Điện Hòa và những mảnh ghép nhân dân bi tráng (*)

Xã Điện Hòa thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nơi mà 'mỗi hạt cát ở đây đều được luyện từ máu'.

Đó là từng hạt xương thịt thật sự của nhân dân” ("Chiến trường những năm tháng ấy, sống và viết" - Nguyên Ngọc), những năm 60 của thế kỷ trước chỉ có 5.520 người dân nhưng có tới 1.429 liệt sỹ, 430 thương binh, 151 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 anh hùng LLVT, 20,5% số dân tham gia quân đội, 21% tham gia dân quân du kích, 20% tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.

Cuộc chiến đẫm máu và dai dẳng chống Mỹ ở Điện Hòa thực sự là cuộc chiến tranh nhân dân. Ngoài những người được lưu danh sử vàng bia đá còn bao nhiêu người, sự kiện khác mà không một sử sách nào có thể ghi chép xuể. Như những mảnh ghép đủ hình khối, sắc màu làm nên một bức tranh lớn, mỗi người dân đều ở đây có một vị trí, vai trò hòa cùng nhau làm nên các chiến thắng hào hùng vang dội.

 Con sông Bàu Sấu. Ảnh: Quang Ngọc.

Con sông Bàu Sấu. Ảnh: Quang Ngọc.

Những nóc nhà bên dòng sông Bàu Sấu

“Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng? Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông” (Bế Kiến Quốc). Điện Hòa có sông Bàu Sấu chia đôi xã thành 2 khu vực Bắc và Nam, phía Bắc giáp với Đà Nẵng, nơi có đồn Mỹ đóng tại Bàu Sấu và căn cứ trung đoàn Mỹ đóng tại Trảng Nhật.

Cái tên Bàu Sấu được ông cha đặt tự bao giờ, chẳng rõ, nhưng đến thời chống Mỹ chẳng gặp con cá sấu nào mà là một dòng sông trong xanh rộng chừng 70 - 100m, hai bên bờ những hàng tre soi bóng.

Bàu Sấu là nguồn nước cho hơn 1.000ha lúa, là chiến hào, là chiến lũy, là hầm bí mật cho du kích, cán bộ. Nhà văn Nguyên Ngọc ngày ấy với tên Trung Thành kể, một đêm tháng chạp, lạnh, ông cùng Nguyễn Đức Tài (Giả) bí thư xã, ngủ ở nhà bà Chánh, xóm Đồng cạnh sông Bàu Sấu, đến gần sáng thì bị bà Chánh gọi thốc dậy vì bọn Mỹ đi càn.

Không thể bơi vượt sông vì bên ấy cũng có một tốp Mỹ và hai ông đã chọn cách chui hầm bí mật ngay chỗ cái xe nước kéo bằng trâu sát mé sông. Ai dè bọn Mỹ cũng thấy đấy là điểm cao đặt khẩu đại liên lý tưởng.

Vậy là trên thì lính Mỹ, còn dưới 2 tấc đất là 2 ông Việt cộng. Bọn Mỹ thấy cái xe nước thì khoái vì chúng chưa thấy bao giờ, tranh nhau thử làm trâu kéo xe nước kẽo kẹt. Qua khe hở của tấm vỉ tre, ông còn thấy bụng lính Mỹ đỏ au chình ình ngay trên đầu.

Một giờ, rồi hai giờ, rồi trưa, rồi chiều, mà sao cả tiểu đội Mỹ lại không ai đạp trúng tấm vỉ tre chặn mương nước là nắp hầm bí mật.

Bà Chánh đã mất, xóm Đồng đã chuyển vào trong xóm Phường, thổ cư đã biến thành đồng, bãi. Cái xe nước không còn vết tích. Muốn chụp ảnh nền đất có căn hầm bí mật ấy nhưng không ai có thể xác định chính xác mà chỉ biết ở gần lùm tre ấy.

Lùm tre ở xóm Đồng, nơi có cái xe nước và hầm bí mật mà 2 VC từng núp và sống sót. Ảnh: Quang Ngọc.

Cũng bên dòng sông Bàu Sấu, nơi sát với cầu Bàu Sấu, có 5 nóc nhà choi loi tách ra từ xóm Đồng, trong đó có nhà bà Nẫm.

Ngày ấy cầu đường sắt Bàu Sấu vẫn còn qua lại được, cách cầu 100 m về phía Bắc là đồn Mỹ. Để phòng vệ từ xa, bọn Mỹ thường luân phiên đi tuần. Tuy được trang bị tận răng, súng ống, áo giáp, giày ủng đầy đủ nhưng đứa nào cũng ngán chông, ngán mìn, ngán đụng phải du kích nên chúng thường hay sà vào nhà bà Nẫm và ở lỳ đấy.

