nhiều yếu tố, đặc biệt là tham gia các giải đấu quốc tế để cọ xát.

“Khó khăn nhất trong thời điểm hiện tại là các giải đấu quốc tế đều hoãn, cả các VĐV chủ lực và trẻ rất cần thi đấu. Các chân chạy trẻ của chúng ta đang có những thành tích khả quan, nhưng kinh nghiệm thi đấu ở giải lớn thì chưa có nhiều. Do đó cần phải không ngừng tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng thi đấu” - ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm.

Hiện nay, để chuẩn bị tích cực cho các nhiệm vụ sắp tới trong bối cảnh không thể đi tập huấn hoặc tham gia các giải đấu quốc tế thì các giải đấu nội bộ đều là phương án tối ưu nhất giúp duy trì phong độ của các VĐV.

Và điều đáng nói là do tình hình dịch COVID-19, các giải Điền kinh ở châu Á đã "đóng băng" từ đầu năm 2020, chính vì thế đến thời điểm hiện tại kế hoạch tham dự các giải vòng loại Olympic của Điền kinh Việt Nam vẫn chưa có. Sẵn sàng luôn là tâm thế của nhiều đội tuyển thể thao Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Theo lịch thi đấu trong năm 2021, các giải đấu quan trọng để các VĐV tham gia và tích điểm như: Giải Điền kinh thế giới trong nhà 19 - 21/3 tại Trung Quốc, hay như Giải các nội dung tiếp sức châu Á 27 - 28/3 tại Thái Lan; giải vô địch Điền kinh châu Á lần thứ 24 vào tháng 5 tại Trung Quốc… cũng đang bỏ ngỏ vì còn phụ thuộc vào diễn biến của tình hình dịch COVID-19.

Lê Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-the-thao/dien-kinh-tu-tin-gianh-ve-olympic-2020-20210123134216849.htm