Bà Nẫm có nghề giã gạo. Cũng như chiếc xe nước, bên Hợp chủng quốc không có cái cối giã này. Thế là chúng thay nhau giã. Để tăng hiệu quả, thỉnh thoảng bà Nẫm lại còn mời bọn chúng khoai lang luộc, nước chè. Lại thêm các cô gái trong xóm xúm lại trêu chọc, cùng giã, vui đáo để.

Nhiều lúc bà Nẫm phải huy động gạo trong xóm mới đủ. Căn nhà bé nhỏ bà Nẫm trở thành tai mắt, tiền đồn lợi hại cho du kích, ngăn không cho bọn chúng sục sạo, đảm bảo an toàn cho phía sau.

Bà Nẫm không còn, căn nhà lá cùng chiếc cối giã gạo cũng không còn, mấy nóc nhà loi xoi đầu cầu Bàu Sấu đã được xây tường lợp ngói. Ảnh: Quang Ngọc.

"Nhân dân là ta"

Chiến tranh đặc biệt dựa vào ấp chiến lược thất bại. Tháng 3/1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng, Chu Lai. Điện Hòa nằm trong vành đai an toàn của sân bay Đà Nẵng và căn cứ Trảng Nhật nên được Mỹ “ưu tiên” đóng đồn, xây căn cứ và liên tục mở các cuộc càn quét “tìm và diệt”. Ngày 26/7/1965, Mỹ cho 21 xe M.113 từ Quốc lộ 1 lên thôn Hà Tây, xóm Bùng và định chạy bừa lên đồng lúa sắp chín. Nhân dân đã ùa ra cản xe chúng lại, buộc phải đi đường khác.

Ngày 5/9/1965, Mỹ lại mở cuộc càn quét lớn vào Bích Bắc, nhân dân đã nhất tề đứng cản đầu xe. Thấy nhân dân kiên quyết, dũng cảm, địch phải nhượng bộ nhưng đóng quân lại 4 ngày khiến cho hai trăm cán bộ, chiến sỹ phải rút vào hầm bí mật. Chỉ có nhân dân mới tiếp tế hậu cần và sơ tán dần cho chừng ấy con người. Còn một người cuối cùng không thuộc đường sá cũng được cứu thoát nhờ núp sau gánh rơm của một bà mẹ.

Tuy chỉ là một xã nhỏ, mỗi bề chỉ khoảng 2km, nhưng có lúc Điện Hòa có tới 11 đồn lớn nhỏ các loại của Mỹ, quân Sài Gòn và Nam Hàn. Ấy vậy mà bộ máy Đảng, chính quyền và xã đội của Điện Hòa vẫn hoạt động đều đặn, trơn tru, hiệu quả và bọn địch liên tiếp bị đánh tơi tả. Được như vậy là nhờ nhân dân.

Nguyên Ngọc viết “Địch ê hề ra đó, muốn đánh lúc nào thì đánh. Trong đồn là địch, ngoài đồn cách mươi mét, đã là của ta. Địch ra khỏi đồn, bữa nào ta thấy khỏe, vui, tính nước làm ăn được, thì tổ chức đánh. Bữa nào chán, mệt, thấy bất lợi, thì chui hầm bí mật, đã có dân bảo vệ. Bởi tất cả dân là ta”.

Tháng 11/1965, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh tổ chức cuộc hop ở La Thọ (khu Nam). Thông tin bị lộ, địch tổ chức một cuộc càn quét lớn. Bà Nguyễn Thị Mốc, Thái Thị Nhơn, Thái Thị Duy, Nguyễn Thị Cúc, Lê Thị Thanh cùng nhiều mẹ, chị khác và hàng trăm nhân dân đã nắm tay nhau chặn xe bọc thép của chúng lại. Cuộc hành quân của địch phải dừng lại.

Không thể kể hết sự che giấu, nuôi nấng, bảo vệ, tiếp sức cho du kích, cho cán bộ của nhân dân.

Tuy được phân công phụ trách phía Bắc nhưng thỉnh thoảng Nguyên Ngọc vẫn qua khu Nam, nơi xa đồn giặc hơn, để ngủ lấy sức.

Giữa năm 1967, Nguyên Ngọc về nhà ông bà Vịnh ở La Thọ và chui ngay vào hầm tránh pháo đắp giữa nhà tính chợp mắt một lát, ai dè ngủ mê mệt luôn, trong lúc cả nhà chẳng ai hay. Chẳng may bọn Mỹ từ đồn Bàu Sấu sục vào xóm. Chị Liễu con gái bà Vịnh xuống hầm dọn dẹp mới phát hiện ra.

Nguyên Ngọc mở mắt thì quân Mỹ đã xì xồ ngay cổng. “Chị Liễu ngồi chắn ngay trước cửa hầm. Tôi hiểu: chị quyết chết thì chết, không cho thằng Mỹ nào mò xuống hầm.

Bà Vịnh - cái bà già hiền khô ấy mới ghê gớm làm sao, bà nói đủ thứ xi lô xì la lung tung, pha chè, mời nước, bưng cả ổ trứng gà đang ấp cho bọn chúng ăn sống… Và cả xóm, chẳng biết theo tín hiệu nào, ào đến quây lấy bọn Mỹ. Lại cảnh các cô gái sà vào ôm cứng từng đứa, để cho bọn chúng làm đủ trò dơ bẩn.

Suốt hai tiếng đồng hồ", nhà văn viết.

Ông bà Vịnh đã mất, chị Liễu bị mất một chân do pháo Mỹ, còn một chân bị viêm xương, rất đau đớn không đi lại được. Trong lúc các bác sĩ ở Đà Nẵng bảo phải tháo khớp thì có đoàn bác sĩ Đức sang thăm và đưa ra phương án bảo tồn, nhờ vậy chị vẫn còn được một chân. Hồng, đứa con gái duy nhất của chị, cũng mới mất do bệnh và chị đi ở cùng cháu ngoại. Căn nhà năm xưa vẫn còn, nhờ đứa cháu trông hộ, chỗ gian giữa có hầm tránh pháo mà Nguyên Ngọc từng núp đã được sửa lại thành gian thờ gia tiên.

Cái cối đá là vũ khí

Viết về Điện Hòa chắc chắn không ai qua được Nguyên Ngọc, bởi ông là tác giả của áng hùng văn “Đường chúng ta đi” – Hịch tướng sĩ thời đánh Mỹ; bởi ông cũng là người bản địa “Quảng Nôm”, trung tâm phố cổ Hội An quê của ông chỉ cách Điện Hòa 25km; bởi trong khoảng thời gian 1966, 1967 ông là du kích, xã đội, phó bí thư xã Điện Hòa, lãnh đạo và cùng nhân dân Điện Hòa ăn bí mật, cùng ngủ bí mật, cùng ôm súng bật nóc hầm nhả hờn căm lên đầu quân thù, và còn hơn thế nữa, đã bao lần ông suýt biến thành hạt đất hạt cát Điện Hòa.

Sau 1975, ông về thăm lại Điện Hòa, bà Cửu Trấu, một người dân bình thường bán mì Quảng, đã hỏi ông một câu rất thật - Bao nhiêu đứa chết hết răng mi còn sống? Sự trở về sau cuộc chiến đẫm máu, dai dẳng của Nguyên Ngọc là một trường hợp đặc biệt.

Bà Cửu Trấu hoàn toàn là một dân thường, không là thành viên của tổ chức nào, cũng không ai phân công cho bà nhiệm vụ “bán mỳ tại dốc đường xe lửa”, nhưng bà biết rõ anh em du kích, cán bộ cần bát mỳ lúc nửa đêm gà gáy, cần một chỗ vừa xì xụp ăn vừa điểm mặt nhau sau mỗi trận đánh, cần điểm cao nhất xã này làm chòi canh.

Bởi vậy bà đã bất chấp pháo chụp pháo bầy, bất chấp bao trận càn chà đi xát lại của bộ binh, xe tăng, thiết giáp “một tấc không đi, một ly không dời”. Cái quán tranh nghèo của bà bị đốt không biết bao lần, nhưng với bà, đâu có hề chi, miễn sao cái cối xay bột vẫn còn.

“Hễ giặc càn đến là bà ném cái cối đá ấy xuống hố bom đầy nước. Giặc rút, lại mò cối lên, và… xay bột”. Cái dốc ga Đồng Quan vô danh thành hữu danh - Dốc Cửu Trấu.

Cũng như bao người khác, Nguyên Ngọc từng được bà Cửu Trấu nhiều lần cho ăn mỳ chịu, miễn phí, bao lần được bà “chiêu đãi” vì đánh trận ngon.

“Thời 1971 - 1972, Điện Hòa bị “cày trắng”. Một xã gần 5.000 dân chỉ còn lơ thơ vài chục người trụ bám. Hoang vu một vùng Điện Bàn, Hòa Vang như mặt trăng. Vậy mà cái quán mì Quảng dốc Cửu Trấu vẫn còn. Đêm chúng tôi đi qua vùng đất bỗng rộng ra mênh mông gần như tuyệt đối không có người, một cây xanh cũng không, vẫn có thể ghé ăn mì quán Cửu Trấu.

“Lương tâm nghề nghiệp” bà Cửu vẫn nguyên vẹn, vẫn hoàn toàn đúng chất mì Quảng, lát mì bao giờ cũng săn, vàng rộm, phớt một lớp mỡ mỏng, rau sống đàng hoàng, lạc rang giã rất mịn, không quá cháy một hạt, nước lèo ngọt lịm… Chúng tôi yên tâm. Vậy là ta vẫn còn. Cuộc chiến đấu vẫn còn.

Một chi tiết khác, tấm huân chương kháng chiến hạng nhất do chủ tịch Trường Chinh ký năm 1983 tặng cho bà Cửu Trấu lại có tên là Mai Thị Lúa. Nhầm lẫn chăng? Không. Ông Trần Văn Chuẩn, nguyên bí thư xã Điện Hòa, nguyên phó bí thư huyện Điện Bàn, giải thích: Ngày Nguyên Ngọc viết về bà Cửu Trấu còn chưa giải phóng, để không bị lộ nên cải tên thành Mẹ Lúa.

Huân chương kháng chiến của Chủ tịch nước tặng cho bà Cửu Trấu có tên Mai Thị Lúa

Bà Cửu Trấu đã mất, quán mì Quảng không còn, chỉ còn lại cái nền nhà và các dốc mang tên dốc Cửu Trấu. Ảnh: Quang Ngọc.

Chị là chị Điện Hòa

“Tên chị là chi tôi không biết

Chỉ biết chị là chị Điện Hòa”

Hai câu thơ trên được trích từ bài thơ "Chị Điện Hòa", một bài thơ không rõ tác giả, chỉ biết là của một anh bộ đội nhưng được truyền tụng trong nhân dân và nhiều người Điện Hòa đến nay vẫn thuộc.

Bài thơ kể chuyện trong một cuộc chiến không cân sức, một tiểu đội quân chủ lực Liên Khu 5 bị giặc Pháp đẩy xuống dòng sông: “Đạn nổ vang trời bom rơi tới tấp/ Ba mặt quân Tây tiến dồn dập/ Chỉ còn một phía quân ta lui” … “Tiểu đội chúng tôi chỉ có mười người/ Đến bờ sông rộng mà chẳng đứa nào biết bơi …”.

Đang cơn nguy khốn thì bỗng nhô ra một chiếc xuồng, chủ đò là một thanh nữ “Áo ướt lộ màu da” giục hối hả “Mau xuống đây, tôi chèo qua”. Khi cả tiểu đội vừa thoát được thì có 2 chiếc máy bay giặc ào tới nã xuống dòng sông 2 loạt đạn, anh bộ đội chỉ kịp nhìn thấy “Đầu chị gối trên be thuyền nát/ Máu đổ dòng sông chảy ri ri”. Anh bộ đôi vô cùng ân hận vì trong tình huống hiểm nghèo đã không nhìn kỹ gương mặt chị, không biết tên chị mà chỉ biết chắc rằng chị là chị Điện Hòa.

Mặc dù không biết tên chị thanh nữ cùng chú bộ đội là tác giả của bài thơ nhưng khúc sông xảy ra được xác định là sông Cổ Cò, đoạn có trạm bơm Đông Hồ, trước đây thuộc Điện Hòa nhưng nay thuộc xã Điện An.

Đoạn sông Cổ Cò, nơi chị Điện Hòa dũng cảm hy sinh chèo thuyên cứu 10 anh bộ đội.

Còn ai như Chị Điện Hòa? Chắc còn nhiều, nhiều lắm. Nhưng xin vong linh người anh hùng đừng buồn, chị là xương thịt của quê hương. Chị là một mảnh ghép ghép nên bức tranh tươi sáng của Điện Hòa hôm nay.

Căn cứ Trảng Nhật đã thành cụm công nghiệp Trảng Nhật 2 với 200 lao động là con em Điện Hòa. Xã Điện Hòa đã được công nhận đạt Nông Thôn Mới với thu nhập bình quân đạt 41,42 triệu đồng/năm, tỷ trọng kinh tế Nông nghiệp chỉ còn 21,48% và đang phấn đấu giảm tiếp xuống còn 14 - 16% vào năm 2025. Cánh đồng thôn Đồng sắp thành khu Nông nghiệp Công nghệ cao. Khu vực đầu cầu Bàu Sấu sắp trở thành khu Du lịch sinh thái. Xã có 3 trường tiểu học và trung học cơ sở khang trang, đạt chuẩn. Một tương lai tươi sáng đã hiển hiện với người dân Điện Hòa.

Trụ sở UBND Xã Điện Hòa.

Cánh đồng xóm Đồng chuận bị được đầu tư thành Khu Nông nghiệp Công nghệ cao.

* Những tư liệu trong bài này được trích từ sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Điện Hòa” và những bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc.

Quang Ngọc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dien-hoa-va-nhung-manh-ghep-nhan-dan-bi-trang-d289093.html